Mô hình kinh tế Phát Triển Sản Xuất Các Loại Nhiên Liệu, Năng Lượng Tái Tạo

Phát Triển Sản Xuất Các Loại Nhiên Liệu, Năng Lượng Tái Tạo

Publish date Wednesday. November 19th, 2014

Phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo hiện nay đang nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Ngay cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ cũng đã có những chính sách thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá) bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Nguyên nhân do các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt dần việc khai thác, sử dụng loại nhiên liệu này là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chi phí ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, những nguồn năng lượng tái tạo như: mặt trời, gió, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt… lại là những nguồn năng lượng vô tận và “sạch” hơn rất nhiều so với năng lượng không tái tạo. Sản xuất các sản phẩm nhiên liệu tái tạo (củi, than sinh học) từ các loại phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, trấu) và chế biến gỗ (mùn cưa)… là nguồn nguyên liệu chính thay thế nguồn nhiêu liệu truyền thống (than đá, than cám) phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt đang có xu hướng phát triển trên địa bàn tỉnh ta.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, mỗi năm đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 triệu USD tại các thị trường chính ở châu Âu và Bắc Mỹ,  mỗi tháng Cty CP Lâm sản Nam Định thải ra trên 1.000 tấn củi vụn, mùn cưa.

Củi vụn đã được Cty sử dụng làm chất đốt phụ cho các lò sấy, nhưng lượng lớn mùn cưa không có phương án xử lý phù hợp, không chỉ chiếm dụng diện tích nhà xưởng mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phát sinh chi phí lớn cho hoạt động thu gom, đổ bỏ. Trước tình hình đó qua tìm hiểu, năm 2010, Cty đã liên hệ với Viện Năng lượng (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nhờ hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ để lắp đặt hệ thống máy phát điện loại nhỏ sử dụng phế thải này nhưng không thành công.

Trước tình hình đó, Cty đã tìm kiếm nhiều đối tác nước ngoài và trực tiếp tham quan, tìm hiểu việc xử lý loại phế thải này ở các nước phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Năm 2012, Cty đã đầu tư trên 4 tỷ đồng lắp đặt 2 máy sản xuất than sinh học từ mùn cưa theo công nghệ của Ấn Độ cho 2 nhà máy ở các KCN Hòa Xá, Bảo Minh. Dây chuyền sản xuất than sinh học của Cty được khép kín từ khâu xử lý nguyên liệu - tạo hình đến ra thành phẩm, công suất tối đa 1.000 tấn sản phẩm/dây chuyền/tháng.

Qua kiểm nghiệm sản phẩm than sinh học từ mùn cưa của Cty đạt nhiệt lượng đến 4.400KCal, gần bằng với nhiệt lượng của than đá (5.200KCal) mà giá thành chỉ bằng 45-50% so với than đá. Nhờ phát triển sản xuất than sinh học, từ năm 2012 đến nay, nguồn phế thải từ sản xuất của Cty không chỉ được giải quyết triệt để thành nhiên liệu chính phục vụ sản xuất, hầu như không phát sinh phế thải sau khi sử dụng (mỗi tấn than sinh học thải ra 3kg tro, tỷ lệ 3%0). Ngoài Cty CP Lâm sản Nam Định, trên địa bàn tỉnh còn có một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm nhiên liệu tái tạo từ các loại phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, trấu…

Là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may của cả nước, để giảm thiểu tối đa chi phí nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã sử dụng một phần nhiên liệu than sinh học để vận hành hệ thống lò hơi của các nhà máy dệt, nhuộm. Năm 2013 Tổng Cty đã đầu tư một dây chuyền sản xuất than sinh học tại xã Minh Tân (Vụ Bản). Để giải quyết lượng trấu phế thải sau khi chế biến gạo xuất khẩu, Cty CP Thương mại Hương Giang (CCN An Xá) đã lắp đặt dây chuyền sản xuất than sinh học.

Ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy cũng có một số cơ sở sản xuất than sinh học, chất đốt sinh hoạt từ nguồn trấu, rơm, rạ như cơ sở sản xuất Lê Trường An ở xã Giao Long (Giao Thủy) đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng lắp đặt 2 dây chuyền sản xuất than sinh học với tổng công suất khoảng 1.000 tấn sản phẩm/tháng.

Hiện nay, sản phẩm than sinh học của cơ sở đã được cung ứng cho nhiều lò hơi công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy Nhuộm (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định); Cty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy và nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội, Thái Bình…

Phát triển sản xuất các loại năng lượng tái tạo từ phế thải nông nghiệp, chế biến gỗ không chỉ là xu hướng tất yếu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, giảm áp lực gây ô nhiễm môi trường nông thôn sau mỗi vụ thu hoạch mà còn là giải pháp tối ưu để thực hành tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Bùi Đức Thuyên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Lâm sản Nam Định cho biết: Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu than sinh học sản xuất tại chỗ, chi phí nhiên liệu phục vụ sản xuất của Cty đã giảm xuống hơn một nửa so với sử dụng than đá (khoảng 2 tỷ đồng/tháng).

Không chỉ cung ứng đủ nhiên liệu cho 4 nhà máy sản xuất của Cty, các sản phẩm than sinh học còn được cung ứng rộng rãi cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh (KCN Hòa Xá, Bảo Minh) và được bán ra thị trường, tạo thêm nguồn thu cho doanh nghiệp…

Thêm một ưu điểm nữa của than sinh học được ông Phạm Đình Đệ, Trưởng Phòng Kế hoạch Nhà máy Nhuộm (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) cho biết: Không chỉ có giá thành rẻ, nguồn cung ứng ổn định, dồi dào, than sinh học còn có ưu thế nổi bật là dễ dàng điều chỉnh nhiệt lượng lò đốt. Nhờ đó, nguồn nhiên liệu tiêu hao cho một mẻ đốt giảm đáng kể mà lại an toàn cho công nhân vận hành, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sản xuất công nghiệp. Hiện nay, mỗi tháng Nhà máy Nhuộm tiêu thụ khoảng 80-100 tấn than sinh học để phục vụ sản xuất.

Ngoài các ưu thế chi phí sản xuất thấp, nguồn nhiên liệu tại chỗ dồi dào, phát triển sản xuất các loại nhiên liệu tái tạo còn là cơ hội để kích cầu phát triển các lĩnh vực sản xuất khác.

Hiện nay, làng nghề cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) đã có một số doanh nghiệp, cơ sở như Cty TNHH một thành viên An Thuận Phát, cơ sở cơ khí Hải Liên nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền sản xuất viên nén mùn cưa với giá thành thấp hơn nhiều so với dây chuyền nhập khẩu mà hiệu quả tương đương. Bên cạnh đó, phát triển sản xuất các sản phẩm than sinh học còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lương thực - thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay sản lượng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các loại nhiên liệu năng lượng tái tạo của tỉnh ta còn thấp nên lượng hàng hóa vẫn chưa cung ứng đủ cho nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, sử dụng rộng rãi các sản phẩm năng lượng tái tạo còn hạn chế. Thị trường này đang cần sự bắt tay vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ về vốn, công nghệ, thông tin để phát triển sản xuất các sản phẩm năng lượng tái tạo bền vững.

Nguồn bài viết: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201411/phat-trien-san-xuat-cac-loai-nhien-lieu-nang-luong-tai-tao-2376085/


Related news

nhung-mo-hinh-sang-tao-cua-phu-nu Những Mô Hình Sáng Tạo… vi-binh-xay-dung-nong-thon-moi Vị Bình Xây Dựng Nông…