Mô hình kinh tế Phát Triển Sản Xuất Ở Các Khu Tái Định Cư Huyện Bác Ái

Phát Triển Sản Xuất Ở Các Khu Tái Định Cư Huyện Bác Ái

Publish date Tuesday. July 30th, 2013

Thời gian qua, huyện vùng cao Bác Ái được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, một số thôn, xã nằm trong vùng dự án được di dời về nơi ở mới.

Để sớm ổn định cuộc sống cho bà con, ngày 31-3-2008, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở các khu tái định cư. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, đời sống của nhân dân ở khu tái định cư có nhiều chuyển biến rõ nét.

Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Với quyết tâm đảm bảo cho người dân về nơi ở mới có mức sống cao hơn hoặc bằng nơi ở cũ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết, triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực; trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư nguồn lực giải quyết đất sản xuất, nhà ở, các vấn đề an sinh xã hội.

Ở xã Phước Thắng, ngoài Dự án Tái định canh, định cư đã khai hoang gần 540 ha đất cấp cho 608 hộ ở 4 thôn trên địa bàn; huyện còn tiến hành khảo sát, đề nghị tỉnh chuyển đổi 153 ha đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp để cấp bổ sung cho bà con. Riêng các thôn tái định cư Suối Lở (Phước Thành), Đá Trắng (Phước Tân), Rã Trên (Phước Trung), Tà Lọt (Phước Hòa)… huyện đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khai hoang trên 500 ha đất cấp cho các hộ.

Để nghiên cứu tính thích nghi các loại cây trồng trên vùng đất mới, huyện phối hợp với các ngành chức năng triển khai thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất ở các khu tái định cư. Chỉ riêng tại xã Phước Thắng, từ năm 2008 đến nay có rất nhiều đơn vị như Chi cục Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tỉnh đoàn… đã hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình “thâm canh lúa nước”, với tổng diện tích lên đến gần 50 ha.

Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, huyện cũng đã triển khai các mô hình: “trồng lúa nước”, “bắp lai”, “nuôi heo núi”, “nuôi gà thả vườn”, “nuôi cá nước ngọt”… Kết quả thực hiện các mô hình đã làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của bà con. Đến nay, ở các khu tái định cư đã hình thành được những vùng chuyên canh trồng lúa nước, bắp lai, mì với tổng diện tích lên tới 2.000 ha.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, ngoài nguồn vốn của tỉnh thuộc dự án các khu tái định cư, huyện cũng đã đầu tư 160 tỷ đồng xây dựng 7 công trình thủy lợi, 34 công trình giao thông, 2 công trình nước sạch sinh hoạt, 20 trường học… Các công trình trên đang phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, đi lại cho nhân dân.

Có thể nói, qua 5 thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện, Bác Ái đã tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết cho nhân dân ở các khu tái định cư như nhà ở, đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt... Qua đó, đời sống của người dân đã dần ổn định, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 5% đến 7%, hiện không còn đối tượng phải hỗ trợ thiếu đói giáp hạt.

Tuy nhiên, cân phân mà nói, dù huyện có nhiều nỗ lực nhưng sản xuất ở các khu tái định cư vẫn còn bấp bênh. Trong số diện tích đất khai hoang cấp cho các hộ dân ở xã Phước Thắng chỉ có gần 132 ha được trồng lúa 2 vụ, số diện tích còn lại do chưa chủ động nước tưới nên chỉ sản xuất 1 vụ, thậm chí bị bỏ hoang.

Đặc biệt, ở thôn Ma Oai do lòng mương thấp hơn mặt ruộng, không đưa nước vào được nên nông dân bỏ hoang nhiều năm liền. Ở các thôn tái định cư khác, nhiều diện tích đất được cấp, bà con cũng bỏ hoang như ở khu vực sạt lở xã Phước Thành, tiểu khu 58a, 58b xã Phước Tân, Phước Tiến…

Đáng lo là có nhiều hộ ở khu tái định cư đã trở về làng cũ sinh sống. Đơn cử như ở xã Phước Thắng có 55 hộ về rẫy cũ sản xuất, 22 hộ làm nhà sàn ở hẳn trên núi. Điều này đẫn đến tình trạng đốt rừng làm rẫy tái diễn, con cái của những hộ này ở xa trung tâm xã nên không được đi học.

Trao đổi với chúng tôi, Đồng chí Ka-tơ Chiêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đất sản xuất cấp cho bà con ở khu tái định cư bạc màu, trong khi các hộ không đủ khả năng tài chính để đầu tư cải tạo. Hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 thuộc công trình thủy lợi hồ Sông Sắt mới hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2012, nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Việc thực hiện các mô hình sản xuất thí điểm còn quá nhỏ lẻ, chưa liên tục, không nhân rộng được, dẫn đến bà con chưa kịp thích nghi với môi trường sản xuất mới. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, bà con ở những khu tái định cư vẫn còn mang nặng tư tưởng “trông chờ ỷ lại” vào Nhà nước. Có rất nhiều hộ, khi được hỗ trợ giống, phân bón… thực hiện mô hình sản xuất mới thì tích cực vào cuộc, nhưng khi kết thúc chương trình lại bỏ hoang đất. Nhiều hộ lấy lý do đất xấu phải về rẫy cũ sản xuất, nhưng trên thực tế lại cho người ngoài địa phương thuê trồng mỳ, cao su.

Khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, huyện Bác Ái tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo đồng ruộng, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển sản xuất, nghiên cứu đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện tự nhiên. Huyện cũng đã kiến nghị với tỉnh tiếp tục mở rộng hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 thuộc hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt trên địa bàn xã Phước Đại và kênh mương nội đồng ở thôn Suối Đá, xã Phước Tiến. Chuyển đổi 153 ha đất rừng ở tiểu khu 82c sang đất sản xuất nông nghiệp để giao cho các hộ chưa được cấp đất.


Related news

nhan-rong-cac-mo-hinh-kinh-te-o-ninh-son Nhân Rộng Các Mô Hình… nguoi-nong-dan-lam-giau-tu-san-xuat-lua-giong Người Nông Dân Làm Giàu…