Mô hình kinh tế Phát Triển Sản Xuất Rau An Toàn - Nhu Cầu Tất Yếu Của Nền Nông Nghiệp Hiện Đại

Phát Triển Sản Xuất Rau An Toàn - Nhu Cầu Tất Yếu Của Nền Nông Nghiệp Hiện Đại

Publish date Friday. December 20th, 2013

Vụ đông xuân 2013-2014, Công ty Antesco ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đậu nành rau với diện tích 70 héc-ta của nông dân thị trấn Cái Dầu (An Giang).

Ngày 11-12-2013, công ty tiến hành lấy mẫu đậu nành rau nguyên liệu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch tại hộ nông dân Phan Văn Đây (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) tại Trung tâm Kiểm nghiệm nông thủy sản AGITEST. Kết quả, phát hiện nhiễm thuốc kích thích và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, hàm lượng Cypermethrin vượt 9,15 lần, Difecconazole vượt 16,22 lần.

Công ty đã lập biên bản và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm này, đồng thời cảnh báo các nông dân khác không tự ý sử dụng thuốc ngoài danh mục, tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn, để bảo vệ uy tín, thương hiệu công ty khi xuất hàng sang thị trường nước ngoài.Phát triển sản xuất rau an toàn (RAT) là một trong những định hướng trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, bền vững.

Sau 5 năm triển khai thực hiện bước đầu nhận thấy, dự án sản xuất RAT đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giải quyết hiệu quả vấn đề lao động, việc làm ở nông thôn. Tuy nhiên, do mô hình này vẫn khá mới nên trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn về quy hoạch vùng sản xuất cũng như việc liên kết tiêu thụ…

Tiềm năng và thách thức

Sản xuất rau là nghề truyền thống và thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh như: huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Hồng Ngự... nên việc quy hoạch lại vùng sản xuất rau thường sang sản xuất theo hướng RAT là định hướng phát triển bền vững của nền nông nghiệp tỉnh nhà trong tương lai. Hiện tại, diện tích trồng RAT là 226,8ha, dự kiến đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ phấn đấu nâng diện tích sản xuất RAT lên 583,5ha.

Theo nhận xét của nhiều hộ trong nghề, trồng rau cho thu nhập khá so với một số loại cây trồng khác như: lúa, đậu nành, mè... Ông Tô Tấn Phước ngụ ấp Phú An, xã Tân Bình, huyện Châu Thành cho biết: “Trồng rau vất vả hơn nhưng do vòng đời của cây rau ngắn nên có thể trồng nhiều vụ. Vì vậy, nếu so sánh về lợi nhuận thì trồng rau hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều. Gần đây, nhờ có chính sách hỗ trợ hệ thống phun tưới tự động từ chương trình sản xuất RAT của huyện, nên việc sản xuất rau thuận lợi hơn”.

Chuyển sang trồng RAT, mặc dù cần phải đầu tư nhiều hơn, yêu cầu về kỹ thuật cũng cao hơn... nhưng đối với các khu vực có truyền thống trồng rau lâu năm trên địa bàn tỉnh thì vấn đề này được bà con chuyển giao, ứng dụng rất tốt.

Hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ở các thành phố lớn ngày càng cao; nhiều giống rau mới có giá trị kinh tế được đưa vào thâm canh. Đặc biệt, khoảng cuối năm 2014 siêu thị CoopMart ở TP.Cao Lãnh được xây dựng hoàn thành và dự kiến năm 2015 siêu thị CoopMart ở TP.Sa Đéc được khởi công thì đây sẽ là hai thị trường tiêu thụ rau sạch qui mô của tỉnh. Bên cạnh đó, nhu cầu về các sản phẩm RAT ở các bếp ăn tập thể phục vụ các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng... cũng là những thị trường tiềm năng và là đích đến cho RAT của tỉnh nhà.

Bên cạnh những thuận lợi thì phát triển RAT trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất RAT, do đặc thù canh tác từ lâu đời của bà con nông dân theo dạng nhỏ lẻ, manh mún; nhiều khu vực sản xuất RAT nằm trong khu vực dân cư, chăn nuôi gia súc, thủy sản nên dễ dẫn đến tình trạng nguồn nước tưới bị nhiễm vi sinh vật, không đảm bảo yêu cầu cho sản xuất RAT. Đây là thách thức lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp của địa phương.

Một khó khăn mà nhiều bà con sản xuất RAT đang đối mặt là vấn đề tiêu thụ. Hiện tại, ở hai chợ đầu mối nông sản lớn của tỉnh là chợ TP.Cao Lãnh và chợ TP.Sa Đéc, người tiêu dùng cũng khó tìm được một quầy hàng chuyên cung cấp rau sạch hay RAT. Vậy hàng trăm ha sản xuất RAT của tỉnh ta đang được tiêu thụ nơi đâu?

Trả lời cho chúng tôi về vấn đề này, một số nông dân sản xuất RAT cho biết: Các sản phẩm RAT của bà con cũng được thu mua với giá cả như các loại rau thông thường. Và RAT được bày bán ở các chợ cũng giống như các loại rau khác, do chưa có thương hiệu và nhãn mác bảo hộ nên các sản phẩm RAT chưa tìm được chỗ đứng trong các siêu thị lớn. Vấn đề liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết.

Hiện tại, toàn tỉnh đã thành lập được 8 tổ hợp tác (THT) và 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất rau ở các huyện: Hồng Ngự, Châu Thành, TP. Cao Lãnh, Cao Lãnh, Thanh Bình, TP.Sa Đéc. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một vài THT và một HTX hoạt động hiệu quả, số HTX và THT còn lại chỉ hoạt động cầm chừng hoặc chưa đưa vào hoạt động vì thiếu kinh phí cũng như cơ sở hạ tầng nên niềm mong mỏi của nhiều nông dân dẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Giải pháp phát triển bền vững

Thực tế, nếu được đầu tư đúng hướng cây rau của Đồng Tháp không chỉ đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn có khả năng cung cấp cho các thị trường lớn ở TP.HCM, Hà Nội... cũng như tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên để đạt được những kết quả trên, ngành nông nghiệp cần phải có những hướng đi mạnh mẽ và biện pháp cụ thể hơn về qui hoạch sản xuất và liên kết tiêu thụ cho nông dân.

Đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa phát huy được thế mạnh về sản xuất RAT, do chúng ta còn nhiều hạn chế trong quá trình tổ chức sản xuất. Theo ý kiến của ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương: Chúng ta nên làm tốt khâu liên kết tiêu thụ trước khi cho nông dân sản xuất đại trà, để tránh tình trạng hàng hóa sản xuất ra nhưng lại không có thị trường tiêu thụ.

Cần rà soát các vùng, qui hoạch vùng sản xuất RAT tập trung. Đầu tư các cơ sở hạ tầng như: đê bao, thủy lợi, trạm bơm, nhà sơ chế... đúng qui trình, phục vụ hiệu quả cho nhu cầu sản xuất của nông dân. Vấn đề cốt lõi trong chuỗi sản xuất này là phải thành lập các HTX đủ mạnh cả về nguồn vốn cũng như về nhân lực để có thể làm tốt vai trò cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp và người nông dân.

Để RAT vào được các siêu thị lớn cũng như có thể cạnh tranh với các khu vực sản xuất lân cận, RAT của Đồng Tháp cần tiến đến sản xuất theo hướng VietGap. Hiện tại, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đã có 160ha diện tích sản xuất rau đạt chuẩn RAT. Sắp tới, huyện Hồng Ngự sẽ phấn đấu từng bước tiến đến chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Nếu dự án này sớm được thực hiện thì đây sẽ là một hướng đi mới tiềm năng của sản xuất rau sạch ở huyện Hồng Ngự.

Một vấn đề vướng mắc trong sản xuất RAT của tỉnh ta là nguồn nước tưới bị nhiễm các vi sinh vật. Để khắc phục cho vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: “Thời gian tới, Sở sẽ có kế hoạch hỗ trợ các địa phương máy ozone để xử lý nguồn nước bị nhiễm vi sinh vật, cũng như xử lý các vi sinh vật còn tồn lại trên rau trước khi tiêu thu ngoài thị trường. Nếu phương pháp này được triển khai thành công, hứa hẹn đây là một giải pháp tối ưu trong việc giải quyết triệt để các vi sinh vật gây hại trong nguồn nước”.


Related news

chi-co-28-ho-tham-gia-bao-hiem-tom-nuoi Chỉ Có 28 Hộ Tham… tieu-huy-1-343-kg-dau-nanh-rau-nhiem-du-luong-thuoc-bao-ve-thuc-vat Tiêu Hủy 1.343 Kg Đậu…