Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)
Sản xuất rau là nghề truyền thống ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Những năm qua, việc canh tác rau của huyện giải quyết được phần lớn nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.
Huyện Hồng Ngự hiện có gần 1.500 ha diện tích gieo trồng rau các loại, sản lượng đạt gần 32.500 tấn/năm. Riêng xã Long Thuận có 160ha diện tích trồng rau và xã Phú Thuận A có 71ha với 415 hộ sản xuất, chiếm 15,74% diện tích trồng rau toàn huyện. Thời gian qua, địa phương từng bước mở rộng diện tích trồng rau trên địa bàn theo Đề án phát triển sản xuất rau an toàn mà huyện đã quy hoạch.
Việc thực hiện Đề án này nhằm mục tiêu từng bước xây dựng và phát triển vùng chuyên canh rau an toàn (RAT) trên địa bàn huyện đến năm 2015. Đặc biệt, chú trọng phát triển vùng rau ở 2 xã Long Thuận và Phú Thuận A làm tiền đề để mở rộng cho các xã lân cận. Theo đó, tổ chức hệ thống quản lý, giám sát chất lượng RAT ở cơ sở (từ khâu đăng ký chứng nhận vùng sản xuất RAT; khâu xuống giống đến chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ)...
Bên cạnh đó, xây dựng vùng sản xuất RAT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm rau, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Đề án cũng nhằm hỗ trợ các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ RAT trên địa bàn. Xây dựng thương hiệu RAT cho các vùng sản xuất RAT có quy mô tập trung lớn của huyện. Theo Đề án, huyện từng bước phát triển vùng RAT tăng dần diện tích hàng năm để phát triển diện tích RAT giai đoạn 2010 - 2015. Cụ thể, tổng diện tích năm 2011 là 80ha, năm 2013 là 170ha và đến năm 2015 là 213ha. Triển khai thực hiện trên địa bàn xã Long Thuận và Phú Thuận A.
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí khuyến nông của tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho vùng sản xuất rau Long Thuận để xây dựng cơ sở hạ tầng, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng, trong đó gồm xây dựng nhà sơ chế rau; hệ thống dẫn nước bêtông tưới tiêu; hệ thống tưới phun... Thời gian qua, huyện thực hiện trình diễn 17 mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn về mô hình nuôi chế phẩm phân bón vi sinh đạm và lân cho 30 hộ tham gia, góp phần đem lại hiệu quả cho nông dân trong việc giảm giá thành sản xuất. Thực hiện đăng ký sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
Kết quả cho thấy, trồng rau trong các mô hình trình diễn sản xuất RAT, hiệu quả cao hơn so với ngoài mô hình. Mô hình sản xuất RAT ứng dụng chế phẩm phân bón vi sinh làm giảm trung bình 30% lượng phân lân và 50-70% lượng phân đạm nguyên chất, so với nông dân ngoài mô hình chỉ bón phân hóa học. So sánh lợi nhuận một số loại rau, sản phẩm cải bẹ dún sản xuất theo quy trình trong mô hình lợi nhuận chênh lệch hơn 2,5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, hành lá 18 triệu đồng/ha, khổ qua 3 triệu đồng/ha.
Đến nay, vùng sản xuất rau của xã Long Thuận đã được chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất RAT với diện tích 160ha, từng bước tiến đến chứng nhận VietGAP. Xã Long Thuận hiện cũng thành lập được 4 tổ hợp tác sản xuất rau, 1 tổ vận chuyển, thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Long Thuận. Lượng rau tiêu thụ trung bình khoảng 15 tấn/ngày, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Campuchia, TP.HCM, An Giang, Kiên Giang...Thông qua việc thực hiện mô hình, tạo được mối liên hệ giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với cán bộ kỹ thuật, tạo được sự chuyển biến tốt nhằm trao đổi kinh nghiệm học tập lẫn nhau. Từ đó, áp dụng đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thời gian tới, huyện Hồng Ngự tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động nông dân trong vùng quy hoạch thực hiện sản xuất rau tập trung theo hướng an toàn, từng giai đoạn, hướng dẫn tổ hợp tác, HTX sản xuất và tiêu thụ để ký hợp đồng mua bán với công ty, doanh nghiệp và thương lái. Định hướng cho bà con nông dân sản xuất RAT đa dạng các chủng loại để dễ tiêu thụ, đảm bảo phát triển diện tích hàng năm theo đề án. Luân canh với các cây rau khác họ nhằm giảm áp lực sâu bệnh. Vận động nông dân sử dụng mô hình chế phẩm phân hữu cơ, thuốc sinh học trong quá trình sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, địa phương sẽ củng cố tổ hợp tác, HTX sản xuất rau an toàn nhằm tạo điều kiện liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho HTX huy động vốn mở rộng xã viên, tiếp cận được các nguồn vốn để HTX mở rộng ngành nghề trong sản xuất kinh doanh...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao