Phí vận chuyển 'đè' trái cây Việt
Trái cây VN đã được xuất sang các thị trường khó tính. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Được bán tại siêu thị nước ngoài với giá cao ngất ngưởng, nhưng thực tế giá bán tại vườn của hầu hết trái cây Việt lại rất rẻ.
Giá bán cao gấp 10 lần giá gốc
Quả vải VN xuất trái mùa quả vải Úc có thể thắng, song giá đội lên gấp 3 lần nên người Úc cũng không mặn mà cho lắm. GS Nguyễn Quốc Vọng (Việt kiều Úc)
Cuối tuần qua, lô hàng 1 tấn vải thiều đạt chuẩn VietGAP từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đã “đáp” an toàn xuống sân bay Bangkok (Thái Lan), được bày bán trên kệ hai chuỗi siêu thị bán lẻ thực phẩm lớn của Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái) với giá ban đầu 299 baht (khoảng 200.000 đồng/kg), cao gấp 7 lần so với giá mua tại vườn ở VN. Trước đó, quả vải thiều của VN cũng đã được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Số liệu từ Sở Công thương và Sở NN-PTNT hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cho thấy, tính từ đầu vụ đến nay, đã có hơn 36.000 tấn vải thiều từ 2 tỉnh này được xuất sang các thị trường Úc, Thái Lan, Trung Quốc và Hà Lan.
Thông tin từ các công ty xuất khẩu trái cây cho thấy, vải thiều bán tại Mỹ cũng có giá 200.000 đồng/kg. Mới đây, một bức ảnh của một du học sinh Việt chụp tại siêu thị Nhật được đưa lên mạng cũng cho thấy, vải thiều xuất xứ VN bán tại Nhật với giá 1.980 yen (tương đương 400.000 đồng) cho gói 12 quả. Nếu tính thêm thuế, 12 quả vải này có giá lên đến 430.000 đồng. Trong khi giá vải thiều chuẩn VietGAP mua tại vườn cao nhất là 30.000 đồng/kg. Cách đây 2 năm, giá vải thiều mua tại vườn nhà nông 20.000 đồng/kg (tương đương 1 USD/kg), bán lẻ tại chợ người Việt ở Úc 18 đô la Úc/kg (khoảng 16 USD/kg), cao gấp 16 lần so với giá trong nước.
Tương tự, thanh long ruột trắng mua tại VN giá 15.000 đồng/kg, sau khi chiếu xạ, vận chuyển qua nhiều công đoạn, đóng gói, bán tại Mỹ giá từ 130.000 - 180.000 đồng/kg, cao gấp 9 - 12 lần so với giá mua trong nước.
Cước phí chiếm hơn 50% giá thành
Số tiền chênh lệch này thực tế đi vào túi nhà xuất khẩu và bán lẻ nước ngoài hay vào đâu? Đại diện một công ty xuất khẩu thanh long sang Mỹ nói ngay: “Giá đội cao chủ yếu từ phí vận chuyển bằng đường máy bay và tiền chiếu xạ, đóng gói”. Vị này phân tích: “Một thùng thanh long nặng 4,5 kg, công ty phải trả cho hãng máy bay 30 USD, vú sữa loại 1 mua tại vườn chỉ 2 USD/kg, nhưng chở qua Mỹ cước vận chuyển thêm 3,5 USD/kg nữa, giá đã lên 5,5 USD/kg chưa tính phí chiếu xạ, thuế... Tương tự, giá vận chuyển xoài sang Nhật hiện tại khoảng 1,8 USD/kg, cao gần gấp đôi so với giá vận chuyển đường ngược lại”. Ông Vương Đình Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Hugo chuyên xuất khẩu trái cây, cho biết chỉ riêng cước máy bay hiện chiếm hơn 50% giá thành trái cây Việt bán tại thị trường nước ngoài.
GS Nguyễn Quốc Vọng (Việt kiều Úc) kể năm 2015, ông từng kết nối để một doanh nghiệp ở Úc nhập khẩu thử nghiệm 500 kg vải thiều Lục Ngạn. Giá vải tại vườn là 1 USD/kg, bán tại Úc đến 16 USD/kg vào ngày đầu tiên. GS Vọng nói: “Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà bán lẻ tại Úc lãi lớn quá. Tuy nhiên, là người trong cuộc, tôi hiểu rất rõ giá vốn 1 kg vải từ 1 USD đưa đến sân bay của Úc đã tăng lên 11 USD. 10 USD chênh lệch đó bao gồm tiền vận chuyển bằng xe lạnh từ Bắc Giang về Hà Nội, từ Hà Nội đi bằng đường hàng không vào TP.HCM. Thời điểm đó, Hà Nội không có máy chiếu xạ, trái cây muốn xuất ngoại phải chở bằng máy bay vào TP.HCM để chiếu xạ, đóng gói rồi đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất vận chuyển sang sân bay Sydney (Úc). Chỉ riêng phí vận chuyển chiếm 52% trên tổng 11 USD giá vốn. 42% còn lại bao gồm phí chiếu xạ, đóng gói, thuế, phí xuất khẩu...”. Cước vận chuyển bằng đường hàng không tại thời điểm đó cho 1 kg vải sang Úc, theo GS Vọng là 2,95 USD. “Thực tế Úc cũng có mùa quả vải ra trái vào mùa thu, tức khoảng tháng 12, giá bán tầm 5 - 7 USD/kg. Nên quả vải VN xuất trái mùa quả vải Úc có thể thắng, song giá đội lên gấp 3 lần nên người Úc cũng không mặn mà cho lắm. Lô hàng thử nghiệm đầu tiên đó thất bại và họ cũng cho biết không dám bán nữa do phí vận chuyển quá cao”, GS Vọng kết luận.
Một nhà xuất khẩu xoài sang Nhật cũng từng cho biết, họ tạm ngưng xuất khẩu xoài do giá phía đơn vị vận chuyển báo đến nay vẫn chưa giảm như đã cam kết.
Cần chính sách giá cước đặc biệt
Theo GS Vọng, chính phủ Úc coi trọng vấn đề xuất khẩu nông sản nên luôn có chính sách tài trợ cho vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu. Các hãng máy bay Úc chở trái cây sang Nhật, đoạn đường dài gấp đôi từ VN đi Nhật, song có giá chỉ bằng một nửa. Chẳng hạn, 1 kg trái cây chở từ Úc sang Nhật tầm 1,5 USD/kg, trong khi chở từ VN sang Nhật là 3 USD/kg, bởi Úc luôn ưu tiên chở hàng nông sản giá thấp nhất, miễn thuế xuất khẩu. Đổi lại, nhà xuất khẩu chỉ bỏ ra 0,5% tiền lãi đưa vào quỹ của viện nghiên cứu mặt hàng đó. "Nhà nước phải có chính sách giá cước vận chuyển đặc biệt cho hàng trái cây với hãng máy bay của nhà nước. Có những vấn đề mà nhà nước hoàn toàn can thiệp được, không bị vi phạm những cam kết hội nhập. Vấn đề giao thông không nằm trong cạnh tranh, song mỗi nước đều có cách hỗ trợ khác nhau. Cả hai thứ đó VN đều thiếu và dường như không mấy quan tâm. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản đa số tự bươn chải là chính”, ông Vọng nhận xét.
Ông Khoát cũng cho biết chính phủ Thái có chính sách ưu tiên xuất khẩu trái cây tương tự Úc. Hiện phí vận chuyển quá cao đang làm giảm khả năng cạnh tranh của trái cây Việt ở thị trường nước ngoài. Nhà nước cần sớm can thiệp giá cước vận chuyển qua tham khảo giá cước vận chuyển của các quốc gia xuất khẩu trái cây. Phải có khung giá chở mặt hàng trái cây riêng, không có kiểu “giá chung một rổ” cho mọi mặt hàng xuất khẩu. Ngoài ra, nhà nước cần đầu tư máy chiếu xạ để các doanh nghiệp có thể thuê với mức giá tốt nhất có thể, theo ông Khoát.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao