Phơi khô đáy ao, rải vôi trong các ao nuôi tôm bán thâm canh
Tình trạng đáy ao xấu được cho là hạn chế nghiêm trọng đến năng suất nuôi của ao nuôi bán thâm canh và thâm canh.
PHẦN I. QUÁ TRÌNH KHỬ TRÙNG TRONG CÁC AO NUÔI TÔM BÁN THÂM CANH
Các bước thực hành chính trong quản lý nền đáy ao nuôi tôm bán thâm canh là phơi khô đáy ao và rải vôi giữa các vụ.
Các bước thực hành này thúc đẩy phân hủy chất hữu cơ, trung hòa độ chua của đất và tiêu diệt các sinh vật không mong muốn.
Vì hầu hết đất trở nên quá khô cho quá trình vi khuẩn phân hủy các chất hữu cơ trong vòng ba tuần, nên ít cần nhiều thời gian như thế để làm khô đáy ao. Đáy ao có cặn lắng sâu nên hút bỏ để tạo điều kiện phơi khô ao.
Ao có pH đất dưới 7,5 nên được rải vôi để tăng cường sự phân hủy.
Ở châu Mỹ, nhiều nhà sản xuất tôm sử dụng các ao lớn và quản lý theo cách nuôi bán thâm canh. Các nhà sản xuất đã áp dụng các bước thực hành chính trong quản lý đáy ao nuôi là phơi khô ao và bón vôi giữa các vụ.
Có ba lý do cơ bản thực hiện các bước thực hành này: thúc đẩy phân hủy chất hữu cơ, trung hòa độ chua của đất và tiêu diệt các sinh vật không mong muốn kể cả tác nhân gây bệnh.
Độ ẩm đất ao, quá trình hô hấp
Ngay sau khi tháo nước ao, các lỗ rỗng ở đất đáy có đầy nước thường cạn kiệt oxy hòa tan, nhưng ở đáy ao khô, các lỗ rỗng và các vết nứt rạn trong đất có không khí chứa oxy khoảng 250 ppm.
Thông khí ở đất là kết quả của quá trình phơi khô làm tăng oxy sẵn có cho quá trình oxy hóa các chất hữu cơ bởi vi khuẩn hiếu khí và quá trình oxy hóa hóa học của các chất khử như sắt (II), mangan (II), nitrit và sulfide có trong đất vào cuối giai đoạn nuôi tăng trưởng.
Hình 1.Độ ẩm đất tác động đến quá trình hô hấp đất ở ba loại đất có hàm lượng cacbon hữu cơ khác nhau.
Mối quan hệ giữa độ ẩm của đất và tốc độ hô hấp (phân hủy chất hữu cơ) ở 3 loại đất đáy được minh họa trong Hình 1.
Quá trình hô hấp thấp cho đến khi độ ẩm của đất xuống dưới 30% và tốc độ hô hấp cao nhất ở trong khoảng độ ẩm từ 10 đến 20%. Tốc độ hô hấp giảm nhanh khi độ ẩm của đất xuống dưới 10%, bởi vì không có đủ độ ẩm cho hoạt động tối ưu của vi sinh vật.
Động vật thủy sinh lớn hơn có thể tồn tại ở các vũng nước nhỏ và chết khi các vũng nước trong đáy ao khô đi. Sinh vật phù du và vi sinh vật đất cũng chết vì khô hạn khi đất trở nên quá khô nên không có nước sẵn có cho quá trình sinh học. Tất nhiên, một số loài vi sinh vật hình thành bào tử hoặc bào xác tồn tại khi khô hạn trong thời gian kéo dài, ngoài ra việc phơi khô ao chắc chắn làm giảm sự phong phú của vi sinh vật trong đất.
Hình 2. Sự hô hấp ở một mẫu đất lấy từ ao vừa mới tháo nước được duy trì ở độ ẩm đất tối ưu cho quá trình hô hấp.
Trong một nghiên cứu thí nghiệm, cặn bùn lắng từ một ao mới tháo nước gần đây (đất A Hình 1) được duy trì ở độ ẩm tối ưu là 18% bằng cách thêm nước định kỳ. Tốc độ hô hấp giảm đều đều khi sử dụng hết các chất hữu cơ dễ phân hủy (Hình 2).
Tốc độ hô hấp sau 30 ngày chỉ bằng khoảng 20% so với mức ban đầu, và gần 80% tổng lượng khí carbon dioxide giải phóng nhờ quá trình hô hấp xảy ra trong vòng 20 ngày.
Điều này cho thấy chất hữu cơ có thể oxy hóa được dễ dàng thì một phần của chất hữu cơ đó có thể là vấn đề trong vụ tới – bị phân hủy rất nhanh. Hơn nữa, hầu hết đất trở nên quá khô cho vi khuẩn phân hủy đáng kể các chất hữu cơ trong vòng hai đến ba tuần trong thời tiết khô.
Cho nên không cần hơn 3 tuần để phơi khô đáy ao.
Hình 3. Các tác động của pH lên quá trình hô hấp đất.
Đất ao phơi khô, cày xới
Đất đầu tiên khô trên bề mặt làm cản trở quá trình bốc hơi thêm và quá trình oxy hóa. Đất nứt vỡ thành các tảng hình trụ, tạo điều kiện phơi khô và thông khí, nhưng bề mặt tảng khô làm cản trở quá trình bốc hơi và quá trình oxy hóa. Đất khử hóa học sẫm màu – thường màu đen vì có sắt (II). Bằng cách xới bề mặt đất hoặc phá vỡ đất cục, người ta có thể quan sát màu của đất và xác định đất đã được oxy hóa hay chưa.
Có thể xới đất để phá vỡ bề mặt và đập vụn đất cục sẽ giúp nhanh khô và thoáng khí. Có lẽ tốt nhất là dùng bừa đĩa để cày xới đáy ao. Thông thường đủ để cày tới độ sâu từ 10 đến 15 cm, cách hiệu quả nhất cày đáy ao 2 lần theo hướng ngược nhau. Tất nhiên, việc cày xới tốt cho đất sét nặng hơn là bùn hoặc đất cát.
Bảng 1. Tỉ lệ bón vôi cho đáy ao nuôi điển hình có khoảng 30% đất sét.
Nếu bùn cặn lắng tích tụ quá mức ở đáy ao, đất sẽ không khô hoàn toàn và không thể cày xới vì bùn đáy ướt sẽ không chịu được sức nặng của máy cày.
Ngoài ra, đất có thể quá ẩm và không thể tán vụn được. Ao có cặn lắng bùn sâu hơn từ 10 đến 15 cm thường được khuyến khích để loại bỏ bùn khỏi đáy ao nhằm tạo điều kiện phơi ao.
pH đất, rải vôi
pH của đất ao có tác động rõ rệt đến quá trình vi khuẩn phân hủy các chất hữu cơ như minh họa trong Hình 3. Ao có pH đất dưới 7,5 nên được rải vôi để tăng cường tốc độ phân hủy. Có thể bón vôi bằng cách rải hoặc vôi nông nghiệp (đá vôi nghiền thành bột mịn) hoặc vôi (đá vôi được nung trong lò để lấy đi carbon dioxide CO2).
Có loại là vôi sống / nung bao gồm các oxit canxi và magiê hoặc như vôi tôi được làm ra bằng cách xử lý vôi sống với nước để chuyển đổi oxit để hydroxit. Về tính năng trung hòa axit, vôi sống và vôi tôi mạnh hơn khoảng 1,8 và 1,4 lần so với vôi nông nghiệp.
Mức bón vôi điển hình tùy vào việc sử dụng các loại vôi chất lượng cao ở loại đất có khoảng 30% đất sét như trong Bảng 1. Giảm bón vôi đối với đất có kết cấu thô hoặc tăng lên đối với đất mịn hơn ở mức khoảng 200 kg / ha / tỷ lệ phần trăm đất sét. Tuy nhiên, các nhà quản lý ao hiếm khi biết được hàm lượng đất sét của đất đáy và cách làm tốt nhất có lẽ là sử dụng các số liệu thể hiện trong Bảng 1 bất kể kết cấu đất.
PHẦN II. HẠN CHẾ RẢI VÔI SAU KHI XÉT NGHIỆM MẪU ĐẤT
Các tác giả tin rằng các giai đoạn phơi ao có khả năng tiêu diệt hầu hết sinh vật ở đáy ao, nên bón vôi toàn bộ đáy ao chỉ có tác dụng để trung hòa độ chua của đất và tăng pH để cho vi sinh vật đất phân hủy chất hữu cơ. Sử dụng vôi tôi để khử trùng ở các chỗ đặc biệt ẩm ướt của đáy ao. Khi bón vôi, quan trọng là rải đều khắp trên đất ẩm – thường trong vòng hai ngày sau khi tháo nước ao để đảm bảo hòa tan.
Vôi nông nghiệp được nghiền từ đá vôi thành các hạt mà kích cỡ hạt vôi từ các nhà cung cấp khác nhau có thể khác nhau đáng kể. Một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ khi bón vào đất chua các lượng vôi bằng nhau thì kích cỡ hạt có tác động đáng kể dẫn đến thay đổi pH đất (Bảng 1).
Bảng 2. Ảnh hưởng kích cỡ hạt của vôi nông nghiệp đến hiệu quả trong việc giảm pH đất.
Các cỡ hạt đủ lớn được sử dụng theo tiêu chuẩn sàng số 40 với lỗ sàng 0,85 mm của Mỹ không làm tăng pH đất đáng kể so với đất không có bón vôi. Hạt đủ nhỏ lọt qua cỡ sàng số 60 với lỗ sàng 0,25 mm có hiệu quả nhất trong việc tăng pH đất. Cỡ hạt dưới 0,25 mm không làm tăng pH đáng kể.
Vì vậy, các nhà quản lý ao nên cố gắng mua vôi nông nghiệp có kích cỡ tất cả các hạt gần như lọt qua sàng 0,25 mm. Vôi sống và vôi tôi thường là bột mịn và độ mịn của hạt thường không là vấn đề.
Vôi sống, vôi tôi
Vôi sống và vôi tôi ban đầu gây tăng pH đất như thể hiện trong Hình 1. Tuy nhiên, pH giảm nhanh chóng khi thành phần hydroxide trong vôi tôi phản ứng với carbon dioxide để tạo thành cacbonat – loại bazơ tương tự được tìm thấy trong vôi nông nghiệp. Chú ý rằng pH của đất ao được xử lý bằng vôi tôi tương tự như pH đất được xử lý bằng vôi nông nghiệp sau khoảng một tuần.
Hình 1. Thay đổi pH đất theo thời gian (theo ngày) do sử dụng các loại vôi.
Bởi vì vôi sống và vôi tôi làm tăng pH lên nhiều, nên chúng thường được sử dụng làm chất khử trùng đất. Người ta cho rằng bằng cách nâng pH, sinh vật không mong muốn trong đất – bao gồm cả các tác nhân gây bệnh – có thể bị tiêu diệt. Quan điểm này được củng cố nhờ số liệu thể hiện trong Hình 2.
Tốc độ hô hấp ở đất được xử lý bằng vôi tôi giảm xuống gần như bằng không. Nhưng trong vòng hai ngày sau khi xử lý, hô hấp đất đã cao gần như ao đối chứng. Sau bốn ngày, hô hấp ở đất được xử lý bằng vôi tôi tương tự như ở đất được xử lý bằng vôi nông nghiệp.
Điều này cho thấy cộng đồng vi khuẩn ở đất đáy ao có thể nhanh chóng phục hồi sau khi pH cao.
Tuy nhiên, hầu hết các sinh vật gây bệnh có thể bị tiêu diệt do pH cao và không chắc tái hình thành lại giống như sinh vật hoại sinh.
Hình 2. Thay đổi trong hô hấp đất theo thời gian (theo ngày) do sử dụng các loại vôi.
Một nghiên cứu khác cho thấy cần 1 lượng vôi tôi là 3.000 kg/ha và 4.500 kg/ha để tăng pH lên 10 và duy trì mức này trong một giờ tương ứng ở đất chua với pH 5,3 và đất phèn với pH 7,6. Để duy trì pH trên 10 ở các loại đất này trong một ngày cần 7.500 kg vôi/ha đối với đất axit và 4.500 kg vôi/ha đối với đất phèn.
Quản lý pH trên 10
Mức sử dụng cần thiết để tăng pH đất trên 10 cao hơn nhiều so với mức nông dân có khuynh hướng sử dụng. Hơn nữa, bằng chứng cho rằng bón vôi có hiệu quả cao như một chất khử trùng đất ao là không rõ ràng.
Các tác giả tin rằng phơi khô ao có khả năng tiêu diệt hầu hết các sinh vật ở đáy ao, nên bón vôi toàn bộ đáy ao chỉ để trung hòa độ chua của đất và nâng pH lên phạm vi tối ưu cho quá trình phân hủy chất hữu cơ bởi vi sinh vật đất. Sử dụng vôi tôi để khử trùng có lẽ nên chỉ rải ở các chỗ đáy ao không thể phơi khô.
Về mặt kinh tế, có thể dùng lượng vôi 500-750g/m2 hoặc nhiều hơn ở các chỗ ẩm ướt để nâng pH lên rất cao và nhằm khử trùng đảm bảo hơn.
Rải đều
Khi sử dụng các loại vôi cho ao, điều quan trọng là rải đều khắp toàn bộ đáy hoặc các chỗ ẩm ướt chọn để xử lý. Nếu đất đã khô hoàn toàn khi bón vôi thì vôi sẽ không phản ứng với đất chua hoặc hòa tan để tăng pH đất. Nên sử dụng vôi trong vòng hai ngày sau khi ao được tháo cạn nước để đảm bảo hòa tan. Khi đất được cày xới, vôi sẽ kết hợp vào chất đất.
Các khuyến nghị
Các cách thực hành sau đây được khuyến nghị để cho việc phơi đáy ao và bón vôi đạt hiệu quả:
– Càng sớm càng tốt sau khi tháo cạn ao, lấy một mẫu đất hỗn hợp bằng cách trộn các mẫu đất lấy từ lớp đất phía trên dày 5 cm từ 8 đến 12 chỗ. Phơi khô và tán nghiền mẫu đất hỗn hợp này để đo pH.
– Loại bỏ trầm tích đáy từ các chỗ quá sâu để phơi khô đúng cách.
– Nếu đất có tính axit, rải đều vôi trên toàn bộ đáy khi đất vẫn còn ẩm.
– Cày xới đất, đặc biệt là đất không dễ khô.
– Nếu có những chỗ ẩm ướt không khô được nên sử dụng lượng lớn vôi sống hoặc vôi tôi.
– Phơi khô đáy ao trong 2-3 tuần.
Tags: nuoi tom, tom, thuy san, nuoi trong thuy san, ky thuat nuoi tom, ao nuoi tom, nuoi tom ban tham canh
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao