Nuôi lợn (Heo) Phòng bệnh trên heo đực mùa hè

Phòng bệnh trên heo đực mùa hè

Author Nguyễn Liên Hương, publish date Wednesday. April 17th, 2019

Cung cấp một số biện pháp phòng bệnh trên heo đực mùa hè

Chuồng nuôi đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ tiện nghi

I. Một số chú ý

Nhiệt độ phù hợp cho heo đực giống là khoảng 25 độ C, trong mùa hè, đặc biệt những ngày nắng, nóng, rất ảnh hưởng đến heo đực giống nuôi ở chuồng thông thoáng tự nhiên. Để heo đực giống khỏe mạnh, chất lượng tinh tốt, cần chú ý một số vấn đề sau:

1. Chuồng trại

Chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, diện tích chuồng nuôi tối thiểu 5 m2/con đối với heo nội và 6 m2/con đối với heo ngoại.

Chuồng nuôi đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ diện tích

2. Chăm sóc nuôi dưỡng

- Kiểm tra lượng thức ăn thu nhận, máng ăn, vòi uống, trạng thái, tình trạng sức khoẻ của heo.

Không vận chuyển, khai thác heo đực khi trời nắng, nóng

- Thường xuyên tắm chải cho heo; không tắm hoặc cho ăn sau khi đi phối giống hoặc khai thác tinh, ít nhất 30 phút.

- Cho heo ăn vào sáng sớm, không cho ăn no trước khi khai thác.

- Chỉ cho heo đực nhảy trực tiếp hoặc khai thác tinh vào những lúc thời tiết mát trong ngày.

 - Định kỳ tiêm ADE hoặc bổ sung giá đỗ, ngô, thóc mầm cho heo

- Cho ăn:

+ Cho ăn thức ăn heo đực giống hoặc 50% thức ăn heo nái đẻ (có thành phần dinh dưỡng: Protein: 17%; xơ thô: 7%; Ca: 0,6 - 1,2%; năng lượng trao đổi: 3.100 Kcal/kg; P: 0,5 - 1%; Lysine: 0,9%; Methionine + Cystine: 0,5%) + 50% thức ăn heo thương phẩm giai đoạn 2 (có thành phần dinh dưỡng: Protein: 18%; Xơ thô: 6%; Ca: 0,5 - 1,2%; Năng lượng trao đổi: 3.150 Kcal/kg; P: 0,5 - 1%; Lysine: 1%; Methionine + Cystine: 0,6%).

+ Heo dưới 1 năm: Cho ăn 2 - 2,2 kg/ngày.

+ Heo trên 1 năm: Cho ăn 2,2 - 2,5 kg/ngày.

+ Mùa hè cần cung cấp 4 g Vitamin C/ngày để có thể duy trì chất lượng tinh.

+ Sau mỗi lần khai thác: Cho ăn thêm 2 quả trứng gà.

3. Chế độ khai thác, sử dụng

Kiểm tra chất lượng tinh dịch heo

- Chỉ sử dụng heo đực đã qua kiểm tra năng suất (KTNS) đạt yêu cầu.

- Số lần khai thác tinh không quá 2 lần/tuần đối với heo đực giống dưới 2 năm và không quá 3 lần/tuần đối với heo đực giống trên 2 năm. Tuổi bắt đầu khai thác tinh của heo đực giống không ít hơn 8 tháng đối với heo nội, 10 tháng đối với heo ngoại và tuổi sử dụng không quá 3 năm rưỡi.

- Heo đực sau khi hồi phục điều trị bệnh phải lấy tinh kiểm tra trước khi cho phối giống.

- Hàng ngày ghi chép sổ sách theo dõi theo mẫu hiện hành.

4. Nước uống

Nước uống vệ sinh, cung cấp đầy đủ.

5. Thú y

Tiêm vaccine phòng bệnh và vệ sinh phòng bệnh cho heo đực làm việc theo quy trình thú y.

II. Một số bệnh lý sinh sản thường gặp

1. Vô tinh

Là hiện tượng không có tinh trùng ở trong tinh dịch. Tinh trùng không được hình thành và vô tinh xảy ra trong bệnh ẩn tinh hoàn (cả 2 tinh hoàn), tinh hoàn kém phát triển, các quá trình thoái hoá trong tinh hoàn do thiếu dinh dưỡng, do bệnh, do sử dụng đực quá mức hoặc do viêm ống dẫn tinh.

Cần loại thải những con đực giống này.

2. Ít tinh

Là giai đoạn trung gian chuyển tiếp đến hiện tượng vô tinh hoặc quá trình tạo tinh đang hồi phục. Trong bệnh này ở tinh dịch số lượng tinh trùng ít, đôi khi hoạt dục của con đực rất tốt nhưng sức sống của tinh trùng lại rất yếu.

Nguyên nhân gây nên hiện tượng này cũng giống như nguyên nhân gây nên vô tinh, để khắc phục, cần loại bỏ các yếu tố bất lợi: nếu tinh hoàn kém phát triển cần cải thiện thức ăn và chăm sóc đực giống tốt, có thể dùng huyết thanh ngựa chửa hoặc mát xa tinh hoàn; phương pháp hiệu quả là cho đực tiếp xúc với nái chịu đực.

Nếu quá trình tạo tinh rối loạn do thức ăn, cần cải thiện thức ăn (bổ sung giá đỗ, ngô mầm, thóc mầm, trứng gà...).

3. Lãnh tinh

Là trường hợp tinh trùng không chuyển động ở trong tinh dịch tươi, nguyên nhân gây chứng bệnh này rất nhiều nhưng phổ biến hơn cả là do rối loạn chức năng của phó tinh hoàn. Các quá trình viêm cấp tính và mãn tính tinh hoàn, phó tinh hoàn và các màng của chúng xảy ra do nhiễm trùng, chấn thương và băng giá gây nên rối loạn chế độ điều tiết nhiệt trong qua trình tạo tinh trùng ở trong tinh hoàn và giữ chúng ở trong ống dẫn của phó tinh hoàn. Các nguyên nhân đó dẫn đến tinh trùng bị chết, bất động và thay đổi thành phần cấu tạo.

Lãnh tinh tạm thời có thể xảy ra khi nhiệt độ tinh hoàn và tinh hoàn tăng cao do nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc do chuồng bẩn phân rác bám chặt lên bìu tinh hoàn làm tăng nhiệt.

Chứng lãnh tinh xảy ra khi các tuyến sinh dục phụ và túi đựng tinh của ống dẫn tinh bị bệnh, khi xuất tinh các chất tiết bệnh lý trộn lẫn vào tinh làm tinh trùng yếu đi hoặc bị chết.

Lãnh tinh còn gặp khi nghỉ lâu giữa 2 lần giao phối hoặc chế độ sử dụng bất hợp lí, chế độ ăn uống không bảo đảm, thức ăn thiếu vitamin và khoáng, thiếu vận động. Trong trường hợp này cần loại bỏ các yếu tố bất lợi. Hàng ngày cần vệ sinh bao tinh hoàn heo đực bằng nước sạch. Trong mùa hè cần tắm mát hàng ngày.

4. Tinh trùng kỳ hình

Kiểu kỳ hình của tinh trùng có các dạng sau: Đầu biến dị, có hai đầu, gẫy cổ, đầu cách ly, đuôi cong hoặc bẻ gập, hai đuôi, đuôi to... tinh trùng có đầu to quá hoặc bé quá nói lên sự rối loạn chức năng của tinh hoàn (viêm mãn tính, bị nóng quá). Nếu tinh trùng bị dị dạng đuôi và dập thì liên quan tới trạng thái bệnh lý ở ống dẫn tinh, các tuyến sinh dục phụ, rối loạn chức năng điều nhiệt của bao tinh hoàn hoặc do tinh hoàn quá nóng. Trường hợp đuôi tinh trùng bị vặn có thể là do nước lạnh lẫn vào tinh.

Yêu cầu tối thiểu cho hoạt lực tinh trùng là 0,8; nếu quá 20% kỳ hình sẽ phải loại thải.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng tinh dịch để có biện pháp khắc phục kịp thời.


Related news

meo-nho-trong-nuoi-heo Mẹo nhỏ trong nuôi heo benh-dich-ta-o-heo Bệnh dịch tả ở heo