Tôm thẻ chân trắng Phòng bệnh vi bào tử trùng trên tôm

Phòng bệnh vi bào tử trùng trên tôm

Author TS Trần Hữu Lộc (ĐH Nông Lâm TP. HCM), publish date Tuesday. January 8th, 2019

Từ giữa năm 2014, tình trạng tôm nuôi bị chậm lớn diễn ra tại nhiều vùng nuôi tôm Việt Nam, gây thiệt hại đáng kể. Tôm chậm lớn do nhiều nguyên nhân, trong đó cần kể nhiễm vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

Tôm chậm lớn do bị bệnh EHP 

Đặc điểm bệnh EHP

Triệu chứng của bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng không rõ ràng. Khi tôm giống bị nhiễm EHP, thả nuôi trong tháng đầu tiên thường vẫn phát triển bình thường; nhưng sau khi tôm đạt trọng lượng 3 - 4 gram/con, lượng sinh khối tôm trong ao tăng dần thì tôm cũng chậm lớn dần rồi có thể dừng lớn hẳn. Tôm nuôi 90 - 100 ngày tuổi vẫn có thể chỉ đạt cỡ 4 - 5 gram/con.

Tôm chậm lớn ở đây do vi khuẩn EHP ký sinh trong tế bào gan tuỵ tôm. Vi bào tử trùng này ký sinh nội bào và sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan tụy, khiến tôm nuôi không đủ dinh dưỡng cho tăng trưởng và lột xác. Tôm càng ăn nhiều thức ăn thì phân thải ra càng nhiều, trong khi bệnh EHP lây qua đường phân - miệng, không cần ký chủ trung gian.

Có nhiều loại vi bào tử trùng gây bệnh cho tôm, đòi hỏi phải có ký chủ trung gian, như Agmasoma đòi hỏi có ký chủ trung gian trong vòng đời. Tuy nhiên, EHP có thể lây trực tiếp từ con này sang con khác. Do đó, có quan ngại rằng cá rô phi trong hệ thống nuôi kết hợp là nguồn gây bệnh EHP theo tôi là chưa đủ cơ sở vững chắc. Chúng tôi có làm nghiên cứu kiểm tra mẫu cá rô phi của nhiều ao nuôi trong hệ thống kết hợp cũng như cá rô phi giống nhưng vẫn chưa thấy trường hợp nào cá rô phi có nhiễm EHP. Ngoài ra, nếu ta đưa cá giống rô phi từ các trại giống từ vùng nước ngọt về nuôi trong hệ thống nước lợ thì nguy cơ gây bệnh cho tôm từ mầm bệnh có trên cá rô phi là rất thấp.

Chẩn đoán

Phương pháp mô học

Đối với bệnh EHP thì việc chẩn đoán bệnh sử dụng phương pháp mô học rất khó khăn, do biến đổi mô học trên gan tụy không rõ ràng.

Phương pháp sinh học phân tử

Đây là phương pháp có thể phát hiện ra mầm bệnh vi bào tử trùng. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi cùng Gs. Lightner đã có phương pháp phát hiện mầm bệnh EHP với kỹ thuật PCR và real-time PCR. Nhóm nghiên cứu của Gs. Flegel cũng phát triển được kỹ thuật PCR, LAMP, và nested PCR. Bằng  kỹ thuật PCR, có thể phát hiện ra mầm bệnh EHP trên ao nuôi thương phẩm. Đối với trại giống, mầm bệnh có thể được phát hiện từ phân tôm bố mẹ,  thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ (hàu, mực), từ ấu trùng tôm và tôm post. Một tỷ lệ cao các thức ăn tươi (hàu, dời, mực…) được khai thác ở khu vực Ninh Thuận, Khánh Hòa dương tính với vi bào tử trùng EHP. Việc sử dụng thức ăn tươi sống đánh bắt tại khu vực lân cận trại giống hay vùng nuôi tôm là nguy cơ rất lớn về an toàn sinh học và dịch bệnh.

Khống chế bệnh

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát mầm bệnh từ tôm giống hết sức quan trọng. Tôm giống có thể được kiểm soát xem có nhiễm EHP bằng phương pháp PCR.

Ở trại nuôi, công tác chuẩn bị ao có vai trò rất quan trọng. Do EHP có sức chống chịu tốt đối với các phương pháp khử trùng thông thường nên khó loại mầm bệnh ra khỏi hệ thống. Có nghiên cứu cho rằng EHP có thể tồn tại sau khi đã xử lý Chlorine ở 100 ppm. Có khuyến cáo nên sử dụng vôi nóng (CaO) để xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 - 12 để làm chết mầm bệnh EHP.

Thay đổi thực hành sản xuất giống

Việc chúng ta hiện tại chỉ kiểm soát các mầm bệnh đã được OIE đề nghị đối với tôm biển đã tạo kẽ hở lớn cho việc kiểm soát mầm bệnh mới xuất hiện, trên cả thế giới.

Ở góc độ trại tôm giống, sự kiểm soát thông thường với mầm bệnh virus, phải tập trung hơn nữa công tác an toàn sinh học theo hướng tích cực phòng bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng. Trại giống nên lưu ý khi nhập tôm bố mẹ nhập khẩu các nước đang có mầm bệnh EMS/AHPND và EHP. Ngoài ra, nên có khu cách ly và có sự kiểm soát chặt mầm bệnh do virus, EMS/AHPND và EHP trước khi đưa vào sản xuất. Với thức ăn tươi, nên kiểm soát kỹ mầm bệnh, không nên sử dụng thức ăn tươi đánh bắt từ khu vực gần trại giống, vùng nuôi, cho ăn trực tiếp. Việc sử dụng thức ăn tươi nhập từ các nước không có mầm bệnh và không có nghề nuôi tôm cũng là lựa chọn tốt. Trong hoàn cảnh hiện tại, các trại giống nên cân nhắc việc thanh trùng thức ăn tươi bằng phương pháp Pasteur hay chiếu xạ Gamma, có thể làm cho tôm bố mẹ giảm khả năng sinh nhiều trứng và ấu trùng nhưng giúp tăng độ an toàn đối với trại giống cũng như trại nuôi sử dụng nguồn tôm giống này.

Ngoài ra, việc kiểm soát mầm bệnh bằng phương pháp PCR nên được xuyên suốt quá trình sản xuất giống. Ngoài ra, các phương pháp ương nuôi ấu trùng theo sinh học, vi sinh nên được ứng dụng để khống chế các bệnh do vi khuẩn như EMS/AHPND.

Khi chủ động, tích cực kiểm soát dịch bệnh thì có thể kiểm soát được mầm bệnh trong trại giống, nhưng sẽ tăng, có thể đến 25%, trại sản xuất giống khó chấp nhận. Do đó, phải coi sản xuất giống sạch bệnh là đầu tư cho người nuôi tôm, tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy sản. Cần có vai trò nhà nước trong điều phối hợp tác, chia sẻ rủi ro giữa các bên: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học. 

>> Bệnh EHP được phát hiện ở Thái Lan năm 2006 nhưng chưa được chú ý nhiều. Đến khi xuất hiện dịch bệnh EMS/AHPND diện rộng ở châu Á thì bệnh do EHP gần như không còn được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, bệnh EHP vẫn âm thầm dịch chuyển và xâm nhập nhiều nước khác.


Related news

ty-le-nito-va-phospho-anh-huong-den-su-phat-trien-mot-so-loai-tao-trong-ao-nuoi-tom Tỷ lệ Nitơ và Phospho… ems-anh-huong-va-cach-phong-tranh-phan-2 EMS: Ảnh hưởng và cách…