Nuôi bò Phòng chống bệnh do nắng nóng gây ra trên bò sữa trong chăn nuôi quy mô nông hộ

Phòng chống bệnh do nắng nóng gây ra trên bò sữa trong chăn nuôi quy mô nông hộ

Author BSTY Nguyễn Văn Hưởng, publish date Tuesday. August 28th, 2018

Ở nước ta vào mùa hè thời tiết nắng nóng, oi bức. Đây là một trong những yếu tố gây bất lợi rất lớn đối với sức khoẻ vật nuôi, đặc biệt nắng nóng gây thiệt hại lớn trên đàn bò sữa như giảm sản lượng sữa, dễ phát sinh các bệnh cảm nắng, cảm nóng, ký sinh trùng đường máu và các bệnh truyền nhiễm khác gây thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí gây chết bò sữa nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Lắp quạt không đúng cách sẽ không đem lại hiệu quả chống nóng

Để giảm thiệt hại do thời tiết nắng nóng gây nên trong mùa hè, đồng thời góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa ổn định, người chăn nuôi cần nắm vững một số yêu cầu kỹ thuật và thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh nắng, nóng cho bò sữa như sau:

1. Cải tạo chuồng trại và thực hiện các biện pháp chống nóng trong chuồng nuôi bò sữa:

– Nâng cao chuồng nuôi với những chuồng nuôi cũ có mái thấp, đồng thời để những ô thoáng xung quanh để tạo sự thoáng mát nhưng vẫn đảm bảo tránh mưa tạt, chiều cao tối thiểu từ nền đến mái hiên phải đạt 2m trở lên, đến đỉnh mái phải đạt từ 3,5m trở lên.

– Nếu xây mới chuồng nuôi, hướng chuồng tốt nhất là hướng cửa chuồng theo hướng Đông hoặc hướng Đông – Nam. Hoặc đầu hồi chuồng theo hướng Đông Tây để tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào vật nuôi.

– Nền chuồng: nền chuồng phải đảm bảo chắc chắn, dễ làm vệ sinh, dễ thu gom chất thải chăn nuôi và nền có độ dốc từ 2 – 3% để đảm bảo thoát nước tốt. Tùy điều kiện chăn nuôi hay điều kiện địa phương mà có thể làm nền chuồng bê tông hay nền sàn gỗ.

– Nếu chăn nuôi quy mô lớn nên bố trí chuồng nuôi dạng bốn mái, lợp tôn chắc chắn tạo thông thoáng tự nhiên và có bố trí hệ thống chống nóng bằng giàn mưa trên nóc mái. Đối với chuồng nuôi quy mô nhỏ thường làm chuồng kiểu 2 mái, tuy nhiên đòi hỏi chuồng phải cao thoáng và tận dụng vật liệu đơn giản như tranh tre, nứa lá sẵn có tại địa phương.

– Trồng cây xanh xung quang khu vực chuồng nuôi, trồng cây dây leo hoặc dùng rơm, rạ phủ trên mái chuồng nuôi nhằm che chắn nắng nóng chiếu vào chuồng nuôi.

– Bố trí quạt làm mát tại chuồng nuôi gia súc đúng kỹ thuật: nên đặt quạt thông gió theo thế nằm ngang, hướng gió quạt theo hướng từ sau ra trước hoặc bên hông vật nuôi, độ cao của quạt ở ngang tầm lưng của gia súc để đẩy hơi nước cùng với khí nóng và khí độc ra khỏi chuồng nuôi.

– Không nên treo quạt trên trần chuồng nuôi vì quạt sẽ hút gió mang hơi nóng từ mái chuồng xuống dưới nên việc chống nóng cho gia súc không hiệu quả, thậm chí còn gây tác hại lớn hơn cho gia súc.

– Làm hệ thống phun mưa lên nóc chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ mái chuồng lúc trời nắng to. Khi phun mưa cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh chuồng để tránh nâng cao ẩm độ trong chuồng.

– Gắn nhiệt kế theo dõi nhiệt độ chuồng nuôi, bò sữa thích ứng kém với nhiệt độ cao, khi nhiệt độ chuồng nuôi trên 300C người chăn nuôi nên tắm chải cho bò sữa nhiều lần trong ngày. Lưu ý khi tắm nên phun nước từ trên xuống dưới từ sau ra trước và nên tắm cho bò sữa trước hoặc sau vắt sữa khoảng 2 giờ, đồng thời kết hợp dùng quạt để làm thoát nhiệt nhanh hơn.

Lắp nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ chuồng nuôi và lắp quạt đúng cách để làm thoát nhiệt tại chuồng nuôi bò sữa

2. Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác

– Không chăn thả bò sữa ngoài bãi chăn khi trời nắng nóng.

– Cung cấp đủ nước uống và đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần về lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh cho bò sữa theo sản lượng sữa.

– Chủ động thực hiện phòng bệnh cho vật nuôi bằng các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y để tăng khả năng miễn dịch.

– Không vận chuyển bò khi trời quá nóng, trường hợp phải vận chuyển thì phải sử dụng phương tiện chuyên dụng và cung cấp đầy đủ nước uống và không nên vận chuyển với khoảng cách xa trong thời gian dài.

– Thực hiện vắt sữa đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh khi vắt sữa và dụng cụ vắt sữa.

3. Công tác vệ sinh phòng bệnh:

– Hàng ngày thường xuyên thu gom phân và chất thải nhằm giảm phát sinh nhiệt do quá trình phân huỷ chất thải chăn nuôi.

– Vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi hàng ngày. Giữ vệ sinh nền chuồng sạch sẽ, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước tiểu.

– Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt các loại côn trùng trung gian truyền bệnh như ve, mòng, ruồi, muỗi,… tiêm phòng bệnh ký sinh trùng đường máu trước mùa nắng nóng.

– Thường xuyên theo dõi sức khỏe bò sữa, phát hiện sớm bò ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.


Related news

may-dem-buoc-chan-de-cai-thien-sinh-san-bo-sua Máy đếm bước chân để… phuong-phap-tot-hon-de-phat-hien-vi-khuan-e-coli-trong-thit-bo Phương pháp tốt hơn để…