Tôm thẻ chân trắng Phòng, chống dịch bệnh đốm trắng do vi rút ở tôm nuôi tại cơ sở nuôi thương phẩm

Phòng, chống dịch bệnh đốm trắng do vi rút ở tôm nuôi tại cơ sở nuôi thương phẩm

Author Ngọc Hà, publish date Wednesday. June 13th, 2018

Bệnh đốm trắng do vi rút ở tôm nuôi nước lợ (White Spot Disease - WSD) là một loại bệnh nguy hiểm có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp nuôi tôm trên toàn thế giới. Bệnh đốm trắng lần đầu tiên được báo cáo từ trang trại nuôi tôm ở miền Bắc Đài Loan vào năm 1992 và Nhật Bản vào năm 1993. Tỷ lệ chết của tôm bị nhiễm virut đốm trắng lên tới 100% sau 3-10 ngày kể từ khi tôm bị nhiễm bệnh.

Để phòng, chống bệnh đốm trắng trên tôm nuôi, các cơ sở nuôi tôm thương phẩm cần có hệ thống sổ theo dõi sức khỏe tôm, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản; đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh trong quá trình nuôi như sau: Cơ sở nuôi phải đảm bảo có đường nước cấp, thoát nước riêng biệt; có ao lắng, ao xử lý chất thải; sử dụng con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giống thủy sản. Đối với giống thủy sản từ cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm tra chất lượng theo quy định.

Đối với thức ăn nuôi tôm, nếu sử dụng thức ăn tươi sống cần đảm bảo không ôi thiu, phải được xử lý đảm bảo không mang mầm bệnh, lượng thức ăn hợp lý tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường nuôi. Sau 01 tháng thả nuôi, định kỳ 1-2 tuần diệt khuẩn ao nuôi 01 lần. Ngoài ra, cơ sở nuôi cũng cần bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa nâng cao sức đề kháng cho tôm, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh.

Trong quá trình nuôi, cơ sở nuôi cần kiểm soát, loại bỏ vật chủ trung gian truyền bệnh, không sử dụng chung dụng cụ giữa các ao nuôi, phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần sử dụng, hạn chế người, động vật vào khu vực nuôi. Bên cạnh đó, cần kiểm tra sức khỏe tôm hằng ngày (như khả năng hoạt động, màu sắc tôm, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột, bộ phụ, lượng thức ăn), kiểm tra màu nước, chỉ tiêu môi trường hằng ngày. Đối với việc lấy mẫu gửi xét nghiệm, chủ cơ sở nuôi cần lấy mẫu vào tháng thứ 2 sau khi thả nuôi, bao gồm: mẫu nước, giác xác, tôm để gửi xét nghiệm xác định mầm bệnh. Chủ cơ sở nuôi cũng cần theo dõi nắm thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra trong khu vực/vùng, tình hình dự báo thời tiết và cảnh báo dịch bệnh của cơ quan chuyên môn để có biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh.

Đối với các cơ sở nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tùy điều kiện cụ thể có thể lựa chọn áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp theo hướng dẫn tại mục này của văn bản sao cho phù hợp, khả thi với điều kiện nuôi thực tế.

Về chống dịch bệnh, hiện nay bệnh đốm trắng do vi rút ở tôm nuôi không có biện pháp điều trị. Khi phát hiện tôm bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, chủ cơ sở cần khai báo cho thú y cơ sở hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất, đồng thời thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y thủy sản. Thông báo cho các cơ sở nuôi xung quanh để có các biện pháp phòng bệnh kịp thời tránh lây lan trên diện rộng.

Về xử lý nước ao tôm bệnh, cơ sở nuôi cần xử lý bằng Chlorine 30ppm hoặc hóa chất có công dụng tương đương có trong Danh mục thuốc thú y, hóa chất dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam. Sau 5 ngày mới được xả ra ngoài môi trường. Bùn đáy ao phải được xử lý đảm bảo không còn mầm bệnh. Bờ ao, công cụ dụng cụ, phương tiện chứa đựng tôm bệnh cũng phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng.


Related news

bien-phap-ky-thuat-phong-chong-benh-hoai-tu-gan-tuy-cap-tinh-o-tom-nuoi Biện pháp kỹ thuật phòng,… tam-quan-trong-cua-an-toan-sinh-hoc-va-khu-trung-trong-nuoi-trong-thuy-san-phan-1 Tầm quan trọng của an…