Mô hình kinh tế Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Cần Cơ Chế Đồng Bộ

Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Cần Cơ Chế Đồng Bộ

Publish date Tuesday. October 21st, 2014

Sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với chính quyền địa phương, giữa cán bộ kỹ thuật cơ sở của ngành nông nghiệp với nhau trong thời gian qua chưa thật sự mang lại hiệu quả, nhất là trong quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi. Vì thế, việc Sở NN&PTNT triển khai cơ chế phối hợp trong hoạt động là một giải pháp cần thiết.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Thành Huy cho biết: “Thời gian qua, việc báo cáo tình hình dịch bệnh, diện tích tôm nuôi bị chết từ cán bộ chi cục nuôi, cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông và chính quyền địa phương khác nhau. Ðiều này cho thấy, chưa có sự thống nhất về thu thập thông tin giữa cán bộ ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương”.

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, lo lắng: “Theo báo cáo của Chi cục Thú y, diện tích tôm bị thiệt hại chỉ có 10% trên tổng diện tích nuôi, chúng ta cần phải xem lại con số này. Bởi khi tôm nuôi thiệt hại 30% thì người nuôi tôm vẫn làm giàu, nhưng thực tế thì người dân vẫn còn đang điêu đứng, phơi đầm…”.

Theo đó, 3 nguyên nhân được ông Trần Văn Của chỉ ra như: khi có dịch bệnh và có hỗ trợ Chlorine thì người dân khai báo; cán bộ cơ sở nắm không chặt diễn biến tình hình; môi trường vùng nuôi ngày càng bị ô nhiễm do chính hộ nuôi tạo ra.

Theo Kỹ sư Nguyễn Văn Thước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, đã hơn 10 năm qua nhưng chưa có một đề tài nghiên cứu sâu nào về dịch bệnh mà chỉ biết xả hay huỷ bỏ khi tôm nuôi bị bệnh. Trong khi đó, nguyên nhân tôm chết có thể do nhiều yếu tố khác như: thức ăn không bảo đảm do quá trình vận chuyển, bảo quản; các loại thuốc có hàm lượng không đúng với công bố chất lượng, kém chất lượng dẫn đến việc phòng, trị bệnh không hiệu quả…

Tại hội nghị bàn giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi được Sở NN&PTNT tổ chức vừa qua, nhiều giải pháp tích cực được đưa ra thảo luận, áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian tới.

Trong đó, quy chế phối hợp lực lượng ngành nông nghiệp được thống nhất ban hành, có sự phân công cụ thể cho cán bộ cấp cơ sở, huyện… trong quá trình theo dõi tôm nuôi, trao đổi, thống nhất thông tin tình hình, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại; từ đó, giúp việc xác định nguyên nhân tôm bị bệnh, hướng dẫn cách xử lý đúng quy trình sẽ góp phần hạn chế được dịch bệnh lây lan trên diện rộng như thời gian qua.

Ông Nguyễn Thành Huy cho biết, chi cục sẽ phân công và có phụ cấp cán bộ hoạt động xuyên suốt.

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội thuỷ sản nêu giải pháp: “Ðể hạn chế dịch bệnh cần phải có quy trình mới, như nhiều hộ nuôi hiện nay dành một ao nuôi cá phi mật độ dày hay bao ví lại trong ao nuôi tôm tạo môi trường nước tốt cho tôm nuôi phát triển”.

Theo đó, mô hình quản lý cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh thuộc tổ quản lý mà huyện Phú Tân là một điển hình được hội nghị đánh giá cao. Ông Trần Quốc Yên, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết: “Mỗi hộ nuôi đều ký cam kết bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Theo đó, các ấp đều thành lập tổ môi trường với sự tham gia của đoàn viên tại địa phương. Ðã qua, có xử lý phạt hình chính đối với những hộ cố tình xả thải ra sông khi tôm bị dịch bệnh. Từ đó ý thức của người nuôi tôm trong phòng, chống dịch bệnh được nâng lên và chấp hành tốt như đã cam kết ban đầu”.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, khẳng định, từ quy chế phối hợp này, cùng sự vào cuộc của chính quyền các cấp, phòng nông nghiệp các huyện và trách nhiệm của người dân, hy vọng dịch bệnh trên tôm sẽ được kiểm soát và đời sống người nuôi tôm sẽ khởi sắc hơn…


Related news

ru-nhau-xuong-bien-bat-doi Rủ Nhau Xuống Biển Bắt… day-manh-tai-co-cau-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi Đẩy Mạnh Tái Cơ Cấu…