Tin nông nghiệp Phòng trị bệnh lở cổ rễ của giống rau

Phòng trị bệnh lở cổ rễ của giống rau

Author Công Hào, publish date Saturday. June 30th, 2018

Bệnh lở cổ rễ hay còn gọi là bệnh thối gốc, một trong những loại bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại nhiều nhất, nhanh nhất cho những người sản xuất rau...

Hỏi: Trước đây tôi trồng rau thương phẩm, mới chuyển sang gieo ươm cây giống được vài năm nay vì cho hiệu quả cao hơn. Trong 1-2 năm đầu cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại nhưng qua vụ thứ 3 thấy cây con chết nhiều, nhiều luống mất trắng. Nhổ cây lên xem thấy phần gốc bị teo lại, lá héo rũ rồi chết dần và lây lan nhanh. Xin quí báo cho biết đó là bệnh gì, cách phòng trị thế nào cho có hiệu quả? (Trần Văn Thành - thôn Phương Viên, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội)

Trả lời: Mô tả của bạn trong thư là những triệu chứng điển hình của bệnh lở cổ rễ hay còn gọi là bệnh thối gốc, một trong những loại bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại nhiều nhất, nhanh nhất cho những người sản xuất rau màu nói chung, những người chuyên gieo ươm cây rau giống nói chung.

Triệu chứng: Bệnh chủ yếu gây hại ở phần cổ rễ, phần gốc sát mặt đất. Khi mới xuất hiện, nếu quan sát kỹ có thể thấy những vết bệnh có màu khác với vỏ cây, phần vỏ này bị rộp lên, sau đó lan dần bao quanh toàn bộ phần cổ rễ hoặc gốc cây. Dần dần phần vỏ này khô teo lại, khi gặp trời mưa hoặc độ ẩm cao sẽ bị thối nhũn, bong ra, trơ lại phần lõi gỗ của cây có màu thâm đen, cây sẽ héo dần và chết.

Lúc mới bị nhiễm bệnh, lá trên các cây này còn giữ được màu xanh tươi trong vài ngày (nếu trời râm mát), sau đó toàn bộ cây sẽ bị héo rũ gục xuống, chết lụi từng đám rải rác trên ruộng hoặc từng vạt lớn nếu ruộng rau bị nhiễm bệnh nặng. Vào những ngày có nhiều sương mù hoặc lúc sáng sớm ta có thể thấy lớp tơ màu trắng bám nơi vết bệnh. Vài ngày sau, trên thân cây và vùng đất xung quanh gốc cây bị bệnh xuất hiện nhiều đốm hạch màu vàng nâu bám xung quanh đó.

1/ Tác nhân gây bệnh, điều kiện phát sinh, phát tiển và gây hại:

Bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây ra là chủ yếu. Tuy nhiên, tuỳ điều kiện thời tiết, chế độ canh tác có thể do nhiều loại nấm có trong đất gây ra như Pythium spp., Fusarium solani, Fusarium sp. v.v. Các bào tử nấm Rhizoctonia solani thường sống tiềm ẩn trong đất và tàn dư cây trồng khá lâu, nhất là ở những vườn ươm cây giống, những vườn sản xuất đã từng bị bệnh lở cổ rễ mà không được xử lý đất trước khi trồng lại.

Các bào tử nấm này thường lây lan trong môi trường nước và xâm nhập qua các vết thương cơ giới hoặc các lỗ khí khổng của lá khi có điều kiện môi trường thuận tiện. Bệnh thường phá hại nhiều trong vườn ươm hoặc sau khi trồng khoảng 1 tháng tuổi, làm chết cây con. Nấm thường tấn công vào cổ rễ, nơi tiếp giáp với mặt đất và cổ rễ bị khô, cây không hút được nước nên đổ rạp và chết rất nhanh. Bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, nhiệt độ cao hoặc mưa, nắng, rét, nóng thất thường.

Trong năm bệnh thường xuất hiện và gây hại nhiều nhất vào các giai đoạn: tháng 9-10 và tháng 2-3-4. Bệnh thường lây lan nhanh, gây hại nặng ở những vườn ươm chuyên sản xuất cây giống hoặc vườn sản xuất đại trà liên tục nhiều năm; trên các vườn đầu tư, chăm sóc kém, nhất là trên các vùng đất sét, đất thịt nặng, đất chặt bí, những vùng đất ẩm ướt, trũng hoặc khó thoát nước.

2/ Biện pháp phòng trị:

- Phòng bệnh: Chọn nơi đất tốt, cao ráo, dễ thoát nước để làm vườn ươm sản xuất cây giống. Không nên làm vườn ươm ở những nơi trước đây đã từng bị bệnh lở cổ rễ và các loại nấm bệnh khác. Khử trùng đất bằng vôi bột (30kg/sào Bắc bộ) hoặc các loại thuốc như: Regent 0,3 G, Basudin 5G, 10 G/H (0,3-0,5 kg/sào Bắc bộ) trước khi trồng. Chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, không dùng phân tươi (có chứa nhiều nấm bệnh) để bón lót hoặc làm bầu ươm.

Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển. Khơi thông mương rãnh tránh để đọng nước gây ngập úng hoặc để đất quá ẩm. Sử dụng chế phẩm TRICHODERMA trộn với phân chuồng đã được ủ hoai mục để bón lót hoặc đóng bầu với lượng dùng 4-5kg/sào Bắc bộ.

- Chữa trị: Nhổ bỏ và đem tiêu hủy hết các cây bị bệnh để tránh lây lan ngay khi mới phát hiện. Phun ngừa hoặc phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Copper B, Booc đô 1%, Dithane M45, Benlat C 50 WP, Anvil 5 SC, Rovral 50 WP, Appencarb Super 50 SL.. .pha nồng độ 0,2-0,3% (20-30 g hoặc cc cho bình 10 lít nước), khuấy đều phun kỹ thân cây gần mặt đất và phần đất xung quanh gốc cây vào buổi sáng và chiều mát. Phun nhắc lại lần 2 sau 5 ngày. Xới xáo mặt luống nhằm giảm độ ẩm, hạn chế lây lan.


Related news

phong-tru-con-trung-gay-hai-mang-cut-trong-mua-nang Phòng trừ côn trùng gây… thay-doi-hinh-anh-nghe-nong-o-an-do Thay đổi hình ảnh nghề…