Tôm thẻ chân trắng Phòng trị bệnh phân trắng trên tôm

Phòng trị bệnh phân trắng trên tôm

Author Ban KHKT, publish date Thursday. May 27th, 2021

Hỏi: Tôm có triệu chứng giảm ăn, bỏ ăn. Bắt lên quan sát thấy một số con có dấu hiệu chuyển màu sậm đen và có những con ruột không có thức ăn. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Phạm Thành Vinh, xã Hải Dương, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế)

Trả lời:

Theo mô tả, có thể tôm đã bị bệnh phân trắng. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thức ăn không đảm bảo chất lượng, bị nhiễm nấm mốc, độc tố…; tôm ăn phải tảo độc, tảo tiết ra enzyme làm tê liệt lớp biểu mô ruột, làm ruột không hấp thu thức ăn được, tôm bị bệnh; ký sinh trùng (Gregarine) bám trên thành ruột, tôm bị bệnh đường ruột; vi khuẩn gây bệnh phân trắng thường gặp thuộc các chuẩn Vibrio. 

Vì vậy, có thể nói rằng môi trường ô nhiễm là nguyên nhân tạo điều kiện cho tảo độc, vi khuẩn, virus phát triển và xâm nhập vào cơ thể tôm.

Để điều trị bệnh, cần ngừng cho ăn hoàn toàn trong vòng 1 – 2 ngày; chạy quạt tăng cường ôxy nhiều nhất có thể nhằm hỗ trợ nhanh chóng phân hủy chất thải trong ao nuôi; thay nước sạch đã xử lý với lượng khoảng 30 – 50% (chú ý thay chậm để không làm tôm sốc); tìm các giải pháp phù hợp để làm giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao (nếu ao thường xuyên xiphong thì dùng chất lắng tụ rồi xiphong sạch ra ngoài. 

Trường hợp ao không được xiphong trước đó thì chỉ dùng vi sinh, không được làm xáo trộn đáy ao khiến khí H2S khuếch tán vào nước gây chết tôm); sử dụng vi sinh với liều cao gấp 3 lần so với liều bình thường xử lý nước và đáy ao; trộn xen kẽ các nhóm vi sinh tiêu hóa và tỏi (10 g/kg) vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh); thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong vòng 5 ngày liên tục.

Hỏi: Bệnh phân trắng xảy ra ở giai đoạn nào của tôm nuôi? Triệu chứng và biện pháp phòng bệnh như thế nào? (Nguyễn Minh Hiếu, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Bệnh phân trắng thường xảy ra ở tôm nuôi sau 1 tháng tuổi, mức độ xảy ra nhiều nhất là giai đoạn 60 – 90 ngày tuổi. Bệnh xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc nhiều yếu tố như mật độ, mức độ và số lượng tôm nhiễm bệnh. Mặc dù bệnh phân trắng không gây tôm chết hàng loạt trong thời gian ngắn, nhưng sẽ làm tôm bị bệnh mãn tính khó điều trị. 

Tôm bị bệnh có các biểu hiện cụ thể như sau: xuất hiện phân tôm màu trắng trên nhá hoặc nổi trên mặt nước, dọc bờ ao, góc ao, cuối hướng gió; tôm yếu ăn (hoặc bỏ ăn nếu bị bệnh nặng), phân tôm nổi lên mặt nước và tập trung nhiều ở cuối hướng gió. 

Khi quan sát đường ruột tôm thấy trống thức ăn hoặc thức ăn bị đứt quãng; kiểm tra bằng phương pháp mô học của mẫu tôm bị bệnh phân trắng thì thấy gan cũng bị tổn thương, tế bào gan bị chết từng điểm bong ra; hệ thống đường ruột bị viêm nhiễm nặng không hấp thụ được thức ăn, phân tôm có màu trắng, thịt tôm không chứa đầy vỏ, vỏ mềm. 

Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp tổng hợp như chuẩn bị ao nuôi kỹ lưỡng trước khi thả giống. Đối với ao đất, toàn bộ chất cặn bã, bùn phải được loại bỏ hoàn toàn. Nước cấp vào ao nuôi cần phải được xử lý hóa chất để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. 

Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố và quản lý lượng thức ăn đúng nhu cầu. Bổ sung đầy đủ các chất tăng cường sức khỏe của tôm như vitamin, men vi sinh và khoáng chất thiết yếu. Định kỳ xiphong loại bỏ chất thải, duy trì mật độ tảo, sử dụng vi sinh phân hủy các chất hữu cơ đáy ao và nước… 

Kiểm soát tốt các loài tảo độc, độ kiềm trong ao. Luôn duy trì cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong ao bằng việc bổ sung thường xuyên vi sinh và duy trì hàm lượng ôxy thấp nhất là 3,5 – 4 ppm.


Related news

quan-ly-chuyen-sau-ao-nuoi-tom-the-chan-trang Quản lý chuyên sâu ao… sau-meo-de-quan-ly-chat-luong-nuoc-trong-nuoi-tom Sáu mẹo để quản lý…