Cá rô phi Phòng trị bệnh viêm ruột trên cá rô phi

Phòng trị bệnh viêm ruột trên cá rô phi

Author Hữu Văn, publish date Wednesday. October 30th, 2019

Viêm ruột là một bệnh nguy hiểm đối với cá rô phi và có thể gây chết hàng loạt. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhất là vào mùa mưa và những thời điểm giao mùa.

Tác nhân

Bệnh viêm ruột trên cá rô phi do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây nên (Chúng có thể di động và là tác nhân chủ yếu gây bệnh viêm ruột hay còn gọi là bệnh đốm đỏ). Trong điều kiện bình thường, vi khuẩn này không gây bệnh đối với sinh vật sống; tuy nhiên, khi môi trường nuôi bị biến động, cá bị stress, thay đổi sinh lý đột ngột thì Aeromonas hydrophila luôn là tác nhân gây bệnh tiềm tàng.

Triệu chứng

Bệnh có dấu hiệu tương tự như bệnh xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus. Khi bị bệnh, cá bơi tách đàn, lờ đờ; da chuyển màu tối hơn; ăn ít hoặc bỏ ăn. Bụng chướng to và hậu môn sưng đỏ có dịch nhầy chảy ra. Khi giải phẫu, thấy ruột đầy hơi. Bệnh thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường gặp nhiều biến động, bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng.

Phòng bệnh

Bệnh được hạn chế tại những ao nuôi được chuẩn bị và cải tạo tốt ở các khâu: tát cạn ao, bắt cá tạp, vét bùn, rắc vôi bột và phơi đáy ao. Dùng 7 - 10 kg vôi bột cho 100 m2 đáy ao.

Trong quá trình nuôi, định kỳ 20 - 30 ngày/lần sử dụng vôi bột để xử lý ao với lượng 2 - 3 kg/100 m3 nước tùy thuộc độ pH của nước. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ổn định môi trường nước cũng như ức chế vi khuẩn gây bệnh.

Ngoài ra, hằng tuần cần kiểm tra nước 1 lần, để xem mức độ tảo cũng như thức ăn tự nhiên trong ao, từ đó có cách điều chỉnh kịp thời, nên duy trì nước ao màu nõn chuối.

Cải thiện môi trường ao nuôi tốt, không để cá bị sốc do các yếu tố môi trường. Khi thời tiết thay đổi hoặc có mưa lớn cần tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan bằng máy bơm hoặc quạt nước, giảm lượng thức ăn, tăng cường kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp can thiệp kịp thời. Cần rắc vôi xung quanh bờ ao để hạn chế hiện tượng pH giảm đột ngột, gây sốc cho cá.

Định kỳ bổ sung Vitamin C với liều lượng 30 - 50 mg/kg thức ăn. Định kỳ 1 tháng/lần sử dụng thuốc tiên đắc với lượng 0,25 kg/tấn cá hoặc 0,2 kg tỏi tươi giã nhuyễn  trộn vào 10 kg thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng cho cá, đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa.

Trị bệnh

Bệnh có thể điều trị bằng một số kháng sinh, như Oxytetramycine, Doxycilne trộn với thức ăn để trị bệnh liều dùng 10 - 12 g/100 kg cá/ngày, từ ngày thứ 2 tới ngày thứ 7 liều dùng bằng 1/2 ngày đầu. Dùng thuốc KN-04-12, liều dùng 2 - 4 g/kg thức ăn. Để hiệu quả trị bệnh cao, cần cho cá ăn thêm một số chế phẩm sinh học hoặc một số vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Có thể dùng thuốc tiên đắc để trị bệnh cho cá, liều lượng 0,5 kg/tấn cá hoặc dùng tỏi tươi giã nhuyễn với lượng 0,4 kg trộn với 10 kg thức ăn cho cá ăn 3 - 5 ngày.


Related news

xu-ly-ca-ro-phi-don-tinh-bang-17-alpha-methyltestosterone Xử lý cá rô phi… nhung-buoc-tien-ve-dinh-duong-ca-ro-phi Những bước tiến về dinh…