Trồng lúa Phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân

Phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân

Author Phan Quân, publish date Friday. March 23rd, 2018

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh các văn bản về việc đôn đốc phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân.

Phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 22/2 đến nay bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại trên lúa vụ Xuân khiến 1.822 ha bị nhiễm bệnh; trong đó, có 81 ha bị nhiễm nặng, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cẩm Xuyên 1.167,5ha, Đức Thọ 493ha, Hương Sơn 43,4ha, thành phố Hà Tĩnh 25,2ha. 

Cũng theo ông Nguyễn Tống Phong, số lượng lúa nhiễm bệnh tại tỉnh này tỷ lệ bệnh trung bình 5-7%, nơi cao 10-15%, cục bộ 20-30%, có 2.850m2 bị cháy dưới dạng chòm, khóm (2.500 m2 giống VTNA6, KD18 xã Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên; 100 m2 giống XT28 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân; 250 m2 giống P6 tại xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ). 

Trước tình hình trên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh các văn bản về việc đôn đốc phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân. 

Mặt khác, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, phối hợp với các địa phương điều tra phát hiện, hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo phòng trừ dịch hại. 

Xây dựng mô hình đánh giá phản ứng của một số giống lúa chủ lực đối với bệnh đạo ôn cổ bông và hiệu lực của một số loại thuốc hóa học phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông vụ Xuân năm 2018. 

Bên cạnh đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cũng đã nhanh chóng tập trung xử lý dứt điểm số diện tích bị nhiễm nặng đồng thời tiến hành phun phòng các diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo để chủ động trong công tác phòng trừ. 

Ngoài ra, các đơn vị chức năng trong tỉnh còn hướng dẫn bà con nông dân khi phát hiện bệnh ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm, duy trì mực nước hợp lý và tiến hành xử lý bằng các loại thuốc có nhóm hoạt chất sau: Isoprothiolare, Propiconazole, Tricyclazole, Fenoxanil, Kasugamycin; các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Ninja 35SE, Fukasu 42WP, Filia 525SC, Beam 75WP, Kabim 30WP, Bankan 600WP, Fuji one 40WP, FuNhật 40WP, ...

Đáng lưu ý, khuyến cáo bà con chỉ phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5-7 ngày, điều tra nếu thấy vết bệnh cấp tính thì tiến hành xử lý thuốc lần 2. 

Những diện tích bị nhiễm bệnh nặng đã có biểu hiện lụi cần tiến hành cắt bỏ lá bị bệnh vùi sâu vào đất hoặc phơi khô đem đốt để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng sau đó mới tiến hành phun thuốc./.


Related news

don-dong-va-nuoi-hat-lua-dong-xuan Đón đồng và nuôi hạt… nong-dan-tien-giang-trong-lua-theo-tieu-chuan-globalgap Nông dân Tiền Giang trồng…