Mô hình kinh tế Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lạc Xuân

Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lạc Xuân

Publish date Sunday. July 15th, 2012

Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

Các đối tượng dịch hại chủ yếu là sâu xanh, sâu xám, ban miêu và bệnh lở cổ rễ. Báo cáo của ngành BVTV tỉnh Ninh Bình cho biết đến đầu tháng 5 đã có trên 260ha lạc bị nhiễm sâu róm, 120ha bị bệnh đốm vòng và lở cổ rễ, nặng nhất là ở huyện Yên Khánh. 

Còn ở Nghệ An, tỉnh này đang phải đối mặt với các loại sâu khoang, sâu xanh, ban miêu đợt 1 phát sinh trên diện rộng tại các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, Diễn Châu, Anh Sơn… với mật độ phổ biến 25-30 con/m2, cao 40-50 con/m2, cục bộ có vùng lên đến trên 60 con/m2. Toàn tỉnh có trên 3.000ha lạc bị nhiễm sâu, trong đó Nghi Lộc có 1.500ha, Diễn Châu 1.000ha, Quỳnh Lưu 160ha, Đô Lương 50ha…

Có ruộng lạc bị sâu tập trung ăn trụi hết lá trông như vừa bị bão. Theo phản ánh của nhiều hộ gia đình ở xã Nghi Liên (Nghi Lộc, Nghệ An) thì tình trạng kháng thuốc của các loại sâu xanh, sâu xám, sâu khoang trên cây lạc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng trừ. Hiện nay lạc xuân đang ở giai đoạn ra hoa đến hình thành củ, là thời kỳ quan trọng nhất, quyết định đến năng suất thu hoạch. Để kịp thời phòng trừ có hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do sâu bệnh gây ra nhằm đạt năng suất vụ lạc xuân tốt nhất, NNVN giới thiệu kinh nghiệm của Nghệ An và Ninh Bình để các địa phương và bà con nông dân tham khảo, áp dụng:

- Phun trừ sâu cuốn lá, sâu xanh, sâu khoang kịp thời khi sâu mới nở, tuổi 1-2 trên những diện tích có mật độ sâu từ 10 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc mới như Regent 800 WG, Karate 2,5 EC, Actimex 400 EC, Dylan 40 EC hoặc phối hợp 2 loại thuốc với nhau như Padan 95SP + Trebon 10EC; Netoxin 95 SP + Sherpa 25 EC… Kết hợp với trị bệnh thối thân, lở cổ rễ bằng thuốc Validacin 5L, Topsin M70 WP (pha và phun lượng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao bì).

- Đối với ban miêu (bao gồm nhiều loài như ban miêu sọc trắng, ban miêu đen, ban miêu khoang vàng nhỏ, ban miêu khoang vàng lớn) thường gây hại trên cây lạc và một số cây họ đậu khác. Con trưởng thành thường tập trung ăn lá non, đọt non, nếu thiếu thức ăn chúng ăn cả lá già và hoa nên mức độ thiệt hại sẽ rất lớn. Có thể dùng vợt để bắt trưởng thành (không bắt bằng tay để tránh nhiễm độc da). Dùng các loại thuốc trừ sâu như Dipterex 90 SP Confidor 100 SL, Regent 800 WG, Fastac 5 EC… để phun trừ tiêu diệt trưởng thành, trứng, sâu non và nhộng.

- Đối với rầy xanh lá mạ nên phun các loại thuốc trừ sâu có tính nội hấp hoặc điều hòa sinh trưởng như Actara 25 WG; Conphai 10 WP; Butyl 10 WP… sẽ cho hiệu quả cao hơn.

- Đối với bệnh đốm lá, dùng thuốc Anvil 5-10EC, Carbenzim 50 WP, Til-super 300 ND… để phun trừ.

- Bệnh héo rũ vi khuẩn chưa có thuốc đặc trị nên biện pháp hạn chế thiệt hại và tránh lây lan bằng cách phun hoặc rắc 2-3 gói Penac P khi làm đất. Dùng Staner 20 WP hoặc Kasugamycin 5% BTN, Kasuran 5% BTN kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện.

- Với các bệnh đốm nâu do nấm Cercospora arachidicola gây ra, bện đốm đen do nấm Cercosporapersonata gây ra thì có thể sử dụng các loại thuốc trừ nấm như Opus 75 EC, Carbenda 50 SC, Basvitin 50 FL pha 10-15ml/bình 8 lít; Polyram 80 DF, Manozeb 80 WP, dithane xanh M 45-80 WP: pha 30 g/bình 8 lít; Sumi Eight 12,5 WP: pha 3-5 g/bình 8 lít phun kỹ trên tán và cả phần gốc khi có triệu chứng bệnh.

- Chú ý: thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời diễn biến của sâu bệnh, xác định tuổi sâu, mật độ, mức độ gây hại, chỉ số bệnh… để xác định thời điểm, loại thuốc phun thuốc phòng trừ nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Nên tổ chức phòng trừ tập trung, đồng loạt có tính chất cộng đồng thì mới có kết quả cao.


Related news

huong-dan-bon-phan-cho-lua-he-thu-o-dbscl Hướng Dẫn Bón Phân Cho… huong-bai-cay-trong-xen-hieu-qua-tren-dat-doc Hương Bài, Cây Trồng Xen…