Cá rô phi Phụ gia bổ sung cho cá rô phi: Probiotics và chất phytogenic

Phụ gia bổ sung cho cá rô phi: Probiotics và chất phytogenic

Author Văn Thái (Lược dịch), publish date Thursday. September 2nd, 2021

Thức ăn nuôi trồng thủy sản được xây dựng với một nhóm lớn các thành phần để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cá và đảm bảo các chức năng sinh lý bình thường, bao gồm duy trì hệ thống miễn dịch, tăng trưởng và sinh sản. Bài viết này giới thiệu 2 trong các phụ gia tiềm năng bổ sung vào thức ăn cho cá rô phi là chất phytogenics và probiotics.

Phytogenic được bổ sung vào thức ăn thủy sản khá đa dạng. Ảnh: Deskgram

Vai trò của phụ gia trong thức ăn

Phụ gia thức ăn được bổ sung một lượng nhỏ cho một mục đích cụ thể trong nuôi trồng thủy sản. Thức ăn được bổ sung phụ gia có lợi sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và sức khỏe của cá rô phi, cải thiện hệ thống miễn dịch và tạo ra lợi ích sinh lý trên cá.

Các sản phẩm giúp cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn trên cá nuôi có vai trò đặc biệt quan trọng vì chi phí thức ăn chiếm một chi phí lớn trong nuôi trồng thủy sản và làm giảm lượng phân cá thải ra môi trường nuôi. Phụ gia thức ăn có thể là bao gồm cả hai thành phần có dinh dưỡng và không dinh dưỡng, chúng hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp với cơ thể động vật. 

Các chất phụ gia chức năng được bổ sung trong thức ăn thủy sản rất đa dạng. Phụ gia được sử dụng trong thức ăn cho cá để bảo tồn các đặc tính dinh dưỡng của chế độ ăn hoặc thành phần thức ăn trước khi cho ăn (ví dụ như chất chống oxy hóa và chất ức chế nấm mốc), tăng cường sự phân tán thành phần hoặc thức ăn viên (ví dụ như chất nhũ hóa, chất ổn định và chất kết dính), tạo điều kiện cho việc ăn thức ăn (chất dẫn dụ) và thúc đẩy tăng trưởng (ví dụ như chất kích thích tăng trưởng như men vi sinh và hormone). Enzyme cũng được sử dụng để cải thiện sự sẵn có của một số chất dinh dưỡng (ví dụ: protease, amylase) hoặc để loại bỏ sự hiện diện của một số chất chống độc (ví dụ: phytase).

Những phụ gia thức ăn để quản lý hiệu suất cá rô phi và cải thiện lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản bao gồm:

- Probiotics

- Prebiotics

- Chất phytogenic

- Chất kích thích miễn dịch

- Enzyme

- Hormone

- Chất kết dính

- Acid hữu cơ…

Phụ gia phytogenics: 

Phytogenics là sản phẩm phụ gia có nguồn gốc thực vật được thêm vào thức ăn để cải thiện sự ngon miệng của thức ăn hoặc cải thiện hiệu suất tăng trưởng động vật. Các thành phần hoạt chất của thực vật có nhiều tác động lên sinh vật, bao gồm cả việc cải thiện thức ăn hiệu quả và tiêu hóa, giảm bài tiết nitơ và cải thiện hệ thực vật đường ruột và tình trạng sức khỏe. Phụ gia thức ăn phytogen là một nhóm phụ gia thức ăn cực kỳ phong phú, chúng có nguồn gốc từ lá (ví dụ chiết xuất của Moringa oleifera), rễ, củ (ví dụ: Tỏi - Allium sativum; Gừng - Zingiber ocinale) hoặc trái, cây gia vị hoặc thực vật khác. Chúng được dùng ở dạng rắn, khô, bột nghiền hoặc dưới dạng chiết xuất hoặc tinh dầu.

Gbadamosi và cộng sự (2016) đã thử nghiệm tác dụng bảo vệ gan và giảm căng thẳng của chế độ ăn uống bổ sung chiết xuất từ cây chùm ngây Moringa oleifera chống lại nhiễm trùng Aeromonas hydrophila và căng thẳng do vận chuyển ở cá giống cá rô phi sông Nin O. niloticus. Họ đã báo cáo rằng một liều 0,1g chiết xuất/100 g thức ăn như một tác nhân bảo vệ gan và giảm stress trong cá.

Pachanawan và cộng sự (2008) cũng đánh giá hiệu quả của bột lá khô của ổi Psidium guajava và chiết xuất ethanol của lá ổi làm phụ gia thức ăn để kiểm soát nhiễm khuẩn do A.hydrophila trong nuôi cá rô phi. Chế độ ăn của cá có chứa bột lá ổi khô hoặc chiết xuất ethanol của lá ôi khô làm giảm tỷ lệ tử vong của cá rô phi bị nhiễm A. hydrophila so với chế độ ăn cá rô phi thương mại bổ sung oxytetracycline. 

Theo Zilberg và cộng sự (2010), cá rô phi sông Nile được nuôi bằng lá hương thảo khô (Rosmarinus offcinalis) giảm đáng kể tỷ lệ tử vong sau khi nhiễm Streptococcus iniae. Theo báo cáo, tỷ lệ tử vong 44% trong nhóm được cho ăn 8% hương thảo, tương tự như điều trị bằng oxytetracycline (tỷ lệ tử vong 43%) và thấp hơn đáng kể so với đối chứng (65%). 

Goda ASA (2008) đã báo cáo rằng cá giống cá rô phi cho ăn chế độ ăn có chứa ít nhất 200 mg nhân sâm/kg thức ăn trong 17 tuần giúp tăng hiệu suất tăng trưởng, hiệu quả sử dụng chế độ ăn uống và các chỉ số huyết học. Cá giống cũng có tỷ lệ hiệu quả protein (PER) cao hơn đáng kể so với cá được cho ăn chế độ ăn kiểm soát. Đây cũng kết quả được báo cáo trong nghiên cứu của Dada (2015) khi cá rô phi được cung cấp 5,0 g bột phụ gia/kg thức ăn. Thảo dược Trung Quốc, cây hoàng kỳ Astragalus radix có thể điều chỉnh hệ thống miễn dịch bẩm sinh của cá rô phi (Oriochromis niloticus). Họ đã báo cáo rằng cho cá rô phi ăn 0,1 và 0,5% Astragalus radix trong một tuần đã tăng cường hoạt động lysozyme và trong ba tuần kích thích hoạt động thực bào.

Probiotic: 

Probiotic là các vi sinh vật sống khi được cung cấp đủ lượng sẽ mang lại lợi ích sức khỏe của vật chủ. Chúng các vi sinh vật không gây bệnh, không độc hại khi dùng để bổ sung vi sinh vật sống có lợi để cách cải thiện sự cân bằng đường ruột. Trong nuôi trồng thủy sản, probiotic có công dụng như:

- Tăng các hoạt động chống lại mầm bệnh do vi khuẩn và virus; 

- Tạo ra các hóa chất ức chế vi khuẩn có hại; 

- Cải thiện chất lượng nước bằng việc tham gia vào quá trình phân hủy các chất dinh dưỡng hữu cơ cũng như NH3 và NO2 độc hại trong hệ thống nuôi trồng thủy sản;

- Giúp tăng cường phản ứng miễn dịch bằng cách tăng hoạt động thực bào của bạch cầu; 

- Cạnh tranh các chất dinh dưỡng được tiêu thụ bởi các vi khuẩn gây bệnh; cạnh tranh vị trí bám dính và thức ăn với mầm bệnh ở bề mặt biểu mô ruột và ngăn chặn sự xâm nhập; 

- Men vi sinh cũng là nguồn dinh dưỡng và tiết ra nhiều loại enzyme để tăng sự đồng hóa phân hủy thức ăn giúp tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn.

Zhou X và cộng sự (2010). đã báo cáo rằng việc bổ sung Bacillus coagulans và Rhodopseudomonas palustris ở nồng độ 1 × 107 CFU ml/kg thức ăn mỗi hai ngày giúp cá có trọng lượng cao hơn đáng kể, tăng trọng hàng ngày và tốc độ tăng trưởng của cá rô phi cũng tăng hơn so với cá không được bổ sung. 

Wang Y và cộng sự (2008). đã cho thấy cá rô phi được bổ sung bằng E. faecium ở nồng độ 1 × 107 CFU ml/l trong nước nuôi sau mỗi bốn ngày có trọng lượng cuối cùng và tăng trọng hàng ngày (DWG) tốt hơn đáng kể so với những con được cho ăn chế độ không bổ sung. Ngoài ra, hoạt động miễn dịch cũng cao hơn (P˂ 0,05) trong cá rô phi được xử lý E. faecium so với nhóm đối chứng. 

Pigott và cộng sự (2003) đã đánh giá hai loại vi khuẩn (Streptococcus faecium và Lactobacillus acidophilus) và nấm men (Saccharomyces cerevisae) đến hiệu suất tăng trưởng ở cá rô phi. Chế độ ăn kiêng cho ăn có bổ sung men vi sinh cho thấy sự tăng trưởng lớn hơn so với nhóm cá không bổ sung. Aly SM (2018) cũng đã nghiên cứu về Bacillus subtilis và L. acidophilus, là men vi sinh tiềm năng kích thích đáp ứng miễn dịch và khả năng đề kháng của cá rô phi sông Nin O. niloticus đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Cả B. subtilis và L. acidophilus đều ức chế sự phát triển của A. hydrophila. Ngoài ra, B. subtilis ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh P. fluorescens trong khi L. acidophilus ức chế sự phát triển của S. iniae.

Alemayehu AT, Geremew A, Getahun A (2018) The Role of Functional Feed Additives in Tilapia Nutrition. Fish Aqua J 9: 249. doi:110.4172/2150-3508.1000249


Related news

phu-gia-bo-sung-cho-ca-ro-phi-prebiotics-va-axit-huu-co Phụ gia bổ sung cho… que-giup-ca-ro-phi-tang-cuong-kha-nang-khang-khuan-doi-voi-aeromonas-hydrophila Quế giúp cá rô phi…