Phụ thuộc thị trường Trung Quốc, cá sấu Việt khó “bơi xa”
Chưa bao giờ giá cá sấu biến động mạnh như giai đoạn vừa qua. Nguyên nhân được các chuyên gia phân tích là do chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong ảnh: Việc chăn nuôi cá sấu ở quy mô hộ gia đình khó tìm đầu ra nên dễ bị thương lái ép giá. Ảnh: I.T
Giá trồi sụt như ... tàu lượn
Khi nghề chăn nuôi cá sấu mới phát triển tại Việt Nam, người ta tính giá cá sấu bằng đơn vị từng chỉ vàng. Đến năm 1992, giá cá sấu con giảm dần đến gần giá trị thật, 30 USD/con, do Thái Lan khủng hoảng con giống. Sau khủng hoảng kinh tế châu Á, giá cá rớt nhanh, nhiều trại nuôi đóng cửa.
Tại TP.HCM, hoạt động gây nuôi cá sấu chủ yếu trên địa bàn 10 quận, huyện với 42 cơ sở. Tổng đàn luôn ổn định và duy trì ở mức 140.000 – 160.000 con/năm. Đến cuối tháng 10.2016, đạt số lượng 143.605 con. Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa năm 2016 ước đạt 70 tỷ đồng.
Từ năm 1997, nhiều thành phần kinh tế cùng nhảy vào, cá sấu thịt lại tăng lên, khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg. Đến năm 2007, số lượng nuôi tăng lên 300.000 con, giá lại rớt còn 60.000 đồng/kg. Năm 2014, giá lại bị đẩy lên cao tới mức chưa từng thấy là 230.000 đồng/kg. Nhưng hiện giá 1kg cá sấu chỉ nhỉnh hơn 1kg thịt heo, 60.000 – 70.000 đồng/kg.
Nhìn nhận mức độ trồi sụt này, ông Tôn Thất Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (TP.HCM) đánh giá không khác nào trò chơi tàu lượn. “Việc lên xuống thất thường thực chất không theo quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường” - ông Hưng cho biết.
Ông Hưng chia lịch sử phát triển ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam thành 3 thời kỳ. Giai đoạn đầu tiên từ 1987-1997 gọi là thị trường “sơ khai lãi khủng”. Giai đoạn này, phần lớn là xuất khẩu con giống, giá cá sấu trồi sụt do thị trường hẹp, cầu cao cung thấp thì giá tăng và ngược lại. Đến giai đoạn 1998-2007, thị trường dạng mạnh được, yếu thua. Lúc này, thương lái Trung Quốc chưa rành thị trường Việt Nam nên giao cho các đầu mối người Việt thu mua. Tình trạng cạnh tranh ép giá lẫn nhau giữa các đầu mối và giữa đầu mối với nông dân trong mỗi chuyển hàng là phổ biến.
Từ 2007 đến nay 2016, các doanh nghiệp, nông dân và các đầu mối thu mua đã mất thế chủ động hoàn toàn.
Cần thành lập Hiệp hội cá sấu
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Chiến - Phó Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn cho rằng thị trường tiêu thụ hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc lợi dụng khó khăn của các hộ nuôi lẻ, số lượng ít không tìm được đầu ra để ép giá, gây bất an cho người nuôi, làm ảnh hưởng sản lượng cá những năm tiếp theo.
Ông Chiến cho rằng phải ngăn chặn không để thương lái thu mua trực tiếp trong dân và làm giá, gây ảnh hưởng đến an ninh kinh tế. Đồng thời, tái đề xuất việc thành lập Hiệp hội cá sấu để tăng cường liên kết, để người nuôi không còn lạc lõng tự bơi giữa dòng như hiện nay.
Trước đó, đề xuất này cũng từng được nêu ra nhưng vì không đủ số lượng thành viên (100 đơn vị) nên ý tưởng tạm gác. Hiện không ít doanh nghiệp đề nghị nên đổi tên thành Hiệp hội bò sát hoặc chỉ lập riêng hiệp hội tại TP.HCM.
Ông Hưng thì lại đề nghị thành lập mô hình một doanh nghiệp chăn nuôi cá sấu trung tâm, hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Trong đó doanh nghiệp trung tâm (tập hợp từ hộ nuôi hoặc doanh nghiệp) hoạt động theo điều lệ, đảm bảo việc bao tiêu và bán sản phẩm của thành viên với giá công khai và hợp lý.
“Tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc là điều tốt nhưng chất lượng hàng xuất khẩu chưa cao do quy trình chăn nuôi ở ta chưa đảm bảo” - ông Ngô Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty Xuất khẩu Ngô Võ phản biện. Theo ông Ánh, Việt Nam còn nuôi theo cách thức hộ gia đình, chuồng trại nuôi hiện tại chưa đảm bảo vệ sinh an toàn, chất lượng da thuộc chưa đảm bảo.
Ông Ánh kể, công ty ông mỗi năm chỉ xuất khẩu 40 – 50 con sang thị trường Nga. Số lượng tuy ít nhưng khi chất lượng đảm bảo từ lô đầu tiên tới cuối cùng, cái lợi nông dân thu về lớn hơn nhiều.
Theo ông Trần Tấn Quý - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, tình hình chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh cá sấu tại TP.HCM không bị ảnh hưởng nặng như các địa phương khác. Đây vẫn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhất là ở những vùng đất nhiễm phèn, trồng lúa không đạt giá trị cao.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao