Tin thủy sản Phú Yên: Bền vững nhờ đa dạng mô hình thủy sản

Phú Yên: Bền vững nhờ đa dạng mô hình thủy sản

Author Anh Vũ, publish date Tuesday. July 11th, 2017

Nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Mô hình nuôi ghép sò huyết, rong câu cho hiệu quả bền vững   Ảnh: CTV

Cấp thiết từ thực trạng

Theo ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, thực trạng môi trường nuôi trồng thủy sản ở nhiều vùng của tỉnh ngày càng xấu đi. Ngoài các biện pháp như quản lý giống thủy sản, đầu vào, quy hoạch, nâng cao các biện pháp kỹ thuật, tăng cường công tác phòng trị bệnh… thì phát triển nuôi trồng thủy sản thông qua việc đa dạng các đối tượng nuôi theo hướng đa dạng sinh học trong từng vùng được xem như là một giải pháp vừa rẻ tiền và hiệu quả kinh tế cao lại vừa tạo sự ổn định bền vững môi trường lâu dài.

Thực tế việc đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài thuộc thị xã Sông Cầu thời gian qua đã chứng minh điều đó; với những đối tượng nuôi được lựa chọn một cách phù hợp và tạo ra sự cân bằng sinh thái tự nhiên cho môi trường sống của chúng. Mặt khác, khi đầu tư đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản thì tất cả đều cho thu nhập và thu hồi chi phí đầu tư trực tiếp qua vụ nuôi đến kỳ thu hoạch, chứ không phải chờ thu hồi giá trị khấu hao như những hình thức đầu tư khác mất thời gian dài và khi gặp rủi ro khó lường. Đó là chưa tính đến khi áp dụng phương thức này thì có một số đối tượng có khả năng cải tạo môi trường một cách tự nhiên, như các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ (vẹm xanh, tu hài, trai ngọc, sò huyết)... hay các loài rong biển có khả năng lọc sinh học trong môi trường nước rất tốt, làm giảm mức độ ô nhiễm hữu cơ ở tầng đáy.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình có áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để triển khai nuôi thử nghiệm, trong đó có một số mô hình thành công.

Trong những năm qua, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá rô phi, rong biển được triển khai tại các xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu) và Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa). Việc nuôi tôm kết hợp cá rô phi sẽ tạo môi trường vùng nuôi trong sạch, hạn chế sự xâm nhập và phát triển của các vi khuẩn gây bệnh tôm. Ngoài ra, cá rô phi còn giúp ổn định tảo, ổn định các chỉ tiêu môi trường như pH, ôxy hòa tan, amoniac… giúp tôm khỏe mạnh và phát triển. Trung tâm còn triển khai mô hình nuôi tôm sú kết hợp cua xanh. Tuy nhiên, mô hình này nên áp dụng tại các vùng nuôi đa dạng hóa, nuôi quảng canh hoặc nuôi sinh thái với mật độ thả thưa và bờ ao nuôi phải chắc chắn, không rò rỉ nước và phải có lưới chắn ở trên. Hay mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm tại xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu). Nhưng còn gặp khó khăn vì ở địa phương chưa có người thu mua hải sâm và nguồn cung cấp giống hải sâm rất hạn chế.

Một mô hình khác cũng do Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai là nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học theo hướng VietGAP tại xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa). Mô hình này áp dụng trước khi chính thức thả nuôi thương phẩm, con giống tôm thẻ chân trắng được ương dưỡng trong ao khoảng 1 tháng. Việc ương dưỡng này giúp đánh giá được chất lượng, đồng thời giúp con giống chống chịu tốt hơn đối với biến động môi trường trong ao nuôi thương phẩm…

Ông Nguyễn Khắc Tân cho biết, những mô hình này khi triển khai ra thực tế người dân đều dễ thực hiện, không đòi hỏi đầu tư vốn lớn, kỹ thuật lại đơn giản. Chẳng hạn nuôi tôm hùm kết hợp tu hài, vẹm xanh; tôm hùm kết hợp trồng rong sụn; tôm sú kết hợp cá rô phi; tôm sú kết hợp vẹm xanh… Hoặc trong cùng một vùng sinh thái có thể nuôi nhiều đối tượng khác nhau phù hợp với đặc điểm sinh học của từng đối tượng ở tầng đáy, tầng giữa, hay tầng mặt. Hay có thể tạo sự đa dạng sinh học cho một vùng nuôi trồng thủy sản bằng cách bố trí mỗi tiểu vùng nuôi một hoặc hai đối tượng, tiểu vùng này nuôi tôm, còn tiểu vùng kia nuôi cá rô phi hay nuôi vẹm xanh… Hoặc bằng cách xen vụ cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn nuôi một vụ tôm, nuôi một vụ cá rô phi để vừa tăng thu nhập vừa cải tạo môi trường…

>> Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, cho biết: Sở đã giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các địa phương và người nuôi lựa chọn các mô hình thủy sản hiệu quả và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ của từng mô hình để nhân rộng. Đồng thời, đề nghị các địa phương có nuôi tôm nước lợ sớm hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết vùng nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát huy tiềm năng để nghề nuôi tôm theo hướng bền vững.


Related news

xac-dinh-tac-nhan-gay-benh-xuat-huyet-tren-ca-lang Xác định tác nhân gây… ca-mau-xac-dinh-nguyen-nhan-khien-ca-bop-chet-hang-loat Cà Mau: Xác định nguyên…