Phun Thuốc Ẩu Vải Thiều “Cháy”
Thời gian gần đây, gần chục ha vải thiều đang ra hoa của nhiều hộ dân ở xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị “cháy” sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Trước thực tế trên, nhóm phóng viên đã đến tìm hiểu nguyên nhân.
Phun thuốc ẩu
Gia đình ông Lâm Văn Bụt ở thôn Dọc Song, xã Biên Sơn có khu vườn rộng 2 mẫu, trồng được 230 cây vải thiều hơn 10 năm tuổi. Cũng giống như nhiều hộ, mới đây, ông Bụt ra cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật trong xã mua thuốc về phun phòng trừ sâu bệnh cho cây trong thời kỳ ra hoa.
Do không đọc hướng dẫn trên bao bì nên chủ cửa hàng đưa cho loại thuốc nào là ông về nhà phun cho vải thiều theo như hướng dẫn của người bán. Tuy nhiên, ngày hôm sau hoa vải thiều của nhà ông có hiện tượng "cháy” khô.
Khi chúng tôi đến tìm hiểu, gia đình ông Bụt vẫn đang dùng nước phun rửa thuốc, đồng thời sử dụng chế phẩm phun kích thích cho hoa vải ra lại. Ông Bụt cho biết, do bản thân trình độ văn hoá thấp lại quá tin tưởng vào người bán thuốc trừ sâu nên để xảy ra tình trạng này.
Khi đọc lại loại thuốc phun trừ nhện COMITE 73 EC thì trên nhãn mác không có khuyến cáo phun cho cây vải thiều thời kỳ ra hoa. Giờ gia đình ông đang cố gắng khắc phục, vớt vát được chút nào hay chút ấy.
Không chỉ có gia đình ông Bụt mà đến nay đã có tổng cộng 15 hộ ở 4 thôn là Dọc Song, Dọc Đình, Tuấn Sơn, Khuôn Cầu của xã Biên Sơn có vườn vải bị "cháy” hoa với tổng diện tích lên đến gần 10 ha. Những gia đình có hoa vải thiều bị "cháy” nhiều, ảnh hưởng đến năng suất như hộ các ông Lương Văn Thơm; Chu Văn Phong ở thôn Dọc Đình, mỗi hộ có tới 1 ha vải thiều. Tất cả các chủ vườn này đều đã sử dụng loại thuốc COMITE 73 EC, chủ yếu được mua tại cửa hàng nhà bà Đoàn Thị Thuý ở thôn Hiệp Sơn, cùng xã để phun trừ nhện cho hoa vải.
Tích cực khắc phục hậu quả
Khi chúng tôi đến quầy hàng bán thuốc bảo vệ thực vật của bà Đoàn Thị Thuý để tìm lời giải thích, bà cho biết: "Ở đây chủ yếu người dân tự chọn loại thuốc trừ sâu rồi mua chứ không hỏi kỹ. Riêng với loại thuốc COMITE 73 EC, tôi đã khuyến cáo bà con phun nhẹ hơn nồng độ quy định nhiều rồi mà vẫn xảy ra "cháy” hoa vải. Hiện phía Công ty sản xuất thuốc đã cử cán bộ lên theo dõi và hỗ trợ bà con một số chế phẩm nhằm kích thích cây vải ra hoa lại”.
Còn ông Trần Đình Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Biên Sơn cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Biên Sơn đã cử cán bộ khuyến nông xã xuống cơ sở lập biên bản hiện trạng, đồng thời báo cáo về Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn và Trạm Bảo vệ thực vật huyện.
Tiếp đó, xã cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xuống cơ sở, tìm hiểu rõ căn nguyên gây ra hiện tượng "cháy” hoa vải thiều của người dân; chỉ đạo cán bộ khuyến nông tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân về biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây vải thiều trong thời kỳ ra hoa, đặc biệt là khuyến cáo cho bà con không sử dụng thuốc COMITE 73 EC để phun cho cây vải thiều trong thời kỳ này.
Riêng với các hộ bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, xã đã nhắc nhở họ không được tiếp tục bán và chỉ dẫn cho bà con phun loại thuốc này cho hoa vải thiều.
Trao đổi với bà Phạm Thị Nhĩ, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện được biết, loại thuốc trừ sâu COMITE 73 EC không nằm trong danh mục thuốc cấm lưu hành trên thị trường. Thực tế đây là thuốc trừ nhện chỉ được công ty sản xuất khuyến cáo phun trên cây cam, bưởi. Khi bà con sử dụng phun cho cây vải thuốc gây nóng và cháy hoa.
Sau khi cho cán bộ xuống xã Biên Sơn kiểm tra, Trạm đã hướng dẫn cho bà con cách khắc phục như xịt nước rửa hoa vải và sử dụng một số chế phẩm kích thích hoa vải thiều ra lại nên thiệt hại sẽ không đáng kể.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, diện tích hoa vải thiều đã bị "cháy” do người dân phun thuốc bảo vệ thực vật không đúng mặc dù hoa có thể ra lại nhưng bông không dài và rất yếu, dễ bị rụng khi có lực tác động nhẹ. Do vậy, ảnh hưởng đến năng suất là không tránh khỏi.
Trước sự việc đáng tiếc trên, Trạm Bảo vệ thực vật và đội ngũ cán bộ khuyến nông xã cần tích cực tuyên truyền và tổ chức tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhất là trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên cây vải thiều.
Cùng đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà quên đi lợi ích của nông dân. Người trồng vải nên tự trang bị kiến thức cho mình, không thể đặt toàn bộ niềm tin vào người bán thuốc bảo vệ thực vật, để rồi "tiền mất tật mang”.
Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lục Ngạn cho biết, nguyên nhân gây "cháy” hoa vải là do bà con đã phun thuốc trừ nhện COMITE 73 EC. Đây là loại thuốc trừ sâu không được công ty sản xuất khuyến cáo phun cho cây vải thiều thời kỳ này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao