Tin nông nghiệp Quản lý sâu bệnh hại cây có múi

Quản lý sâu bệnh hại cây có múi

Author Hồng Huệ, publish date Tuesday. April 20th, 2021

Vàng lá thối rễ, chết xanh là những bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của cây trồng, đặc biệt là cây có múi, với tỉ lệ chết cây rất cao.

Cây bưởi bị bệnh vàng lá thối rễ.

Để khôi phục lại vườn cây có múi, ngành chức năng xây dựng quy trình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ và khuyến cáo nhà vườn thực hiện. Cụ thể, nông dân thực hiện các biện pháp cải thiện đất, áp dụng việc xẻ rãnh xương cá để tránh úng nước trong mùa mưa; xeo đất qua khỏi lớp sét.

Sau quá trình xeo đất, nông dân bón vôi quét tường (CaO) vào giai đoạn trước xử lý ra hoa với số lượng 250 gram/gốc. Sau quy trình xử lý ra hoa sẽ bón với số lượng 150 gram/gốc (bón 4-5 lần, khoảng 2 tháng/lần).

Ngoài ra, bón Dolomite (dạng Calmag) cùng lúc với tro, trấu để các rãnh xeo không líp lại với số lượng 2 - 4 kg/gốc. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình canh tác, nông dân thường xuyên sử dụng phân hữu cơ để đất được tơi xốp với số lượng khoảng 10 kg/gốc/năm…

Với giải pháp trên, nhiều bà con ở ĐBSCL thực hiện làm theo và đã cho hiệu quả tốt, cây phục hồi và bắt đầu cho trái trở lại. Việc áp dụng giải pháp này còn tiết kiệm hơn 40% chi phí sản xuất.

Các nhà khoa học khuyến cáo, chỉ số pH có ảnh hưởng quan trọng đến sự sinh trưởng phát triển của cây trồng nói chung, cây có múi nói riêng. Quá trình canh tác, nhà vườn cần bổ sung vôi hoặc các loại phân bón có chứa canxi cao như Đầu Trâu mặn phèn là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc nâng pH cũng cần phải nâng dần dần vì bón lượng vôi lớn có thể gây sốc ảnh hưởng sự sinh trưởng phát triển của cây, đặc biệt là giai đoạn cây đang mang trái, vì có thể gây rụng trái.

Đối với, sâu bệnh hại trên cây có múi cần phòng trị bằng các giải pháp sinh học như quét vôi gốc phòng nấm bệnh, kết hợp áp dụng giải pháp đặt bẫy dẫn dụ trong vườn để dự báo và phòng ngừa rầy chổng cánh và rầy mềm thường xuyên ở các đợt ra đọt non. Tỉa cành tạo tán giúp thông thoáng, vệ sinh cỏ gần gốc để hạn chế bệnh do nấm Phytophthora gây ra…

Ngoài ra, cần chú ý đối phó với một số sâu bệnh phổ biến như:

Sâu vẽ bùa: Gây hại trên các chồi và lá non, các đường đục của sâu vẽ bùa còn tạo điều kiện cho vi khuẩn Xanthomonas campestris xâm nhập gây bệnh loét, làm lá bị rụng. Bên cạnh các thiên địch là các loài ong, kiến vàng thì nếu mật độ nhiều có thể sử dụng biện pháp BVTV như dùng thuốc trừ sâu Đầu Trâu Bihopper 270EC. Sản phẩm chứa hoạt chất Abamectin và Petroleum oil. Hoạt chất Petroleum oil (dầu khoáng) có khả năng bao bọc lấy trứng sâu vẽ bùa, và ngay cả với sâu non. Hoạt chất này sẽ giúp bao lại đường hầm trên lá bị sâu đục khiến sâu bị ngộp, trứng thiếu oxy sẽ không nở được. Đồng thời, cơ chế hoạt động của Petroleum oil là khi phun dầu sẽ bám vào lá, nước rớt xuống, lá được tráng một lớp dầu sẽ giúp cây ít bệnh. Nhà vườn có thể phun trên thân, lá, cành hay tưới gốc, với liều lượng 0,08-0,1% (tương đương pha 20-25 ml/25 lít nước)

Rệp sáp: Chích hút lá, cành, trái, cuống trái. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng, cành bị khô và chết, trái cũng có thể bị biến màu, phát triển kém và bị rụng. Nhà vườn nên kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp sáp kịp thời nhất là giai đoạn cây đang có đọt non, lá non, bông, trái non. Cụ thể, dùng thuốc trừ sâu Đầu Trâu Bihopper 270EC, pha 20-25 ml/25 lít nước, phun trên thân, lá, cành hay tưới gốc.

Bệnh vàng lá, thối rễ: Dùng Chế phẩm sinh học Bima (nấm đối kháng Trichoderma loại 500 gram); Cách sử dụng: phun hoặc tưới vào thân, rễ; với liều lượng pha 1-2 kg/100 lít nước phun/tưới cho 1.000 m2; phun/tưới 2-3 lần/năm, mỗi lần cách nhau 4-6 tháng.

Ngoài ra, các nhà khoa học khuyến cáo, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, với từng vùng đất khác nhau, thì cùng với giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây, chế độ bón phân cân đối là rất quan trọng để vườn cây khỏe, tăng khả năng đề kháng, chống chịu và sinh lợi nhuận bền vững. 


Related news

phong-tru-ray-phan-trang-tren-cay-oi Phòng trừ rầy phấn trắng… cong-nghe-sinh-hoc-nang-cao-nang-suat-rung-trong-go-lon Công nghệ sinh học nâng…