Tin thủy sản Quảng Ngãi suy kiệt nguồn nước ngầm vì nuôi tôm trên cát

Quảng Ngãi suy kiệt nguồn nước ngầm vì nuôi tôm trên cát

Author ĐÔNG YÊN, publish date Tuesday. June 21st, 2016

Không thể phủ nhận lợi nhuận mà nghề nuôi tôm trên cát mang lại, song hệ lụy môi trường từ nghề này cũng đang khiến các ngành chức năng phải suy nghĩ. Bởi theo tính toán của Trung tâm giống Quảng Ngãi, nhu cầu nước ngọt cho một hécta nuôi tôm trên cát một vụ là 60.000 - 90.000m3. Đây là con số không hề nhỏ đối với các địa phương ven biển, nhất là khi tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt tại các vùng ven biển đang có chiều hướng gia tăng.

Tại các xã bãi ngang ven biển huyện Mộ Đức, kể từ khi nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát "bén duyên" ở vùng đất này, mạch nước ngầm tại các xã từ Đức Thắng – Đức Phong đã bị ảnh hưởng đáng kể. Thời điểm hưng thịnh, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển Mộ Đức lên đến 100ha. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, có ít nhất 6 triệu m3 nước ngầm bị hồ tôm “nuốt chửng” mỗi vụ (từ 2,5 - 3 tháng).

Ông Nguyễn Văn Trai, người có thâm niên nuôi tôm trên cát hơn 5 năm ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) cho biết: "Với mỗi ao nuôi rộng 1.000m2, chúng tôi phải pha thêm 1.500m3 nước ngọt. Suốt quá trình nuôi, chúng tôi phải thay nước liên tục để đảm bảo tôm sinh trưởng, phát triển tốt”. Để đáp ứng nhu cầu về nước ngọt trong nuôi tôm, ngoài tiêu tốn chi phí đầu tư vào hồ nuôi, các chủ hồ phải đầu tư thêm kinh phí khoan giếng tìm nước ngọt. Thậm chí, nhiều hộ còn khoan giếng và nối đường ống vào rừng phòng hộ để dẫn nước về hồ. Chính điều đó, đã khiến mạch nước ngầm ven biển Mộ Đức đang bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và sự an toàn của rừng phi lao phòng hộ ven biển.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết, tình trạng người dân dùng nước ngọt để nuôi tôm trên cát đang “đe dọa” đến 1.000ha rừng phòng hộ ven biển tại địa phương. Nếu mạch nước ngầm tiếp tục sụt giảm, rừng cây phi lao ven biển sẽ chết do thiếu nước ngọt. Đây cũng là điều mà địa phương lo ngại nhất.

Không chỉ khiến mạch nước ngầm bị suy kiệt, hoạt động nuôi tôm trên cát còn dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường biển, nhất là chất thải. Theo tính toán sơ bộ của ông Nguyễn Hữu Hoàng - Trưởng Phòng Kỹ thuật - Dịch vụ (Trung tâm giống tỉnh Quảng Ngãi), bình quân mỗi hécta nuôi tôm trên cát thải ra hơn 5 tấn chất thải rắn như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, thức ăn dư thừa, cùng hàng nghìn mét khối nước thải, khiến môi trường tại các vùng đất cát ven biển xuống cấp rất nhanh chóng.

Suy kiệt nguồn nước ngầm vốn đã khan hiếm tại các địa phương ven biển, gây ô nhiễm môi trường biển và đe dọa đến sự an toàn của rừng phòng hộ... là hàng loạt những vấn đề mà các ngành chức năng cần đặc biệt lưu tâm để có những động thái tích cực trong kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nuôi tôm tự phát tại các địa phương ven biển hiện nay.


Related news

bac-si-chuyen-tri-benh-may-tau Bác sĩ chuyên trị bệnh… som-mua-tam-tru-200-000-tan-muoi-cho-diem-dan Sớm mua tạm trữ 200.000…