Tin thủy sản Quảng Trị tích cực phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi

Quảng Trị tích cực phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi

Author HUY NAM, publish date Tuesday. July 12th, 2016

Kết quả kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm cho thấy tất cả tôm nuôi đều bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng. Để khống chế, không để dịch bệnh trên tôm nuôi lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Với 1,1ha mặt hồ, vụ nuôi tôm năm nay gia đình ông Lê Xuân Vưỡng ở thôn 8, xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong) thả trên 80 vạn con giống tôm thẻ chân trắng. Có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm nhưng chưa bao giờ ông Vưỡng lại chứng kiến cảnh tôm nhiễm bệnh và chết nhanh đến như vậy.

“Tôm đang phát triển bình thường, ăn khỏe nhưng chỉ chưa đầy một ngày sau đã chết nổi trắng cả mặt hồ mà không hiểu lý do vì sao. Ngay sau đó tôi đã báo cáo tình hình với cán bộ thú y địa phương và đã được ngành chức năng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, kết luận tôm bị bệnh hoại tử gan cấp tính. Tôm chết khi mới nuôi được một tháng đã khiến gia đình tôi mất trắng hơn 200 triệu đồng, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải tình trạng này”, ông Vưỡng ngao ngán nói.

Ông Hoàng Kim Độ ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải (huyện Gio Linh) thả trên 90 vạn con giống tôm thẻ chân trắng ở 3 hồ nuôi với tổng diện tích gần 1,2 ha. Sau 20 ngày nuôi, cả 3 hồ tôm đều chết sạch do nhiễm bệnh. “Cũng đã mấy lần gặp phải tình trạng tôm nhiễm bệnh rồi chết nhưng lần này bệnh diễn biến quá nhanh nên không kịp trở tay.

Cũng may là cả mấy hồ tôm của gia đình đều có thời gian nuôi chưa dài nên thiệt hại kinh tế cũng đỡ đôi chút. Ở đây có mấy hộ nuôi trên 1 tháng, chi phí thức ăn, tiền điện nhiều, khi tôm nhiễm bệnh chết thì cầm chắc là trắng tay”, ông Độ cho biết.

Ông Lê Xuân Vưỡng và ông Hoàng Kim Độ đều là những hộ nuôi tôm được cơ quan chức năng hỗ trợ hóa chất chlorine để thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng và phòng, chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Ngay từ đầu năm 2016, dịch bệnh trên tôm nuôi đã diễn ra ở hầu hết các vùng nuôi tôm trọng điểm ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà. So với cùng kỳ năm 2015, diện tích tôm nhiễm bệnh cao bất thường, tốc độ lây lan rất nhanh.

Từ đầu tháng 6 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục diễn biến phức tạp với gần hơn 70ha bị nhiễm bệnh, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Để kịp thời phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chống dịch bệnh thủy sản, đồng thời tích cực chỉ đạo, triển khai các công việc liên quan, nhất là tập trung cho công tác phối hợp với các địa phương có diện tích nuôi tôm tuyên truyền và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức cấp phát cho các địa phương 20 tấn hóa chất chlorine trong tháng 4 và tháng 5 để kịp thời bao vây, khống chế dịch bệnh, hạn chế lây lan trên diện rộng…

Ông Hồ Soái, Trưởng Trạm Thú y huyện Triệu Phong cho biết, bệnh trên tôm nuôi xuất hiện hầu hết ở các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trọng điểm của địa phương gồm các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Phước với tổng diện tích trên 85 ha. Trong đó, xã Triệu Phước hơn 50 ha, Triệu An 13,1ha, Triệu Vân 5,7ha, Triệu Lăng 5,5 ha.

Ngay sau khi xuất hiện bệnh trên tôm, Trạm Thú y huyện đã cùng với cán bộ thú y các xã triển khai công tác kiểm tra, xác minh dịch bệnh; cử cán bộ thông tin, hướng dẫn các hộ nuôi tôm thực hiện ngay các biện pháp quản lý hồ nuôi nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan; kịp thời cấp phát hơn 10 tấn hóa chất chlorine cho các hộ dân thực hiện tiêu độc, khử trùng các hồ nuôi tôm bị dịch bệnh.

“Với diễn biến bệnh và tình hình thời tiết thất thường như hiện nay, khả năng dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ diễn ra phức tạp, lây lan trên diện rộng. Điều mà chúng tôi cần nhất hiện nay là được cấp phát thêm hóa chất chlorine để tiếp tục hỗ trợ nông dân triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh”, ông Soái nói.

Ông Soái cũng cho rằng, để phòng, chống dịch bệnh trên tôm một cách hiệu quả, lâu dài, người nuôi tôm cần phải thay đổi tư duy nuôi theo kiểu tự phát và tuân thủ đúng lịch thời vụ. Chú trọng kiểm soát tôm giống trước khi thả tôm; không thả mật độ giống quá dày, cho tôm ăn thức ăn quá nhiều vì sẽ làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh. Khi phát hiện tôm bị chết, cần thông báo ngay cho chính quyền và cơ quan chức năng biết để được hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân và cùng xử lý dịch bệnh…

Theo ông Trần Hoãn, Chi cục phó Chi cục Thú y và Chăn nuôi, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm, UBND tỉnh đã trích dự phòng ngân sách tỉnh số tiền 820 triệu đồng bố trí cho đơn vị mua hóa chất chlorine.

Để được xem xét hỗ trợ hóa chất chlorine phòng, chống dịch bệnh, ngay sau khi phát hiện triệu chứng bệnh trên tôm, hộ nuôi tôm trong vùng quy hoạch không được xả nước thải trực tiếp ra môi trường khi chưa qua xử lý và phải báo ngay cho cán bộ thú y xã.

Trên cơ sở này, Chi cục Thú y và Chăn nuôi, Trạm Thú ý huyện sẽ lấy mẫu, xét nghiệm, khi có kết quả dương tính với mầm bệnh (nằm trong danh sách quy định) sẽ hướng dẫn UBND xã làm các thủ tục gửi các cơ quan chức năng đề xuất cấp phát hóa chất chlorine cho các hộ nuôi tôm.

Ông Hoãn khuyến cáo: “Đối với những diện tích tôm nuôi chưa có triệu chứng bệnh, bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm, thường xuyên kiểm tra môi trường nước; bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Cần dùng lưới rào chắn quanh hồ, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào hồ, xử lý nước trước khi cấp vào hồ. Những hộ đã xử lý môi trường sau khi nhiễm bệnh và cải tạo lại hồ không nên tiếp tục thả lại giống mới khi các hồ xung quanh đang bị bệnh. Hạn chế đi lại từ vùng có tôm bị bệnh sang các vùng nuôi tôm khác”.


Related news

nguoi-nuoi-so-huyet-dang-gap-kho Người nuôi sò huyết đang… thieu-von-kho-bo-viec-huy-diet-hai-san Thiếu vốn, khó bỏ việc...…