Tin thủy sản Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020

Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020

Author Khánh Linh, publish date Tuesday. May 17th, 2016

Mục tiêu đặt ra là phát triển nuôi cá rô phi thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững với sản phẩm đa dạng, giá trị cao để đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; sản xuất đủ con giống chất lượng cao cung cấp cho nuôi thương phẩm, môi trường dịch bệnh trong sản xuất được kiểm soát, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, đến năm 2020, phấn đấu diện tích nuôi cá rô phi tại các vùng trên cả nước đạt 33.000 ha và 1.500.000m3 lồng nuôi trên sông và hồ chứa lớn. Sản lượng cá rô phi đạt 300.000 tấn, trong đó 50 - 60% sản lượng đủ tiêu chuẩn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Sản xuất được 100% nhu cầu về số lượng và chất lượng con giống sạch bệnh phục vụ nuôi thương phẩm. Tạo công ăn việc làm cho khoảng 54.000 lao động trực tiếp và 5.000 lao động gián tiếp.

Định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi cá rô phi đạt 40.000 ha và 1.800.000m3 lồng nuôi trên hệ thống sông và hồ chứa lớn. Sản lượng cá rô phi đạt 400.000 tấn, trong đó 45 - 50% sản lượng cá rô phi phục vụ xuất khẩu. Tạo công ăn việc làm cho khoảng 67.000 lao động trực tiếp và 8.000 lao động gián tiếp.

Về đối tượng nuôi, tập trung phát triển sản xuất 3 loài cá rô phi: cá rô phi Vằn; cá rô phi lai khác loài giữa rô phi Vằn và rô phi Xanh; cá rô phi Đỏ.

Quy hoạch sản xuất cá rô phi theo 7 vùng sinh thái

Theo Quyết định, cá rô phi được tập trung phát triển theo 7 vùng sinh thái gồm: Vùng Trung du miền núi phía Bắc; vùng Đồng bằng Bắc bộ; vùng Bắc Trung Bộ; vùng Nam Trung bộ; các tỉnh Tây Nguyên; vùng Đông Nam bộ; vùng Tây Nam bộ.

Quyết định cũng nêu rõ những giải pháp để thực hiện quy hoạch. Theo đó, đầu tư nghiên cứu phát triển giống cá rô phi mới chất lượng cao, sinh trưởng nhanh trong môi trường nuôi nước ngọt và nước lợ, chống chịu tốt với các bệnh phổ biến, tỷ lệ fillet cao. Tạo được tập đoàn cá rô phi giống tốt, đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm. Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài để nhập đàn cá bố mẹ có chất lượng tốt làm vật liệu chọn giống.

Về đầu tư và tín dụng, các tổ chức, cá nhân được vay vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh cá rô phi theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư ngân sách nhà nước từ nguồn các chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngân sách khoa học công nghệ cấp tỉnh, thành phố cho các nghiên cứu phát triển giống cá rô phi chất lượng cao.

Về xúc tiến thương mại, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa cá rô phi Việt Nam với thông tin đầy đủ về chất lượng, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường đến khách hàng ở các thị trường tiêu thụ trọng điểm thông qua các hoạt động triển lãm, hội chợ, quảng cáo.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất cá rô phi xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác các sản phẩm cá rô phi Việt Nam, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ đáp ứng thị hiếu và lòng tin của người tiêu dùng.


Related news

ba-do-dac-luc-cua-nong-ngu-dan Bà đỡ đắc lực của… te-nuoc-theo-su-co-ca-chet-ep-gia-hai-san Té nước... theo sự cố…