Tin nông nghiệp Quy trình kỹ thuật trồng cây dâu tây (Phần 3)

Quy trình kỹ thuật trồng cây dâu tây (Phần 3)

Author Sở NN-PTNT Lâm Đồng, publish date Tuesday. August 14th, 2018

IV/ Sâu hại và biện pháp phòng trừ:

1. Nhện đỏ: Tetranycus Urticae

- Triệu chứng: tấn công mặt dưới lá, làm cho lá non bị chuyển sang màu vàng, là bị khô do cạn kiệt về dinh dưỡng, nhện tấn công lên hoa làm cho nhị hoa bị chết không kết quả được.

- Đặc điểm gây hại: Cả trưởng thành và ấu trùng đều sống tập trung ở mặt dưới phiến lá của những lá non đang chuyển dần sang giai đoạn bánh tẻ.

Nhện gây hại bằng cách chích hút dịch của mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ từng đám, hơi nâu ở phía dưới lá. Ta có thể thấy một lớp mạng nhện nhỏ, mịn ở mặt dưới của lá. Nếu gặp điều kiện thuận lợi nhện sinh sản rất nhanh, mật độ có thể lên đến vài chục con trên một lá, làm cho từng mảng lá bị vàng,  khô cháy.

Hoa và trái cũng bị nhện gây hại. Nhện đỏ hút chất dinh dưỡng trong trái làm cho trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn. hoa có thể bị thui, rụng.

- Đặc điểm hình thái và quy luật phát sinh:

Nhện đỏ có kích thước cơ thể rất nhỏ, lấm tấm như cám, mắt thường khó phát hiện. nhện trưởng thành dài 0,5-1mm, màu hồng, đỏ nhạt, hình cầu (con cái), con đực nhỏ hơn, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở đuôi, hai đốt cuối màu đỏ chói, trên mình và thân có nhiều lông cứng. Giai đoạn trưởng thành thường kéo dài từ 10-14 ngày.

Con trưởng thành đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới phiến lá. Qua kính lúp sẽ thấy trứng hình tròn, lúc mới đẻ có màu trắng hồng, sau đó hoàn toàn chuyển sang màu hồng.

Trứng sau khi đẻ khoảng 4-5 ngày sẽ nở thành nhện non. Ấu trùng có màu xanh lợt, lúc mới nở chỉ có 6 chân, từ tuổi 2 trở đi cho đến khi trưởng thành chúng có 8 chân. Giai đoạn ấu trùng khoảng 6-9 ngày. Mỗi con cái đẻ 1 lần từ 50-100 trứng.

Nhện đỏ thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa.

Nhện đỏ lan truyền nhờ gió, nhờ những sợi tơ, mạng nhện mà chúng tạo ra

- Phòng trừ: Dùng thiên địch, thuốc trừ nhện Nissorun, Comite, Ortus, Oramíte,…

2. Bọ trĩ: Thrip tabaci

- Đặc điểm hình thái: Trưởng thành nhỏ, màu vàng xám, trứng được đẻ trong mô ở các bộ phận non của cây, bọ trĩ cái đẻ trứng được 40-50 trứng.

Bọ trĩ non màu vàng nhạt, sống gây hại chung với bọ trĩ trưởng thành. Bọ trĩ thuộc loại côn trùng biến thái trung gian, bọ trĩ non chuyển sang giai đoạn nhộng giả có thể ở trong lá khô hay vỏ cây, nhưng chủ yếu vẫn là ở trong đất.

Vòng đời của bọ trĩ là 17-20 ngày, một năm có thể có khoảng 20 thế hệ bọ trĩ hoàn thành chu kỳ phát triển.

- Đặc điểm gây hại quy luật phát sinh: Bọ trĩ gây hại chủ yếu trên hoa làm cho quả bị nhỏ, biến dạng. Ngoài ra chúng còn hại lá, búp non và thân, chích hút nhựa làm cây suy kiệt, giảm năng suất thu hoạch. Hoa bị hại chuyển màu nâu. Tuy nhiên trái non vẫn tiếp tục lớn nhưng có màu vàng đồng. Những trái bị triệu chứng này thường nhỏ và cứng, đồng thời những hạt trên bề mặt trái dâu bị lồi ra, bề mặt trái dâu bị rạn và có màu đồng. Nếu cây bị nhiễm nhẹ thì cây bên cạnh không bị ảnh hưởng, nếu cây và trái chín bị nhiễm quá nặng thì bọ trĩ sẽ chuyển sang tấn công những cây bên cạnh và có thể lây lan trên khắp vườn dâu.

- Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Bón phân đầy đủ, cân đối, tỉa bớt lá già, thu gom tiêu hủy tàn dư.

Biện pháp hóa học: Hiện nay, Chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ đối tượng này. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Abamectin; Abamectin + Chlorfluazuron; + Abamectin + Emamectin benzoate; Abamectin 1.8% + Matrine 0.2%.

3. Sên, nhớt (Helix aspersa)

- Đặc điểm hình thái và quy luật phát sinh: Vỏ ốc mỏng, có 4 đến 5 vòng xoắn, màu sắc thay đổi nhưng thường màu xám hạt dẻ nhạt, hay nâu có những vệt hay đốm vàng. Thân ốc mềm và nhớt màu nâu xám, thu hết vào bên trong vỏ khi không hoạt động. Khi hoạt động sên thò đầu và chân ra khỏi vỏ, đầu có 2 đôi râu vòi. Các râu vòi có thể thu rút vào trong đầu. Sên thuộc loai động vật ăn cỏ, ăn vào ban đêm, chúng ăn nhiều loại cây cỏ khác nhau.

- Đặc điểm gây hại: Ốc sên thường xuyên có mặt trên đồng ruộng, nhưng khi trời nắng thì chúng ẩn nấp ở nơi có bóng mát và ẩm ướt như lá chết, nilon, đá để đẻ trứng. Vào ban đêm hoặc vào những ngày mưa ốc sên và nhớt bò ra ngoài để gây hại. Những vết tổn thương này làm giảm đáng kể giá trị của trái và tạo điều kiện để nấm bệnh xâm nhập và phát triển.

- Biện pháp phòng trừ: Luôn giữ vườn dâu thông thoáng, tránh ẩm độ không khí cao trên ruộng. Trong quá trình canh tác tỉa lá, thu trái nếu phát hiện sên, nhớt phải thu bắt. Thu gom toàn bộ gạch, đá…trên ruộng để hạn chế nơi cư trú của các loài sên nhớt. Sử dụng can nhựa có hòa các chất như bả bia hoặc sữa chua để bẫy sên nhớt trên vườn dâu.

Hiện nay, chưa có thuốc BVTV đăng ký để trừ sên nhớt hại dâu tây.

V/ Phòng trừ dịch hại tổng hợp

Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM

1. Biện pháp canh tác kỹ thuật: Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cắt tỉa các lá già vàng úa tiêu hủy, luân canh cây trồng khác họ, chọn giống khỏe, sức đề kháng sâu bệnh tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh. Chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây. Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh

Thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng

2. Biện pháp sinh học:  Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm…Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh

3. Biện pháp vật lý: Sử dụng bẫy màu vàng, bôi các chất bám dính: dùng nhựa thông (Colophan) nấu trộn với nhớt xe theo tỉ lệ 4/6,  bẫy Pheromone dẫn dụ côn trùng

Có thể sử dụng lưới ruồi cao từ 1,5-1,8m che chắn xung quanh vườn hạn chế ruồi đục lá, sâu, côn trùng gây hại bay từ vườn khác sang

4. Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc phải cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc) và nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Phun khi bệnh chớm xuất hiện

Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau:

+ Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau

+ Chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người

+ Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc)

VI/ Thu hoạch, phân loại và xử lý bảo quản sau thu hoạch:

Dâu tây không chín thêm sau khi thu hoạch, do đó, để đạt chất lượng tốt nhất nên thu hoạch dâu tây khi quả đã chín (trái đã chuyển sang màu đỏ đều).

Phân loại và đóng gói dâu tây theo yêu cầu của khách hàng, tốt nhất đóng dâu trong các hộp đặc biệt, tránh để các trái dâu tiếp xúc và cọ xát lẫn nhau.

Trái dâu tây không bảo quản được lâu và chỉ nên bảo quản trong vài ngày, khi thu hoạch xong tốt nhất phải bảo quản và vận chuyển trong điều kiện lạnh.

Trái dâu tây rất dễ bị giập nát khi thu hoạch và vận chuyển phải chú ý thao tác nhẹ nhàng, tránh giập nát.


Related news

quy-trinh-ky-thuat-trong-cai-cu-phan-3 Quy trình kỹ thuật trồng… nong-dan-dau-tien-trong-cay-ty-do Nông dân đầu tiên trồng…