Mô hình kinh tế Rau An Toàn Bí “Đầu Ra”

Rau An Toàn Bí “Đầu Ra”

Publish date Tuesday. June 26th, 2012

Trước những lo ngại về thực phẩm “bẩn”, rau xanh nhiễm các hóa chất độc hại ngày càng nóng bỏng, rau an toàn là mặt hàng nông sản được nhiều người tiêu dùng trông đợi. Vậy nhưng nghịch lý ở các vựa rau an toàn hiện nay là sản phẩm làm ra lại không bán được.


Nhu cầu lớn


Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay trong cả nước đã hình thành nhiều khu vực chuyên sản xuất rau an toàn như Hà Nội, Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hải Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng), TPHCM...


Theo quy định, rau an toàn được trồng theo quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hoạt chất kích thích. Bởi vậy, giá thành sản xuất rau an toàn cao hơn rau thường tới 40% - 50%.


Rất ít khách hàng hào hứng với rau an toàn.


Chính vì lẽ đó, nhu cầu của người tiêu dùng về rau an toàn hiện nay rất lớn. Theo TS Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn chính sách chiến lược thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - ISARD, chẳng hạn như ở thị trường Hà Nội, hiện nay nhu cầu tiêu thụ của riêng khu vực nội thành đã lên tới 1.500 tấn/ngày. Tại các thị trường lớn như TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai... lượng rau xanh cũng không đủ tiêu dùng.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, gần 90% người tiêu dùng đánh giá rau an toàn là quan trọng nhất trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình và đa số người tiêu dùng đều chấp nhận mua rau an toàn với mức giá cao hơn rau thông thường từ 10% - 20%, thậm chí đến 50%.


Người tiêu dùng còn e ngại


Nhưng theo Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, bi kịch hiện nay ở nhiều vựa rau an toàn trong cả nước lại là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá bán không như mong đợi, người trồng rau và doanh nghiệp lỗ.


Theo khảo sát thì mới chỉ có 15% - 20% lượng rau an toàn được tiêu thụ qua các bếp ăn, siêu thị, cửa hàng. Còn lại phần lớn được tiêu thụ tại các tỉnh lẻ, chợ lân cận, giá bán chỉ tương đương với rau sản xuất đại trà. Vì vậy, người dân ở nhiều vùng rau an toàn hiện nay tỏ ra không hào hứng với rau an toàn nữa. Nguyên nhân là do hiện nay người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau thường, “rau sạch”, “rau bẩn” khác nhau thế nào. Vẫn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, có tới 90% người tiêu dùng trả lời không thể phân biệt được rau an toàn và rau không an toàn bằng mắt thường.


Trong khi đó, cho tới nay chúng ta vẫn chưa có một chứng nhận đủ mạnh từ các cơ quan kiểm soát để giúp cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất đưa ra phân biệt về rau an toàn, vùng rau an toàn. Vì thế, lợi dụng nhu cầu rau an toàn ngày càng tăng, giá rau an toàn cao hơn nên nhiều cơ sở kinh doanh, trồng trọt đã cố tình lập lờ gian lận, đánh tráo để lừa người tiêu dùng. Những năm qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ trà trộn, hoặc cố tình gắn nhãn mác rau an toàn cho rau thường để kiếm lời. Chính sự nhập nhèm giữa rau an toàn và rau đại trà đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào độ “an toàn” của rau an toàn.


Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhảy vào đầu tư trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn, nhưng gặp khó khăn do “đầu ra” kém. Vì vậy, cần phải minh bạch hóa thị trường rau an toàn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh yên tâm phát triển “dòng” rau an toàn.


TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp đã đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng tập trung theo khu vực (gọi tắt là PGS), tạo điều kiện để người nông dân và người tiêu dùng có thể tham gia vào việc kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng sản phẩm.


Theo ông, PGS cũng giống như VietGAP là quy tắc hành động đúng mà nhà sản xuất, sơ chế phải áp dụng để loại trừ các mối nguy có thể xảy ra từ khi bắt đầu sản xuất đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ. PGS có nhiều tính ưu việt, có thể khắc phục được nhược điểm hiện nay của VietGAP. Tuy nhiên, điều quan trọng phải là hoàn thiện hệ thống giám sát việc sản xuất và kinh doanh rau an toàn cũng như thực phẩm hiện nay, tăng mức xử lý vi phạm để làm trong sạch thị trường thực phẩm.


Nỗi lo rau “bẩn”


Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu năm 2012 đến tháng 6-2012, đã thu thập 415 mẫu rau, quả để phân tích, kết quả phát hiện có tới 105 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm 2011, cơ quan này cũng đã tổ chức 70 lượt kiểm tra các cơ sở sơ chế và cửa hàng kinh doanh rau an toàn. Trong số 110 mẫu rau an toàn các loại được thu thập để kiểm tra chất lượng, phát hiện 5 mẫu có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép. Do chưa có quy định bắt buộc người trồng rau, kinh doanh rau phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên khi phát hiện mẫu rau có dư lượng thuốc trừ sâu quá quy định cũng không thể truy nguyên nguồn gốc để xử lý nơi sản xuất.


Related news

phat-trien-vung-trong-cay-duoc-lieu Phát Triển Vùng Trồng Cây… ma-tran-thi-truong-cay-giong “Ma Trận” Thị Trường Cây…