Mô hình kinh tế Rau An Toàn Vẫn Bí Đầu Ra

Rau An Toàn Vẫn Bí Đầu Ra

Publish date Thursday. May 15th, 2014

Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh có 15 đơn vị được cấp giấy phép đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó, nhiều đơn vị đã sản xuất và cung cấp rau an toàn cho thị trường. Để biết rõ hơn về rau an toàn, chúng tôi tới Quảng Yên tìm hiểu quy trình sản xuất rau an toàn nơi đây.

Chúng tôi đến HTX Sản xuất rau an toàn Tiền An, chị Đàm Thị Huế, một trong những hộ nông dân tham gia mô hình trồng rau an toàn của HTX cho biết: “Nhà tôi có 7 sào ruộng, trước đây tôi trồng xen canh một vụ lúa và một vụ rau. Từ khi tham gia vào mô hình rau an toàn này, tôi được tham gia các lớp tập huấn về quy trình sản xuất như cách làm đất, các độc tố có trong rau, như: Kim loại nặng, chì, kẽm, thuỷ ngân… hoặc hàm lượng các loại đạm Nitrat (No3-) dư thừa trong các loại rau, củ quả; cách pha chế, cách trồng và chăm sóc sao cho phù hợp đủ độ an toàn. Trước khi trồng rau an toàn, tôi cũng nghĩ đơn giản như trồng rau thông thường, nhưng khi được đi tập huấn mới thấy nó hoàn toàn khác biệt nhau”.

Dừng phun thuốc chống sâu bệnh trên ruộng rau của mình, chị Phạm Thị Điểm cho biết thêm: “Chúng tôi phun thuốc tuỳ vào mỗi loại rau khác nhau, chủ yếu sử dụng thuốc vi sinh vật, hạn chế sử dụng thuốc có độc tố cao. Mỗi khi sử dụng các loại thuốc để phun trên cây rau tôi đều ghi rõ vào sổ nhật ký đồng ruộng của mình để tiện theo dõi”.

Quy trình sản xuất của người nông dân cũng được các đơn vị phân phối theo dõi sát sao. Tại khu chế biến rau an toàn của Công ty Việt Long (phường Cộng Hoà, TX Quảng Yên), chị Lê Thị Nguyệt, cán bộ kỹ thuật phụ trách quy trình sản xuất rau cho hay: “Hiện nay, chúng tôi đang sản xuất rau theo quy trình khép kín với tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có sự cam kết giữa người nông dân và doanh nghiệp từ khâu làm đất, giống, nước tưới, chăm sóc tới khâu thu hoạch đều có sự giám sát và kiểm tra thường xuyên của cán bộ kỹ thuật. Theo quy định, người nông dân bắt buộc phải có nhật ký đồng ruộng, để theo dõi từng sản phẩm rau”.

Hiện nay, để sản xuất các mặt hàng nông sản an toàn đều theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam), được Bộ NN&PTNT, ban hành năm 2008. Theo quy chuẩn này, các đơn vị sản xuất rau an toàn đều phải có sự giám sát chặt chẽ của đơn vị tư vấn.

Trong đó, đối với môi trường vùng trồng rau, phải được quy hoạch không bị ảnh hưởng trực tiếp từ các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, xa khu nghĩa trang, nằm cách quốc lộ từ 100m trở lên… Đất trồng phải phù hợp cho từng loại rau phát triển, đất có thành phần cơ giới nhẹ, tốt nhất là đất phù sa, đất có hàm lượng chất hữu cơ bằng, hoặc dưới 1,5%, không bị nhiễm thuốc trừ sâu và kim loại nặng.

Nguồn nước tưới phải đủ sạch từ các nguồn sông suối lớn dẫn trực tiếp, hoặc nước giếng khoan đã qua xử lý. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng đã hoại mục, phân hỗn hợp hữu cơ khoáng theo tỷ lệ cân đối, không sử dụng phân tươi để bón và tưới rau.

Chỉ được phép sử dụng các loại thuốc ít độc hại, thuốc có độ phân giải nhanh, dùng đúng liều lượng đảm bảo thời gian cách ly theo quy định. Bên cạnh đó, vấn đề thu hoạch và bảo quản đúng thời gian quy định, phân loại theo chất lượng, sơ chế khi cung cấp ra thị trường.

Theo thông tin từ Phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), hiện nay sản lượng rau sạch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 39 tấn/ngày, tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm này còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngay tại Công ty Việt Long, mặc dù đơn vị nỗ lực đưa nhiều sản phẩm rau vào các siêu thị, đại lý, nhưng mức độ tiêu thụ rau chỉ đạt khoảng 2 tấn rau/ngày.

Dù quy trình sản xuất rau an toàn đã được thực hiện như vậy, nhưng để ổn định cho sản phẩm rau an toàn trên địa bàn tỉnh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, và người tiêu dùng, để rau an toàn được đảm bảo phát triển ổn định.


Related news

kem-hieu-qua-voi-cay-trong-ngoai Kém Hiệu Quả Với Cây… trien-vong-phat-trien-cay-me-tren-chan-ruong-lua Triển Vọng Phát Triển Cây…