Mô hình kinh tế Rau An Toàn Vẫn Bí Đầu Ra Ở Hà Nội

Rau An Toàn Vẫn Bí Đầu Ra Ở Hà Nội

Publish date Saturday. May 11th, 2013

Chỉ tính riêng năm 2012, toàn thành phố Hà Nội đã có 24 HTX mới thành lập chuyên sản xuất rau an toàn (RAT), đưa số HTX nông nghiệp sản xuất RAT lên trên 100 HTX. Tuy nhiên, khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như phát huy được vai trò "bà đỡ" của các HTX là đầu ra cho sản phẩm hiện vẫn hết sức khó khăn...

Có mặt từ rất sớm để thu hoạch và chờ dán những chiếc tem đầu tiên cho sản phẩm rau của gia đình, chị Nguyễn Thị Thành, HTX RAT Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) cho hay, với 3 sào trồng các loại rau cải ngọt, bắp cải, cà chua, hành hoa... việc tìm đầu ra của gia đình rất khó khăn. HTX có 6 nhóm thường xuyên giám sát các hộ sản xuất trên đồng ruộng bằng việc thường xuyên làm cùng với các hội viên, trưởng nhóm kỹ thuật thực hiện tư vấn thường xuyên cho các hộ trên đồng ruộng. HTX có các nhóm giám sát chất lượng chỉ đạo và giám sát thường xuyên, người sản xuất thực hành ghi chép đầy đủ theo quy định. Nghiêm túc là vậy nhưng theo anh Nguyễn Khắc Đạo, xã viên HTX RAT Tiền Lệ, mới chỉ có 30% sản phẩm được các đơn vị như Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Hà Nội, cửa hàng RAT Tâm Đạt, một số khách hàng tại chợ đầu mối Phương Viên, các bếp ăn tập thể ở Hà Đông đặt hàng, còn lại xã viên vẫn phải tự tiêu thụ thông qua các thương lái.

Tương tự, tại vùng trồng RAT xã Hà Hồi (Thường Tín), đầu ra cho sản phẩm vẫn rất khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Thuận, Chủ nhiệm HTX Hà Hồi cho biết, mặc dù nông dân luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật, sản phẩm rau cũng bảo đảm an toàn nhưng khi đem ra chợ bán thì giá cũng chỉ như các loại rau bình thường. Ngay cả vùng RAT xã Vân Nội, huyện Đông Anh, địa phương được coi là tiên phong trong lĩnh vực này với diện tích hơn 200ha, phân bố ở 12 HTX nhưng lượng rau có đầu ra ổn định với thương hiệu RAT Vân Nội gắn trên bao bì cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn lại xã viên vẫn tự xoay xở.

Trao đổi với chúng tôi về việc RAT "tắc" đầu ra ở các HTX hiện nay, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An lý giải: Nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn khi lập dự án chỉ chú trọng đến xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất nhưng lại bỏ qua công đoạn quan trọng nhất là tuyên truyền, vận động, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người tiêu dùng biết và tìm đến sản phẩm của các HTX RAT uy tín.

Thế nên việc dán tem nhận diện RAT tạo thuận lợi cho cả người tiêu dùng và các hộ sản xuất nhưng hiện số lượng khách hàng tin tưởng vào tem nhận diện RAT chưa nhiều. Ở một khía cạnh khác, mặc dù nhiều HTX đã tham gia Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, cũng có một số cá nhân liên hệ để lấy rau về bán nhưng nhiều HTX phải từ chối bởi họ lấy số lượng quá ít, địa điểm yêu cầu vận chuyển đến quá xa, không bảo đảm chi phí.

Do vậy, các HTX cần liên kết với nhau thành nhóm sản xuất theo vùng, mỗi HTX có thể sản xuất một loại rau thế mạnh nhưng khi phân phối ra thị trường vẫn có đa dạng các loại RAT, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. "Thành phố cần sớm có cơ chế trợ giá để đưa giá RAT về bằng giá rau tại các chợ. Như vậy, cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng mới có thể yên tâm bán và sử dụng RAT hằng ngày" - ông An kiến nghị.


Related news

cay-giong-an-trai-hut-hang Cây Giống Ăn Trái “Hút… trong-dau-nanh-thu-nhap-gap-doi-trong-lua Trồng Đậu Nành Thu Nhập…