Mô hình kinh tế Rau quả đội lốt rau an toàn đang bào mòn lòng tin người tiêu dùng

Rau quả đội lốt rau an toàn đang bào mòn lòng tin người tiêu dùng

Publish date Tuesday. June 23rd, 2015

Để người tiêu dùng không còn “giật mình”, cơ quan quản lý Nhà nước còn quá nhiều việc để làm.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, CATP Hà Nội vừa phát hiện một cơ sở có hành vi thu mua rau tại chợ đầu mối, sau đó đưa vào hệ thống siêu thị và một số nhà hàng trên địa bàn TP tiêu thụ, gắn mác rau an toàn (RAT).

Ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng 2-3h sáng, ông Lê Văn Kiên (HTX sản xuất và tiêu thụ RAT Đạo Đức, Vân Nội, Đông Anh) sử dụng chiếc xe tải nhẹ mang BKS 29U - 4133 ra các chợ đầu mối trên địa bàn huyện Mê Linh để “gom hàng”. Sau đó, rau quả được đưa về nhà ông Kiên để sơ chế, bao gói rồi phân phối đến các siêu thị, bếp ăn tập thể.

Bất ngờ kiểm tra hoạt động kinh doanh, vận chuyển RAT của HTX Đạo Đức, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện một số chủng loại rau không phải là sản phẩm RAT do HTX Đạo Đức sản xuất và sơ chế. Đây là rau do ông Kiên thu mua tại chợ đêm trong khu vực, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sau khi sơ chế, những loại rau như cà rốt, khoai tây, củ cải trắng, mướp đắng, hành tây được cung cấp cho các hệ thống siêu thị như Lettemart ở Tây Sơn và Đào Tấn, và một số bếp ăn tập thể, trường học ở Hà Nội và Bắc Ninh.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Kiên nại lý do, một số siêu thị cần nhiều chủng loại rau, trong khi HTX không sản xuất được. Do đó, ông Kiên đã “linh động” thu mua thêm rau củ tại chợ, trong đó có cả rau quả Trung Quốc. Riêng ngày bị kiểm tra (9-6), ông này đã thu mua 10kg mướp đắng, 30kg chuối xanh, 25kg chanh, 60kg dưa cải củ về bao gói bằng bao bì của HTX RAT Đạo Đức và đưa vào các siêu thị, bếp ăn.

Ông Kiên cho biết, việc làm của ông thì Chủ nhiệm HTX RAT Đạo Đức, bà Đỗ Thị cũng biết. Không chỉ biết, bà Chủ nhiệm cũng “chén” 2% trong tổng số tiền rau mà ông Kiên “tăng gia” từ chợ. Bà này thừa nhận, HTX RAT Đạo Đức ký hợp đồng tiêu thụ RAT với một số hệ thống siêu thị như Intimex, Fivimart, Lottemart… và giao cho ông Kiên tự thu gom, sơ chế và cung cấp.

Như vậy có thể nói, HTX RAT Đạo Đức đã “bật đèn xanh” cho một thành viên của HTX thu mua rau không rõ nguồn gốc xuất xứ, rau quả Trung Quốc ngoài chợ đêm, trà trộn đưa vào siêu thị, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp. Nói cách khác, một số cá nhân tại HTX này đã lợi dụng việc được cấp giấy phép, giấy chứng nhận ATVSTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện để sản xuất RAT, để thu gom các loại rau không an toàn, từ các nơi khác mà không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng để đưa vào cung ứng cho hệ thống siêu thị.

Không chỉ HTX Đạo Đức, việc kinh doanh RAT “thiếu đạo đức” vẫn tồn tại ở nhiều xã ngoại thành Hà Nội. Một số đơn vị dù đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế RAT nhưng vẫn bất chấp, vì lợi nhuận nên đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh RAT trên địn bàn TP.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản đề nghị các siêu thị, các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp trên địa bàn TP, tạm dừng hợp đồng kinh doanh, tiêu thụ RAT với HTX Đạo Đức, để đoàn thanh tra hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao quản lý được RAT đang được đưa đến bán tại các chợ, siêu thị vẫn đang là “nước cờ chiếu bí” đối với cơ quan quản lý. Nếu tiếp tục “khoán trắng” cho các đơn vị cung cấp RAT như hiện nay, thì hẳn sẽ còn nhiều “đơn vị kinh doanh thiếu đạo đức” tiếp tục bị phát hiện. Và có bao nhiêu rau “không an toàn” đã được người dân Thủ đô “tiêu hóa” với cái giá cao ngất ngưởng?


Related news

ton-tru-ca-phe-the-gioi-cuoi-vu-2015-16-se-thap-nhat-4-nam Tồn trữ cà phê thế… xuat-khau-gao-pham-cap-thap-canh-bao-sap-bay-trung-quoc Xuất khẩu gạo phẩm cấp…