Mô hình kinh tế Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá

Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá

Publish date Friday. September 4th, 2015

Gia đình bà Đặng Thị Thu, bản Phiêng Đón đã gắn bó với việc trồng cây sa nhân từ hơn 30 năm nay. Vườn sa nhân đầu tiên của gia đình được trồng từ năm 1994, sau hơn 10 năm thu hoạch, năm 2009, gia đình phá đi để trồng mới và mở rộng thêm diện tích.

Đến nay, gia đình bà đã có hơn 1ha sa nhân đang giai đoạn cho thu hoạch. Bà Thu phấn khởi: Năm nay, tuy thời tiết thất thường nhưng sa nhân vẫn cho quả đều và nhiều hơn mọi năm. Gia đình tôi nhờ họ hàng đến thu hoạch giúp trong gần 10 ngày mới xong. Sa nhân chín vào mùa hè, từ tháng 7 đến tháng 8, đúng vào mùa mưa nên việc thu hoạch khá vất vả, nhưng bán được giá cao nên gia đình nào trồng sa nhân cũng phấn khởi. Vụ này, gia đình tôi thu hoạch được hơn 90kg sa nhân khô, thu về hơn 60 triệu đồng. Giá sa nhân khô năm nay cao hơn 200.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Còn gia đình ông Triệu Văn Hoa, bản Co Phay cũng trồng sa nhân nhiều năm nay. Vụ này, gia đình ông Hoa thu hoạch hơn 80kg quả sấy khô. Ông Hoa chia sẻ: 10kg quả sa nhân tươi khi sấy được 2 - 3kg quả khô, nhưng giá bán cao gấp 6 - 7 lần giá quả tươi nên các gia đình thường chọn cách sấy khô để bán.

Gia đình tôi có 1,3 ha sa nhân, trong đó 1ha là trồng mới. Sau nhiều năm phá bỏ cây sa nhân, 2 năm trở lại đây bà con trong bản bắt đầu trồng mới, đến nay, trong bản đã có 50% số hộ trồng loại cây này.

Những người trồng sa nhân lâu năm tại Tân Lập chia sẻ kinh nghiệm, trồng sa nhân chỉ mất 3 năm đầu làm cỏ, những năm sau đó, cây mọc lan kín mặt đất nên gần như cả năm không mất công chăm sóc, chỉ đến thu quả khi đến mùa.

Sa nhân trồng tại đây chủ yếu là loại sa nhân quả xanh, dễ trồng, thích hợp với đất và khí hậu của vùng nên bà con thường cho nhau giống và chỉ nhau cách trồng, tận dụng những khu đất trống ở bìa rừng để mở rộng thêm diện tích. Mỗi năm, cây cho thu hoạch một lần vào khoảng tháng 7, tháng 8.

Quả sa nhân sau khi thu về được sấy khô ngay tại nương hoặc bán quả tươi. Do giá thành cao, số lượng không nhiều nên các thương lái thường đến tận nơi thu mua hoặc đặt hàng các gia đình trồng sa nhân ngay từ đầu năm.

Năm nay, giá sa nhân khô cao hơn so với các năm trước từ 100 - 200.000 đồng/kg. Sa nhân khô đầu mùa bán được giá 730.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhiều thương lái đến tận nơi vẫn không mua được vì số lượng rất ít. Đến thời điểm hiện tại, giá quả khô vẫn còn từ 650.000 - 700.000 đồng/kg; quả tươi từ 90.000 - 130.000 đồng/kg.

Trao đổi với ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, được biết thêm: Hiện tại, toàn xã có hơn 10ha sa nhân, tập trung nhiều ở các bản: Phiêng Đón, Co Phay, Tà Phềnh… chủ yếu do người dân trồng tự phát ở khu vực gần rừng hoặc những mảnh đất bỏ hoang lâu năm, dốc, nhiều đá, không thích hợp để trồng ngô, lúa. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại cây này, những năm gần đây, xã luôn khuyến khích bà con mở rộng diện tích sa nhân trồng dưới tán rừng.

Một trong những ưu điểm lớn của cây sa nhân là có thể trồng dưới tán rừng thưa, rất thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế của bà con nông dân miền núi, vừa là cây trồng đem lại thu nhập, vừa giúp bảo vệ rừng. Nếu được các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp bà con các xã vùng cao biết đến loại cây này và đảm bảo về đầu ra sản phẩm thì sa nhân có triển vọng trở thành cây trồng xóa nghèo cho người nông dân.


Related news

giai-phap-nao-giup-nong-dan-tiep-tuc-gan-bo-voi-cay-mia Giải pháp nào giúp nông… nguoi-trong-mia-mong-duoc-ho-tro-cu-the Người trồng mía mong được…