Tin thủy sản Sản xuất giống cua biển: Đẩy mạnh phổ biến công nghệ

Sản xuất giống cua biển: Đẩy mạnh phổ biến công nghệ

Author Phương Ngọc, publish date Friday. July 27th, 2018

Đến nay, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống cua biển tạo thuận lợi cho sự phát triển của nghề nuôi này. Song, cần đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống cua biển cho tất cả cơ sở sản xuất giống nước lợ tham gia; có như vậy mới đáp ứng đủ nhu cầu giống cho người nuôi.

Ảnh: Phan Thanh Cường 

Tiềm năng

Cua biển là đối tượng nuôi nước lợ có giá trị kinh tế cao và rất thích hợp cho các vùng ngập triều, đầm phá, rừng ngập mặn; có thể nuôi kết hợp với tôm, cá theo phương thức quảng canh cải tiến do chúng có khả năng tăng trọng nhanh, kích thước lớn, dễ nuôi, không đòi hỏi kỹ thuật cao và thu hoạch trong thời gian ngắn.

Việc nuôi cua biển phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển nước ta. Ở vùng ĐBSCL, cua biển được nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An... Ở phía Bắc, một số địa phương có truyền thống nuôi cua như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…

Đơn cử như tỉnh Cà Mau, cua biển là một trong những thế mạnh của ngành thủy sản địa phương, tỉnh này cũng chọn con cua là ngành hàng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, hiện tỉnh có khoảng 150.000 ha nuôi cua, năng suất bình quân 40 - 50 kg/ha/năm, sản lượng hàng năm khoảng 6.000 - 7.000 tấn. Hình thức nuôi cua ở Cà Mau chủ yếu là nuôi kết hợp với các đối tượng khác như tôm, cá và nuôi dưới tán rừng. Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích nuôi cua của tỉnh vẫn ổn định ở mức 150.000 ha, nhưng tăng năng suất lên khoảng 70 - 80 kg/ha; 80% hộ dân được tập huấn và ứng dụng quy trình nuôi cua biển cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng…

Loài cua biển được nuôi phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là cua xanh (tên khoa học Scylla serrata); chúng phân bố suốt dọc bờ biển nước ta, sống ở vùng nước lợ. Chỉ tới mùa sinh sản, chúng buộc lòng phải vượt ra biển khơi - nơi có độ mặn tới 33‰. Cua xanh đẻ trứng và ấp trứng trong điều kiện đó (nếu giảm độ mặn, trứng sẽ bị ung). Nhiệt độ thích hợp nhất đối với cua biển là 18 - 250C.

Từ xưa tới nay, cua biển luôn luôn là loài thủy đặc sản hấp dẫn. Thịt cua ngon, bổ và chế biến được thành rất nhiều món ăn. Trên thế giới, cua là sản phẩm bán rất chạy. Cua sống, cua đóng hộp hoặc cua lột chín đông lạnh đều được các thị trường ưa chuộng. Ở Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này cũng ngày một lớn hơn và cả phục vụ xuất khẩu. Do đó, nuôi cua biển là việc cần đẩy mạnh hơn nữa.

Tăng tốc sản xuất giống

Trước năm 2004, nguồn giống cua biển chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, thu được ở hàng đáy, ghe cào ở các cửa sông, tìm bắt ở các bãi sình vùng ngập mặn. Cua giống có các cỡ: Loại nhỏ 60 - 120 con/kg; loại vừa 25 - 50 con/kg; loại lớn 10 - 15 con/kg. Nhu cầu cua giống hàng năm là rất lớn, trong khi nguồn giống khai thác tự nhiên có hạn nên giá cua giống trên thị trường lúc nào cũng duy trì ở mức cao. Theo Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020, trong những năm tới, nhu cầu giống cua biển còn tăng cao hơn nữa, ước khoảng 2 tỷ con vào năm 2020; đặc biệt là các tỉnh ven biển phía Bắc và ven biển phía Nam.

Trong sản xuất giống cua biển, thành công đầu tiên trong ương nuôi và xác định các giai đoạn ấu trùng cua biển được thực hiện bởi Ong Kah Sin năm 1964 (Ong, 1964). Sản xuất giống cua biển sau đó phát triển quy mô lớn khá sớm ở Đài Loan và Philippines (Cowan, 1984). Hiện nay, nhiều quốc gia cũng đã đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản xuất giống cua biển đại trà, cung cấp cho nghề nuôi.

Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống cua biển. Sau khi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu sản xuất giống cua biển” đã được chuyển giao cho nhiều địa phương trên cả nước; trong đó có các tỉnh trọng điểm nuôi cua như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Hải Phòng... Sản xuất cua giống nhân tạo mỗi năm đạt được hơn 10 triệu con, đã góp phần chủ động con giống cho nhu cầu nuôi. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế mới chỉ đáp ứng 50%, nguồn giống cung cấp, cho nuôi vẫn còn phụ thuộc tương đối nhiều vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn lợi giống cua và sử dụng hợp lý nguồn lợi này là hết sức cần thiết. Phương án bảo vệ nguồn lợi giống cua hữu hiệu nhất hiện nay là bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn ven biển. Các vùng trọng điểm là ven biển Đồng bằng sông Hồng và vùng ven biển ĐBSCL. Đây là hai vùng có tiềm năng nuôi đối tượng này rất lớn, đồng thời là hai vùng phân bố giống cua biển lớn của cả nước.

Song song đó, về sản xuất giống cua biển nhân tạo, cần tích cực đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống cua biển cho các trại sản xuất giống nước lợ để các cơ sở này có thể tham gia. Không ngừng nghiên cứu để nâng số lượng và chất lượng cua giống. Tiếp tục nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nuôi cua thịt cũng như thị trường cua thịt làm cơ sở bền vững cho đầu ra của nghề sản xuất cua giống…

>> Một số điểm cần chú ý để nuôi cua thành công: Cua giống phải đồng cỡ, thả cùng một lúc; Phải có đủ nguồn nước trong sạch để thay thường xuyên; Phải có đủ nguồn thức ăn tươi sống; Phải có đăng chắn ở trên bờ ao; Trong ao phải có các ụ chà làm nơi trú ẩn cho cua.


Related news

nuoi-ca-chep-ung-du-ng-cong-nghe-song-trong-ao-uu-diem-vuot-troi Nuôi cá chép ứng dụ̣ng… nuoi-ca-ho-trong-ao-dat Nuôi cá hô trong ao…