Tin nông nghiệp Sản xuất phân lân vi sinh từ vỏ cà phê

Sản xuất phân lân vi sinh từ vỏ cà phê

Author Võ Thái Hòa, publish date Saturday. January 14th, 2017

Với điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển cây công nghiệp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phát triển cây cà phê thành cây chủ lực của huyện. Tuy nhiên hàng năm, lượng vỏ cà phê thải ra từ chế biến đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, năm 2016 Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hướng Hóa xây dựng dự án “Ứng dụng chếphẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từvỏcàphê tại xãHướng Phùng” nhằm xây dựng mô hình điểm để nhân rộng sản xuất phân hữu cơ bón cho cây cà phê, tăng hiệu quả kinh tế và xử lý tốt ô nhiễm môi trường. 

Trong ảnh: Sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê. Ảnh: Võ Thái Hòa

Hiện toàn huyện Hướng Hóa có gần 5.000 ha cà phê, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 9- 10 tấn quả tươi/ha, sản lượng đạt trên 40.000 tấn quả tươi đã đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, sau khi xay xát, nông dân thải ra lượng vỏ cà phê khoảng 25.000- 30.000 tấn. Hướng Phùng là một xã của huyện Hướng Hóa chuyên canh cây cà phê, hàng năm sau mùa thu hoạch có khoảng 7.000- 8.000 tấn vỏ cà phê. Phần lớn vỏ cà phê được vứt bỏ vung vãi hoặc đốt. Một ít được sử dụng trộn chung với một số loại phân chuồng bón cho cây. Vỏ cà phê chứa một lượng lớn cellulose và lignin là những hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong điều kiện bình thường nên việc sử dụng vỏ cà phê chưa ủ hoai làm phân bón cho cây trồng chỉ có tác dụng làm cho đất tơi xốp và hạn chế được cỏ dại, lượng dinh dưỡng mà rễ cây hấp thu được từ vỏ cà phê là rất ít. Mặc khác, đây là môi trường thuận lợi để một số vi sinh vật có hại phát triển gây bệnh cho cây trồng như: Bệnh gỉ sắt, bệnh đốm mắt cua, bệnh nấm hồng… Hàm lượng dinh dưỡng trong vỏ cà phê rất lớn và nhiều nguyên tố trung, vi lượng thiết yếu nhưng không sử dụng vỏ cà phê hoặc sử dụng không đúng cách gây lãng phí dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh cho cây trồng trong quá trình canh tác.

Dự án đã ứng dụng chế phẩm sinh học QTMIC trong việc phân giải phế phụ phẩm nông nghiệp nói chung và vỏ cà phê nói riêng để làm nguồn phân bón hữu cơ. Chế phẩm sinh học này bao gồm tổ hợp các chủng vi sinh vật như xạ khuẩn Streptomyces.sp, vi khuẩn Bacillus.sp, nấm men saccharomyces.sp có khả năng phân giải cellulose và lignin rất mạnh. Ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh cho biết: “Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học phân giải vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ tại xã Hướng Phùng là rất phù hợp và dễ áp dụng, từ đó nhân rộng và phát triển cho toàn vùng, góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, hạ giá thành đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần tăng giá trị cây công nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững”.

Mục tiêu của dự án là xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từvỏcàphê nhằm tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch, bổ sung nguồn phân hữu cơ vi sinh tại chỗ phục vụ cho vùng trồng cây công nghiệp xã Hướng Phùng và vùng lân cận. Nguyên liệu hữu cơ là vỏ cà phê và phế phụ phẩm nông nông nghiệp như phân gia súc, gia cầm, lá cây, than bùn... Dự án sử dụng chế phẩm sinh học QTMIC của Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm thuộc Trung tâm Ứng dụng TBKH&CN tỉnh có khả năng thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ cao phân tử như cellulose, lignin thành dạng dễ hấp thu cho cây trồng, chuyển hóa lân khó tiêu thành lân dễ tiêu vừa cung cấp dinh dưỡng vừa tăng khả năng kháng bệnh của cây trồng. Bên cạnh đó, các chủng vi sinh vật này phát triển mạnh trên bề mặt rễ hay vỏ rễ có khả năng tiết ra enzyme ức chế hoạt động của các loại nấm gây bệnh, đồng thời nâng cao khả năng sinh trưởng của cây trồng do chúng kích thích sự hình thành nhiều hơn và phát triển mạnh hơn của bộ rễ so với bình thường. Trong quá trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nguồn dinh dưỡng bổ sung cho sự sinh trưởng, phát triển của các chủng vi sinh vật trong đống ủ vỏ cà phê là N, P, K và C. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê sau thời gian ủ 80- 90 ngày có màu nâu sẫm, mịn và tơi xốp.

Sau khi khảo sát, đánh giá nguồn nguyên liệu hữu cơ tại vùng thực hiện dự án; khảo sát chọn địa điểm thích hợp tiến hành thực hiện xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê. Dự án đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê chuyển giao công nghệ, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm và theo dõi quá trình phân hủy chất hữu cơ của đống ủ vỏ cà phê, thu thập số liệu, tính toán hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế của mô hình. Ban chỉ đạo dự án đã chọn HTX nông nghiệp Công Bằng Sa Mù, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa tham gia xây dựng mô hình trình diễn sản xuất phân hữu cơ vi sinh để nông dân học tập, nhân rộng phục vụ sản xuất. Dự án cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất như nhà xưởng, khu sân bãi, mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cho sản xuất phân hữu cơ vi sinh; đào tạo tại cơ sở 2 công nhân kỹ thuật thực hành sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê, vận hành thành thạo dây chuyền thiết bị, thành phần và các bước phối trộn nguyên liệu trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Trạm nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm tập huấn, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê và quy trình ứng dụng chế phẩm sinh học QTMIC xử lý vỏ cà phê thành phân hữu cơ vi sinh cho HTX nông nghiệp Công Bằng Sa Mù và các nông hộ. Trong quá trình thực hiện dự án, Ban chỉ đạo có 3 đợt kiểm tra theo dõi quá trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại mô hình trình diễn. Dự án đã sản xuất được ban đầu 50 tấn phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê và phế phụ phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn. Công tác sản xuất đã đạt được các tiêu chí của dự án đề ra. Các kỹ thuật công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương, bộ phận sản xuất là HTX nông nghiệp Công Bằng Sa Mù nắm vững được các quy trình kỹ thuật và tiếp tục sản xuất trong thời gian tới.

Hiệu quả của dự án được biểu hiện trên ba mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Về hiệu quả kinh tế, với chi phí đầu tư 77 triệu đồng, sau 4 tháng sản xuất thử nghiệm, dự án đã thu lợi nhuận hơn 24 triệu đồng. Trong thực tế sản xuất lợi nhuận có thể cao hơn nhiều vì nếu sản xuất với số lượng lớn sẽ tiết kiệm được chi phí đầu vào và khấu hao nhà xưởng, thiết bị máy móc. Về hiệu quả xã hội và môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường. Dự án thành công đã mở ra cho địa phương những hướng đi mới trong việc ứng dụng chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, tận dụng vỏ cà phê sau chế biến và các phế phụ phẩm nông nghiệp khác sẵn có của địa phương, bổ sung nguồn phân hữu cơ vi sinh tại chỗ phục vụ cho vùng trồng cây công nghiệp xã Hướng Phùng và vùng lân cận. Mô hình xây dựng thành công là địa chỉ để người dân đến tham quan học tập. Thông qua đó sẽ tạo lòng tin cho người dân mạnh dạn ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao ý thức sử dụng phân hữu cơ vi sinh cho chương trình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Sau 4 tháng thực hiện, dự án đã được triển khai đúng nội dung và đạt được các mục tiêu cơ bản đề ra là đã xây dựng và hoàn thiện được quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê và phế phụ phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm sản xuất ra đều đạt chỉ tiêu chất lượng theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đã đầu tư được cơ sở vật chất, máy móc thiết bị sản xuất và các trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất phân hữu cơ vi sinh; xây dựng 1 mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại HTX nông nghiệp Công Bằng Sa Mù với quy mô 200 tấn/năm; đã sản xuất được 50 tấn phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê đạt tiêu chuẩn; dự án đã thực hiện tốt công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật và đặc biệt là sự lồng ghép phối hợp với đơn vị hưởng lợi, đã huy động được phần đối ứng của đơn vị hưởng lợi góp phần hoàn thành mục tiêu, nội dung dự án đã đề ra.

Để duy trì, phát huy hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của dự án, đơn vị hưởng lợi và các bên liên quan cần có kế hoạch duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình. Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục có sự quan tâm hỗ trợ đầu tư về lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Trạm nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm tiếp tục phối hợp với đơn vị hưởng lợi kiểm soát chất lượng sản phẩm, cung cấp chế phẩm vi sinh đảm bảo cho đơn vị sản xuất đi vào hoạt động ổn định và lâu dài. Dự án sản xuất phân lân vi sinh từ vỏ cà phê sẽ góp phần giúp người trồng cà phê giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, hình thành phương pháp canh tác cà phê bền vững.


Related news

hoa-lily-khoe-sac-o-vung-bac-huong-hoa Hoa Lily khoe sắc ở… canh-bao-tinh-trang-phat-trien-nong-dan-lon Cảnh báo tình trạng phát…