Tin thủy sản Sản xuất thành công giống điệp seo

Sản xuất thành công giống điệp seo

Author Kim Sơ - Lê Khánh, publish date Thursday. January 9th, 2020

Điệp seo Comptopallium radula là loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Tuy nhiên do khai thác quá mức, chưa hợp lý nên điệp seo ngày càng khan hiếm.

Điệp seo là loại động vật thân mềm, có giá trị kinh tế cao, dao động từ 450-600 ngàn đồng/kg.

Xuất phát từ thực tế đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III) đã thực hiện đề tài nghiên cứu và sản xuất thành công giống điệp seo nhân tạo, mở ra đối tượng nuôi mới cho người nuôi.  

Điệp seo thương phẩm từ 450 – 600 ngàn đồng/kg

Theo Viện III, điệp seo hiện phân bố chủ yếu ở các vùng biển như vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), TX Sông Cầu (Phú Yên). Chúng ở độ sâu từ 5-25 mét nước với chất đáy là đá, cát, sỏi, vỏ động vật thân mềm, rạn san hô và nhiệt độ nước phù hợp từ 23-30 °C và độ mặn từ 25-35‰.

Theo các thợ lặn “săn” điệp seo thương phẩm bán cho các thương lái thu mua tại chỗ, dao động từ 450 – 600 ngàn đồng/kg (tùy theo kích cỡ). Tuy nhiên những năm gần đây, do việc khai thác không hợp lí nên nguồn lợi điệp seo ngày càng cạn kiệt, khan hiếm.

Về vấn này, phòng NN-PTNT Vạn Ninh (Khánh Hòa) xác nhận những năm 2000, sản lượng khai thác điệp seo trên địa bàn từ 30-40 tấn, tuy nhiên hiện nay sản lượng này không nhiều và không có số lượng cụ thể. Do đó, vấn đề nuôi điệp seo từ con giống nhân tạo là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng thu nhập cho người nuôi, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chim và phục hồi nguồn lợi điệp seo là cần thiết.

Cũng theo Viện III, để phát triển nuôi đối tượng điệp seo đòi hỏi đảm bảo nguồn cung cấp con giống ổn định. Tuy nhiên, hiện nay chưa có công nghệ sản xuất giống đối tượng này, mà mới chỉ ở mức độ thử nghiệm.

Vì vậy, nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo là vấn đề cần giải quyết sớm nhằm đưa đối tượng này phát triển nuôi theo hướng bền vững tại vùng biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh ven biển trong cả nước nói chung.

Nhóm nghiên cứu của Viện III đã bắt tay vào sản xuất giống nhân tạo điệp seo, trước thực trạng nguồn lợi ngày càng khan hiếm.

Trước thực trạng này, năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo Comptopallium radula (Linnaeus, 1758) tại Khánh Hòa”. Đề tài do Thạc sĩ Phan Thị Thương Huyền - Viện III làm chủ nhiệm.

Theo đó, mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm điệp seo tại tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo điệp seo cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa.  

Đã sản xuất giống điệp seo thành công

Đó là khẳng định của Thạc sĩ Phan Thị Thương Huyền, Viện III chia sẻ với Báo NNVN. Hiện đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa nghiệm thu, đánh giá cao.

Cụ thể, sau 2 năm, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công 3 đợt giống nhân tạo điệp seo, với tỷ lệ thụ tinh đạt hơn 86 %, tỷ lệ nở hơn 92% và tỷ lệ sống từ ấu trùng chữ D đến giống cấp 1 đạt hơn 4 %; tỷ lệ sống từ giống cấp 1 đến giống cấp 2 đạt hơn 30%. Mặc dù hình thức ương điệp seo giống cấp 1 lên cấp 2 ở trong bể xi măng đạt tốc độ sinh trưởng thấp hơn ương ngoài biển. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của điệp seo giống nuôi trong bể xi măng cao hơn nuôi biển do môi trường nước ổn định, trong sạch và không có địch hại.

Kết quả, đã sản xuất thành công giống điệp seo và đây con giống cấp 2..

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn ghi nhận, việc ương điệp seo giống cấp 1 lên cấp 2 ngoài biển, ở độ sâu 4m đạt tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống cao nhất. Sau 57 ngày ương, giống đã đạt kích thước chiều cao 9.1mm, chiều dài 8,9 mm và tỷ lệ sống 42%.

Cũng theo Thạc sĩ Phan Thị Thương Huyền đánh giá, về quy trình sản xuất giống nhân tạo điệp seo dễ áp dụng cho các cơ sở sản xuất.

Cụ thể, để sản xuất con giống tốt, các cơ sở sản xuất phải tuyển chọn con giống bố mẹ có kích thước chiều cao H> 70mm, khỏe mạnh, không dập nát phần vỏ và phần thịt, màu sắc tươi sáng, cơ khép vỏ lớn, màng áo không bị teo lại và có phản ứng khép vỏ nhanh nếu có lực tác động vào vỏ của chúng.

Sau khi vận chuyển về trại sản xuất, quan sát bằng mắt thường qua hoạt động đóng, mở vỏ của điệp và giải phẫu một số cá thể điệp để kiểm tra độ thành thục của chúng.

Nếu những cá thể có cơ quan sinh dục phát triển đến giai đoạn III và IV thì tiến hành kích thích sinh sản ngay. Còn những cá thể chưa thành thục sẽ đưa sẽ đưa vào nuôi vỗ.

Thả giống điệp seo nhân tạo tại huyện Vạn Ninh.

“Hiện nhóm nghiên cứu cũng đã chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cho 5 cơ sở sản xuất. Và, các cơ sở này đã áp dụng và sản xuất được con giống đến kích cỡ giống cấp 2 (10-15mm) với tổng số lượng hơn 28.000 con”, Thạc sĩ Phan Thị Thương Huyền chia sẻ.

Ông Hà Ngọc Khoa, một cở sở sản xuất ở thôn Tân Thành, xã Ninh Ích (TX Ninh Hòa) xác nhận, sau khi được Viện III chuyển giao sản xuất giống điệp seo cấp II. Hiện đơn vị đã tự sản xuất được con giống với kích cỡ từ 10-15mm, cung cấp cho nhu cầu người nuôi.

Bên cạnh sản xuất thành công giống điệp seo nhân tạo, theo Thạc sỹ Phan Thị Thương Huyền, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng 2 mô hình nuôi thương phẩm gồm nuôi đơn và nuôi ghép tại vùng biển thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Kết quả sau 12 tháng nuôi con giống từ 10-15mm đã đạt kích cỡ thương phẩm từ 65 - 70mm, với tổng thu sản lượng 2 mô hình gần 110 kg.

Trong đó, mô hình nuôi đơn điệp seo có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mô hình nuôi ghép.


Related news

nhan-dien-cong-nghe-de-nang-cao-gia-tri-tom Nhận diện công nghệ để… cha-ca-va-surimi-mot-mui-ten-trung-nhieu-dich Chả cá và surimi -…