Sắp xếp lại sản xuất và xuất khẩu thủy sản
Thiếu quy hoạch
Theo Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22-11-2013, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ phát triển theo định hướng: Tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường.
Khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực ven biển Trung Bộ. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai đề án, qua khảo sát tại đồng bằng sông Cửu Long, việc thực hiện các tiêu chí vẫn còn nhiều bất cập. Theo Đề án, sẽ thay đổi cơ cấu đối tượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên cơ sở ổn định diện tích tôm sú và tăng diện tích tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh.
Nhưng thực tế người dân lại có xu hướng chuyển dịch cơ cấu từ tôm thẻ chân trắng sang tôm sú do thị trường tiêu thụ tôm thẻ chân trắng gặp nhiều khó khăn và giá thấp. Mặt khác, diện tích nuôi tôm tăng nhanh tại nhiều địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, chiếm đến hơn 70. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trên tôm trong những năm gần đây. Tính đến thời điểm này, dịch bệnh tôm đang xảy ra trên diện rộng, khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là bệnh đốm trắng và hội chứng gan tụy bùng phát.
Giá tôm nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh cũng đang giảm mạnh, trong khi giá nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng cao khiến nhiều hộ nuôi lao đao. Trạm trưởng Khuyến ngư huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Hiện toàn huyện có gần 2.000 ha tôm công nghiệp, tập trung nhiều nhất ở các xã: Lương Thế Trân, Hưng Mỹ, Hòa Mỹ, Tân Hưng, Tân Hưng Đông và Đông Hưng. Mấy năm gần đây, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, rất khó ngăn chặn.
Mặc dù Trung tâm Khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật xuống từng hộ dân nhưng do diện tích nuôi nhỏ lẻ nên công tác tuyên truyền và quản lý gặp nhiều khó khăn. Các hộ nuôi vẫn chưa thực hiện đúng quy trình xử lý ao nuôi, chưa sử dụng phù hợp các lượng thuốc phòng trị bệnh... khiến nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh càng có cơ hội bùng phát. Số hộ thiệt hại tăng lên đồng nghĩa với việc gặp khó về vốn tái đầu tư sản xuất.
Ngành sản xuất và chế biến xuất khẩu tôm đang gặp khó vì dịch bệnh và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Cá tra - một trong những mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản - cũng đang đối mặt nhiều khó khăn trong phát triển bền vững. Diện tích nuôi cá tra trên cả nước hiện nay khoảng 5.500 ha, sản lượng 1,1 triệu tấn/năm. Nhiều năm trở lại đây, giá thu mua cá tra nguyên liệu luôn bấp bênh, không ổn định, ảnh hưởng người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Thời điểm này, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn dưới 21 nghìn đồng/kg. Theo anh Phạm Văn Thanh (thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), với giá thu mua này, chỉ những vùng nuôi theo quy trình khép kín từ khâu giống, kỹ thuật, thức ăn... may ra có lãi.
Còn các hộ nuôi thường thì cầm chắc thua lỗ. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng lao đao vì thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá xuất khẩu giảm, kéo theo giá cá nguyên liệu cũng teo tóp. Điều đáng nói là cái vòng luẩn quẩn này đã tái diễn trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì quý 3 và quý 4-2015, lượng cá tra nguyên liệu sẽ thiếu trầm trọng, do đó cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu năm 2015 sẽ khó đạt mục tiêu.
Thực hiện nghiêm quy hoạch, đẩy mạnh tái cơ cấu
Để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, thời gian qua, một số quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, bổ sung. Theo đó, dần hoàn thiện Quy hoạch nuôi tôm nước lợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Từ năm 2014, đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, đồng thời trình ban hành Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Văn bản đã có nhưng vẫn chưa ngăn chặn được sự phát triển nóng và tự phát, do các địa phương triển khai rà soát quy hoạch cá tra theo Nghị định 36/NĐ-CP còn quá chậm.
Là tỉnh chủ lực trong nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.400 ha nuôi nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Vũ cho biết: Đối với các vùng nuôi thuộc quyền sở hữu của các công ty chế biến thì việc thực hiện nuôi theo quy trình khép kín hay theo tiêu chí VietGAP sẽ thuận tiện hơn. Hiện nay toàn tỉnh có 490 ha đã được chứng nhận VietGAP đều thuộc vùng nguyên liệu của các công ty. Còn đối với các diện tích thuộc sở hữu nông hộ, rất khó quản lý từ con giống, kỹ thuật nuôi đến vệ sinh môi trường. Chính vì vậy, quy hoạch diện tích là điều vô cùng cần thiết để nâng cao chất lượng cá tra nguyên liệu.
Rõ ràng, tái cơ cấu ngành thủy sản, cụ thể trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu buộc phải hướng đến hai đối tượng chính là người nuôi và doanh nghiệp. Người nuôi phải nâng cao nhận thức và kỹ thuật nuôi nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, trong đó, phải lưu ý các khuyến cáo của cơ quan chức năng chứ không chỉ nuôi, phòng bệnh, trị bệnh tôm, cá theo kinh nghiệm. Về phía doanh nghiệp, cần chú trọng hơn nữa đến thị trường xuất khẩu, giữ thị phần ở những thị trường truyền thống và tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.
Để làm được những điều này, cần sự hỗ trợ, chung tay của các ngành chức năng trong triển khai hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản đã ban hành, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng trên cơ sở thúc đẩy xúc tiến thương mại, triển khai các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, trong lĩnh vực nuôi trồng, ngành đặt mục tiêu đạt 4,5 triệu tấn vào năm 2020, trong đó tôm khoảng 700 nghìn tấn, cá tra khoảng 1,8 đến hai triệu tấn. Chủ động sản xuất giống thủy sản chất lượng, phấn đấu đến năm 2020 sản xuất 100 giống có chất lượng và 100 giống tôm sú, tôm chân trắng sạch bệnh. Phát triển và hình thành các kênh phân phối trực tiếp sản phẩm thủy sản đến người tiêu dùng tại các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Đến năm 2020, cơ cấu thị trường EU khoảng 21, Nhật Bản 20, Mỹ 19 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao