Tin thủy sản Sau lũ lụt ở miền Trung, bà con khát cây, con giống

Sau lũ lụt ở miền Trung, bà con khát cây, con giống

Author Phan Phương - Hữu Anh, publish date Wednesday. October 26th, 2016

Cơn lũ dữ đi qua các tỉnh miền Trung, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là bà con nông dân, những chủ trang trại. Hơn lúc nào hết, người nông dân vùng lũ rất cần sự hỗ trợ, giúp sức về cây, con giống và đồng vốn để họ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài…

Cơ nghiệp nhà nông trôi theo lũ

Tại Quảng Bình, trận lũ lịch sử vừa qua đã để lại một hậu quả hết sức nặng nề, trong đó những người thiệt hại nặng nề nhất không ai khác chính là nông dân, các chủ trang trại. Người nông dân chủ yếu sống bằng ruộng lúa, nhưng bình quân mỗi hộ cũng chưa tới 4 sào ruộng. Chính vì vậy, nhiều năm qua chăn nuôi được xem là “chỗ dựa” để bà con có thêm thu nhập, nuôi con cái ăn học.

Thế nhưng, theo ghi nhận của NTNN, ở nhiều địa phương, sau lũ hầu như tất cả lợn, gà và cá nuôi  của bà con đều bị nước lũ cuốn trôi hết. Tại xã Thuận Đức - một xã nằm ở phía Tây thành phố Đồng Hới những năm trước rất ít khi bị ngập lũ, vậy nhưng nhưnững cơn mưa lớn trong ngày 14 và 15.10 đã gây nên một trận lũ quét kinh hoàng làm hầu hết bà con nông dân, các chủ trang trại nơi đây trở tay không kịp, hàng ngàn con heo và hàng chục ngàn con gà của bà con đã bị nước lũ cuốn trôi. Ông Hoàng Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội ND xã Thuận Đức cho biết, toàn xã có hơn 20 trang trại bị thiệt hại, trong đó  trang trại chăn nuôi của chị Đặng Thị Ánh; anh Nguyễn Đình Sơn; Hồ Văn Dũng… bị thiệt hại nặng nề nhất với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trong ảnh: Người nuôi cá lồng ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) bị lũ cuốn chết hàng chục tấn cá. ảnh: Phan Phương

Hà Tĩnh thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng

Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: Trận lũ vừa qua đã làm 108 xã, phường với hơn 30.000 hộ bị ngập, 6 người thiệt mạng, riêng về nông nghiệp có gần 77 ha hoa màu bị ngập. Thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Sự mất mát của người dân rất lớn, nhưng thời gian qua nhận được sự quan tâm của T.Ư và các bộ, ngành cũng như nhiều tổ chức, cá nhân trực tiếp về tận các địa phương chia sẻ với người dân nên cũng vơi đi bớt phần nào. Mong muốn là cùng với nỗ lực của tỉnh, sẽ có nhiều bộ, ngành, đơn vị hỗ trợ người dân dài hơi hơn.  

Thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, chỉ tính riêng sản xuất nông nghiệp, trận lũ lịch sử vừa qua đã làm gần 1.500ha hoa màu bị ngập hỏng, hơn 1.000ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị lũ cuốn trôi, 149 con trâu, bò, hàng ngàn con gia cầm bị chết, hơn 2.000 tấn lương thực bị hư hỏng… Đặc biệt, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của các hộ trang trại là rất lớn. Theo báo cáo của Hội ND các huyện, thành phố, thị xã của Quảng Bình, có 242 trang trại bị thiệt hại nặng, trong đó hầu hết là các trang trại chăn nuôi tổng hợp và nuôi trồng thủy sản (238 trang trại chăn nuôi tổng hợp và nuôi trồng thủy sản, 3 trang trại trồng trọt và lâm nghiệp), ước tính gần 100 tỷ đồng…

Còn tại Hà Tĩnh, một tuần sau lũ nhiều địa phương nước còn ngập băng đồng khiến cây trồng héo úa, chết rạ, việc khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các huyện tâm lũ như Hương Khê, Vũ Quang… Ông Lê Quang Vinh - Phó phòng NNPTNT huyện Hương Khê cho biết: Vụ đông này toàn huyện gieo trồng 2.830ha cây nông sản và rau màu. Trong đó một số cây trồng chủ lực như ngô với tổng diện tích 2.000ha, 300ha rau đậu thực phẩm, 100ha khoai lang và 20ha lạc. Tuy nhiên, trận lũ vừa có có đến 18 xã bị ngập, trong đó có 9 xã bị ngập nặng khiến cây trồng vật nuôi bị cuốn trôi, hư hỏng. Riêng về gia cầm, trận lũ vừa qua đã cuốn trôi 108 ngàn con, còn gia súc như trâu, bò, lợn bị lũ cuốn trôi và chết trên 500 con. Lũ lớn gây thiệt hại nặng cho người dân, vì vậy bước vào vụ đông này huyện cũng đang đau đầu việc tìm nguồn giống tái sản xuất cho bà con nông dân.  

Ông Trần Minh Liên ở xóm 12 xã Hương Giang, huyện Hương Khê ủ rủ hơn tuần nay, mỗi lần ra vườn cây ăn quả lòng ông lại quặn thắt. “Mới tuần trước vườn cam và bưởi còn trĩu quả chưa hái bán được mấy, tưởng dành dụm ít ngày nữa kiếm thêm chút, ai ngờ lũ ập về bất ngờ hàng trăm gốc cam và bưởi bị nước nhấn chìm rụng lá và chết dần”- ông Liên nói.

Nông dân vùng lũ rất cần giống

Chúng tôi rất vui mừng khi biết Báo NTNN đang có chương trình tặng các loại giống cho nông dân miền Trung. Đây là một chương trình thực sự có ý nghĩa, bởi hơn lúc nào hết người nông dân miền Trung rất cần con giống khi đàn gia súc, gia cầm và nguồn giống cây trồng dự trữ đã bị nước lũ cuốn trôi hết”. Ông Lê Công Toán – Chủ tịch Hội ND Quảng Bình

Ông Nguyễn Hồng Quân - Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: “Theo kế hoạch, vụ đông này xã sẽ trồng 100ha ngô và 100ha khoai lang. Tuy nhiên, nguồn giống đã bị lũ cuốn trôi hết. Sau lũ ngoài vấn đề môi trường, nhiều bà con nông dân đang đứng trước nguy cơ thiếu giống sản xuất trầm trọng”.

Trao đổi với NTNN, ông Lê Công Toán – Chủ tịch Hội ND Quảng Bình cho biết, những ngày sau lũ, người nông dân Quảng Bình đã nhận được sự cưu mang, đùm bộc, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, các nhà hảo tâm và đồng bảo cả nước, từng bước vượt qua thời điểm khó khăn cấp bách nhất. Hiện người dân đang bước vào giai đoạn khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Thế nên, ngoài cái ăn, cái mặc, bà con vùng lũ Quảng Bình hiện rất cần giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất nhưng họ đang thiếu nghiêm trọng. Để gây dựng lại đàn gia súc, gia cầm sau lũ quả là “bài toán khó” cho cả chính quyền và người dân vùng rốn lũ.

Theo ông Toán, do trận lũ cũng đã cuốn trôi các loại giống lúa, hoa màu dự trữ của bà con nông dân nên trước mắt để khôi phục sản xuất các loại cây rau, quả ngắn ngày, bà con cũng rất cần giống. Sắp tới, khi bước vào gieo cấy vụ đông – xuân người nông dân Quảng Bình cũng phải cần tới hàng ngàn tấn lúa giống. Chỉ tính riêng huyện Lệ Thủy mỗi năm gieo cấy trên 10.000ha lúa, bà con nông dân phải cần đến 1.200 tấn lúa giống. Những năm trước, số giống này người dân tự túc khoảng 500 tấn, số còn lại Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, trận lũ vừa qua đã làm hư hỏng hết nên lượng giống người dân tự túc gần như con số không. Vì vậy việc thiếu giống đang đặt ra hết sức cấp bách…

Nói như vậy để thấy rằng, người dân vùng lũ tỉnh Quảng Bình hiện không chỉ có nhu cầu về lương thực, thực phẩm, mà họ rất mong mỏi được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều phía về giống cây trồng, vật nuôi  để khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho hay: “Trận lũ vừa qua huyện Vũ Quang có tới 9 xã bị ngập, thiệt hại rất lớn đối với lĩnh vực sản nông nghiệp. Để tái sản xuất sau lũ, đến thời điểm này mới nhận được thông tin là tỉnh sẽ hỗ trợ giống ngô cho người dân”. Cũng theo ông Sơn, người dân vùng lũ đang rất cần được tiếp sức từ cây và con giống để tái sản xuất, không chỉ vụ đông này mà cả vụ xuân sắp tới như giống lúa, lạc, phân bón… và nếu có được nguồn giống con như lợn, gà thì rất thiết thực với bà con nông dân”.

Mới đây, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Bộ NNPTNT sau lũ. Theo đó, để khắc phục trước mắt tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ ngoài hỗ trợ lương thực thì giống khôi phục sản xuất sau lũ rất cấp thiết. Cụ thể: Lúa giống sản xuất vụ xuân 2.000 tấn, ngô giống 30 tấn, và 10 tấn hạt giống rau các loại. 

 


Related news

co-1-081-loai-hai-san-tren-vung-bien-viet-nam Có 1.081 loài hải sản… manh-tay-dau-tu-nuoi-tom-cong-nghe-cao Mạnh tay đầu tư nuôi…