Tin thủy sản Sóc Trăng: Nuôi cua không thua tôm sú

Sóc Trăng: Nuôi cua không thua tôm sú

Author Xuân Trường, publish date Thursday. September 28th, 2017

Cua biển dễ nuôi, vốn đầu tư thấp, ít bị rủi ro dịch bệnh, giá bán tương đối ổn định, nên được nhiều nông dân ở thị xã Vĩnh Châu, nhất là những hộ thiếu vốn sản xuất chọn làm đối tượng nuôi luân canh hoặc xen canh với tôm nước lợ hoặc thả nuôi trên ruộng muối… đều cho hiệu quả cao.

Người nuôi dùng tàu dừa nước cắm xuống vuông làm chà cho cua trú ngụ   Ảnh: X.T 

Nhiều lợi thế

Ông Thạch Phươl, ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải đưa tôi ra xem 3 vuông (mỗi vuông khoảng 3.000 m2) nuôi tôm xen cua phía sau nhà, xung quanh vuông đều được rào lưới cao 3 - 4 tấc rất cẩn thận. Ông Phươl, giải thích: “Nếu cung cấp đủ thức ăn, cua ít khi bò lên bờ lắm, nhưng mình cũng phải rào lưới lại cho nó chắc ăn. 3 ao thả cua này, dù chỉ 5.000 con cua giống, nhưng tôi lời cũng vài chục triệu đồng, do chỉ tốn tiền mua con giống là chủ yếu, còn thức ăn thì mình tận dụng”.

Theo ông Phươl, thường sau khi thả tôm khoảng 1 tháng là bắt đầu thả cua biển vào nuôi chung với tôm. Cua giống được thả nuôi thường có kích cỡ bằng hột me trở lên, nên còn được gọi là cua me có giá 3.000 - 5.000 đồng/con. Ông Phươl cho biết thêm: “Ở đây nuôi tôm quảng canh nên không có cho ăn bằng thức ăn, còn cua biển thì cho ăn bằng cá rô phi được bắt từ chính vuông nuôi tôm cua, nên coi như không tốn gì hết. Nuôi cua này dễ lắm, chỉ cần mình cho ăn đầy đủ là cua không đi đâu hết”.

Theo anh Lý Út Đen ở xã Hòa Đông, do nguồn cua giống được khai thác tự nhiên, nên khi thả lượng hao hụt khoảng 30% và thời gian nuôi khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch cua loại I (trọng lượng 2 - 3 con/kg). Anh Út Đen chia sẻ: “Đối với cua biển, do con giống lúc thả đủ mọi kích cỡ, nên không thu hoạch hết một lần mà phải thu tỉa bán dần, mỗi ngày vài chục ký. Đầu vụ thu hoạch đến giờ, cua vô loại I tôi đều bán được giá 180.000 đồng/kg. Với 1,3 ha này, nêu thu hết cũng được khoảng 1,3 tấn, trừ chi phí con giống, công chăm sóc… cũng còn lời trên 130 triệu đồng, tính ra đâu có thua gì tôm sú”.

Chú trọng kỹ thuật

Với lợi thế ven biển cùng dãy rừng phòng hộ trên các bãi bồi, thiên nhiên đã ban tặng cho người dân vùng đất thị xã Vĩnh Châu nguồn lợi cua biển giống khá dồi dào và một điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi cua biển thương phẩm có giá trị và hiệu quả cao. Những lợi thế trên cùng giá cua biển thương phẩm khá ổn định đã đưa diện tích nuôi cua biển của Vĩnh Châu tăng dần trong những năm qua, tập trung nhiều tại các xã: Hòa Đông, Lạc Hòa, Vĩnh Hải, Vĩnh Hiệp…

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, tính đến đầu tháng 9, nông dân thị xã thả nuôi được 351 ha cua biển, trong đó, có 142 ha đã thu hoạch với năng suất bình quân ước 900 kg/ha. Ông Lý Chí Hiếu, Phó Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết, khi bắt cua giống về người nuôi thường thả trực tiếp xuống vuông mà không ương vèo nên cua dễ bị sốc gây hao hụt nhiều. Ngoài ra, khâu diệt tạp chưa tốt nên khi thả, cua bị cá tạp ăn, dẫn đến tỷ lệ sống không cao. Để khắc phục vấn đề này, trước khi thả cua ra vuông nuôi, người nuôi nên diệt cá tạp và vèo cua trong ao khoảng 15 - 20 ngày để hạn chế cua bị hao hụt.

>> Ông Lý Chí Hiếu, Phó Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu: “Cua biển chủ yếu được người dân tận dụng nuôi xen canh trong vuông tôm sú quảng canh, nên cũng giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Cua biển sinh trưởng và phát triển tốt ở môi trường nước có độ mặn 15 - 25‰, nên mùa vụ thả giống thích hợp vào khoảng tháng 2 - 3, thu hoạch dứt điểm vào tháng 7 - 8 dương lịch”.


Related news

su-dung-thuc-an-tuoi-trong-nuoi-trong-thuy-san-nhung-he-luy Sử dụng thức ăn tươi… them-nhieu-loai-thuy-san-duoc-san-xuat-giong-nhan-tao-thanh-cong Thêm nhiều loài thủy sản…