Tin thủy sản Sóc Trăng sẽ xây dựng dự án liên kết chuỗi giá trị cá đồng

Sóc Trăng sẽ xây dựng dự án liên kết chuỗi giá trị cá đồng

Author Kim Anh, publish date Wednesday. October 2nd, 2024

Nuôi cá đồng thay lúa vụ 3 cho hiệu quả kinh tế cao, Sóc Trăng định hướng phát triển nguồn lợi, liên kết chuỗi giá trị cá đồng ở các địa phương vùng trũng.

Từ tháng 7 – 8 âm lịch hằng năm, khi mực nước đầu nguồn sông Mê Kông đổ về, cũng là lúc người dân tại các địa phương vùng trũng tỉnh Sóc Trăng bắt đầu tất bật với nghề “ăn theo con nước". Trong đó, khai thác cá đồng là mô hình đang tạo ra thu nhập khá cho bà con.

Thị xã Ngã Năm là địa phương vùng trũng, thường xuyên xảy ra ngập úng vào mùa mưa bão do đê bao chưa khép kín. Vì vậy, chính quyền địa phương không khuyến khích nông dân sản xuất lúa vụ thu đông. Thay vào đó, tận dụng nguồn lợi thủy sản nội đồng lớn, bà con phát triển nghề nuôi cá đồng với diện tích lên đến 3.200ha.

Từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, nông dân tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành các vùng nuôi có hiệu quả, với đa dạng phương thức thả nuôi. Nhiều nhất là mô hình nuôi cá đồng trên ruộng lúa với quy mô 2.500ha, tạo ra sinh kế mới, cho thu nhập khá ổn định.

Bà con nông dân được tập huấn về kỹ thuật lên đê bao, quy trình ương dưỡng, chọn cá giống... để phát triển mô hình nuôi cá đồng ổn định, bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Được sự hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lê Văn Ít ở ấp Tân Trung, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm đã đầu tư mua sắm các vật dụng cần thiết để đăng quầng nuôi cá ngay trên ruộng của gia đình.

Vụ nuôi năm nay, ông Ít thả khoảng 100kg cá giống, chủ yếu là các loài có giá trị kinh tế cao như cá lóc, cá trê. Đến thời điểm thu hoạch, những con cá nhỏ sẽ được tiếp tục giữ lại trong ruộng lúa để sinh sản tự nhiên, vừa tạo nguồn lợi thủy sản vừa có thể phát triển thêm nhiều đợt nuôi khác.

Nhờ vậy qua 2 năm qua, với 30 công đất (1.000m2/công), lợi nhuận từ nuôi cá đồng ông Ít thu được khoảng 100 triệu đồng và có xu hướng tăng dần.

Trong khi đó, gia đình ông Ngô Văn Khải ở ấp Mỹ Hiệp (xã Long Bình) cứ đầu vụ hè thu hàng năm là đầu tư kỹ bờ bao xung quanh 6ha ruộng của gia đình để nuôi cá đồng. Theo ông Khải, với diện tích này, sau 5 tháng nuôi, 1 tấn cá sẽ cho lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Đặc biệt, mô hình ít rủi ro, tạo được môi trường tự nhiên, vụ lúa sau sẽ tiết giảm được chi phí đầu tư.

“Làm lúa vụ 3 thấy không chắc chắn do mưa bão, đất vùng này cũng sâu lại hay bị chuột cắn phá. Mô hình nuôi cá đồng vừa nhàn, lại cho lợi nhuận cao hơn”, ông Khải bộc bạch.

Nuôi cá đồng trong ruộng lúa mang lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân vào mùa nước nổi. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, mô hình nuôi cá đồng tại thị xã Ngã Năm đang được ngành nông nghiệp địa phương triển khai nhân rộng với nhiều hình thức như lúa – cá kết hợp với trồng cây ăn trái, trồng màu (khoảng 120ha); nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa (153ha), chủ yếu là cá trê, cá rô, cá lóc, cá sặc.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, tùy theo điều kiện nuôi và chăm sóc của bà con, các mô hình cho thu nhập tăng thêm trên 10 triệu đồng/ha. Đơn vị thực hiện hỗ trợ 50% chi phí về con giống. Đồng thời tập huấn cho bà con về kỹ thuật, từ việc lên đê bao, quy trình ương dưỡng đến phương pháp chọn cá giống...

Ngoài ra, hiện nay một số bà con ở thị xã Ngã Năm còn phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng được chế biến từ cá đồng như mắm cá rô không xương Biển (xã Tân Long); mắm cá lóc đồng Kim Ly (phường 1), mắm cá sặc, chả cá… Qua đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích cho người dân địa phương.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có trên 160.000ha đất sản xuất lúa ở khu vực vùng trũng và hơn 10.000ha nuôi tôm - lúa trên vùng lợ - ngọt.

Ngoài lượng cá giống được bà con nông dân chủ động thả nuôi, nhiều địa phương trong tỉnh còn khai thác được sản lượng cá đồng khá lớn ngoài tự nhiên. Trong quá trình phát triển nghề nuôi, bà con cũng chú trọng đảm bảo hài hòa giữa hoạt động khai thác và khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mô hình nuôi cá đồng kết hợp trong ruộng lúa tại các địa phương vùng trũng là định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, nuôi cá đồng kết hợp trong ruộng lúa tại vùng trũng là định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Sóc Trăng. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi vụ lúa thu đông xen những mô hình cây trồng, vật nuôi khác để nâng cao hiệu quả cho bà con.

Trong đó, nuôi cá đồng luân canh, kết hợp trồng lúa đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao. Về lâu dài, Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và đề án cụ thể để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các khu vực vùng trũng. Đặc biệt là kết hợp nuôi những loại cá có giá trị kinh tế cao, tích hợp đa giá trị lợi nhuận trên một cùng một diện tích đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho bà con.

Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng dự thảo Dự án “Phát triển nguồn lợi, xây dựng mô hình và liên kết chuỗi giá trị cá đồng 4 huyện, thị xã vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng”. Dự án được xem là trợ lực quan trọng để các địa phương phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, đưa hoạt động nuôi cá đồng trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.


Related news

hop-tac-de-phat-trien-ben-vung-vung-nuoi-tom-cong-nghe-cao Hợp tác để phát triển… lo-phong-ngua-dich-benh-cho-tom-sau-mua-lon Lo phòng ngừa dịch bệnh…