Tin nông nghiệp Sử dụng bẫy dính màu phòng trừ sâu hại trên rau

Sử dụng bẫy dính màu phòng trừ sâu hại trên rau

Author Ngọc Huyền, publish date Saturday. August 7th, 2021

Từ khi áp dụng mô hình bẫy dính màu, bà con nông dân trồng rau tại Tiền Lệ, Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội giảm được hai lần phun thuốc BVTV trên mỗi lứa rau.

Cán bộ Trồng trọt và BVTV Hà Nội hỗ trợ nông dân kiểm tra bẫy dính màu vàng. Ảnh: TT.

Thực hiện phân công chỉ đạo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, năm 2021, Trạm Trồng trọt và BVTV Hoài Đức triển khai mô hình áp dụng bẫy dính màu phòng trừ sâu hại trên rau tại HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên.

Theo bà Đặng Thị Thu Thủy, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV Hoài Đức, mục đích của mô hình nhằm đánh giá hiệu quả phòng trừ sâu hại ở công thức sử dụng bẫy dính màu so với công thức làm theo tập quán của nông dân trong phòng trừ một số đối sâu hại trên rau. Từ đó, so sánh hiệu quả phòng trừ (thành phần, tỷ lệ các loại sâu vào bẫy) giữa các loại màu của bẫy dính trong phòng trừ sâu hạ.

Đơn vị sử dụng hai loại bẫy dính màu vàng và màu xanh để phòng trừ trưởng thành có cánh của các đối tượng sâu hại như: ruồi đục lá, bọ trĩ, bọ phấn, sâu tơ, bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng,… trên rau họ hoa thập tự. Quy mô thử nghiệm 6 sào/điểm, thời gian thực hiện thử nghiệm 4 tháng trên rau họ thập tự.

Bà Thủy cho biết, khi tham gia mô hình, các hộ nông dân sẽ được tập huấn các kiến thức cơ bản về phương pháp điều tra hệ sinh thái trên đồng ruộng. Cách nhận dạng, so sánh các triệu chứng gây hại của một số đối tượng sâu bệnh hại chính trên cây rau làm thử nghiệm. Hướng dẫn nông dân mục đích, phương pháp sử dụng bẫy dính màu (cách đặt bẫy, thay bẫy...) trên đồng ruộng. Tuyên truyền cho nông dân hiểu về tác động và ảnh hưởng của việc phun thuốc BVTV đến thiên địch, con người và hệ sinh thái môi trường.

Tại khu bãi Tiền Lệ, thuộc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, vùng chuyên canh rau ăn lá tập trung của Hà Nội, mô hình thử nghiệm được bố trí thành 3 công thức.

Trong đó, công thức 1: Dùng bẫy dính màu vàng để phòng trừ sâu hại (quy mô 2 sào). Công thức 2: Dùng bẫy dính màu xanh để phòng trừ sâu hại (quy mô 2 sào). Công thức 3: Phòng trừ sâu, bệnh theo tập quán của nông dân (quy mô 1,5 sào). Công thức 4: Đối chứng, không phòng trừ sâu bệnh (quy mô 0,5 sào). Phòng trừ bệnh hại ở công thức 1, 2 và 4 theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, các công thức nên cách nhau tối thiểu 30m để đảm bảo độ chính xác của thử nghiệm.

Bẫy dính màu vàng là loại bẫy 1 mặt có kích thước 21cm x 19cm, bóc ra khi sử dụng thành kích thước 21cm x 38cm. Số lượng bẫy dính sử dụng cho thử nghiệm với diện tích 2 sào và 4 tháng theo dõi 160 cái (10 cái/sào x 2 lần thay bẫy/tháng/sào x 4 tháng x 2 sào).

Bẫy dính màu xanh là loại 2 mặt có kích thước 21cm x 19cm. Số lượng bẫy dính sử dụng cho thử nghiệm với diện tích 2 sào và 4 tháng theo dõi là 160 cái (10 cái/sào x 2 lần thay bẫy/tháng/sào x 4 tháng x 2 sào).

Thời gian sử dụng bẫy bắt đầu khi trồng cây trên ruộng. Mật độ treo bẫy 10 bẫy/sào, chia đều trên ruộng. Đối với cây ra họ hoa thập tự, tiến hành treo bẫy vào cọc và cắm cọc xuống đất sao cho bẫy cao hơn cây từ 15 - 20cm và thời gian thay bẫy mới 15 ngày/lần.

Ông Kiều Duy Hồng, HTX Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, sau khi được HTX hỗ trợ bẫy dính, ông tiến hành cắm bẫy ruồi vàng, bọ nhảy, bướm và nhận thấy hiệu quả rất cao. Các loại côn trùng, sâu bệnh hại, bọ nhảy dính bẫy với số lượng rất lớn nên mật độ gây hại trên rau giảm rõ rệt.

Bà Nguyễn Thị Xuân, một xã viên khác của HTX Tiền Lệ tham gia mô hình khẳng định, nhờ tính năng phản xạ và mùi hương hấp dẫn nên cả bẫy xanh và bẫy vàng đều phát huy hiệu quả rất cao, đặc biệt là bẫy màu vàng.

Từ khi áp dụng mô hình bẫy dính màu 2 tháng nay, bà Xuân giảm được 2 lần phun thuốc BVTV, hiện chỉ còn phải "đánh thuốc" duy nhất 1 lần lúc rau còn nhỏ, trong khi trước đây gia đình bà phải đánh thuốc 2 đến 3 lần/lứa rau.


Related news

giai-phap-xu-ly-dat-bang-chat-cai-tao-sea-cho-vuon-cay-an-trai Giải pháp xử lý đất… trong-dua-hau-phu-bat-nilon-tren-dat-lua-chuyen-doi Trồng dưa hấu phủ bạt…