Sử Dụng Chế Phẩm Độn Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi Ở Xã Yên Hòa (Hưng Yên)
Trong khi các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đang tìm mọi cách để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải của vật nuôi thì người dân xã Yên Hòa (Yên Mỹ - Hưng Yên) đã và đang áp dụng thành công mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và hạn chế dịch bệnh, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.
Là một trong những xã có nghề chăn nuôi làm chủ đạo, những năm gần đây việc chăn nuôi gia cầm của xã Yên Hòa phát triển khá nhanh. Tổng đàn gia cầm ở xã hiện nay 82 nghìn con, chủ yếu là gà lai Đông Tảo. Bình quân mỗi hộ nuôi với quy mô đàn từ 500 - 1.000 con, cá biệt có những hộ chăn nuôi với quy mô lớn hơn từ 2.000 - 5.000 con.
Chăn nuôi tập trung với quy mô ngày càng lớn (mật độ cao, lứa nuôi liên tục…), việc theo dõi, quản lý dịch bệnh khá phức tạp, xã đã hướng dẫn người chăn nuôi gà theo hướng an toàn và hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra trong đàn gà, gây lây lan cho vật nuôi khác. Qua đó, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống còn góp phần tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Từ năm 2004, được sự tài trợ của Tổ chức Care, xã Yên Hòa đã triển khai thực hiện thành công mô hình “Cụm dân cư chăn nuôi an toàn sinh học” với quy mô 30 hộ tại thôn Khóa Nhu 2. Đây là tiền đề giúp cho nông dân trong xã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà theo hướng an toàn.
Đến nay 100% các hộ trong xã đã áp dụng mô hình chăn nuôi này, góp phần ổn định và phát triển số lượng đàn gà hàng năm của xã. Tuy nhiên, khi chăn nuôi đã phát triển mạnh thì lượng chất thải chăn nuôi nhiều lên, trong khi đó người dân có xu hướng ít dùng phân chuồng, mà chủ yếu là phân vô cơ bón cho đồng ruộng, dẫn tới chất thải chăn nuôi bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống…
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, tháng 2.2013, Sở KH & CN đã phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT triển khai ứng dụng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng chất độn chuồng sinh học cho 22 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.
Ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, chi phí cho xử lý môi trường theo phương pháp này rất thấp, sử dụng được lâu năm, nguyên liệu chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp như: Trấu, mùn cưa để làm chất độn chuồng, kết hợp với phun chế phẩm sinh học lên bề mặt nền đệm lót để tạo thành chất men vi sinh giúp phân giải phân, nước tiểu, làm giảm mùi hôi thối, ruồi muỗi.
Đặc biệt, chất độn chuồng này còn tạo ra một loại protein có lợi, trở thành thức ăn sinh thái rất tốt cho vật nuôi. Vì trong quá trình phân giải, các chất dinh dưỡng trong phân vật nuôi sẽ chuyển hóa thành protein vi sinh vật có lợi. Các vi sinh vật có lợi sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa của vật nuôi được tốt hơn, nhờ đó mà hiệu quả sử dụng thức ăn của vật nuôi tăng, phân bớt hôi ngay từ lúc vật nuôi thải ra ngoài.
Ông Trần Văn Xanh, Trưởng ban Thú y xã Yên Hòa cho biết về cách làm chế phẩm men: “Đem 2 kg chế phẩm độn lót sinh học trộn đều với 15 kg bột ngô, cho thêm hơn 5 lít nước sạch, xoa cho ẩm đều sau đó cho vào túi hoặc thùng và để chỗ ấm, ủ trong 2-3 ngày, số lượng này dùng trên 60m2 nền chuồng nuôi”.
Ông Xanh cũng cho biết, nếu thực hiện tốt việc tạo chế phẩm men sẽ giúp cho phần đệm lót chuồng nuôi giảm đáng kể mùi hôi thối. Nếu trước kia, nguời chăn nuôi phải dọn chất độn chuồng thường xuyên và phải đeo khẩu trang vì chất thải của gà, thì nay có vào chuồng gà cũng không còn mùi hôi nữa. Hơn nữa, cũng giảm đáng kể công lao động vì không phải dọn và thay đệm lót chuồng.
Qua thời gian hơn 6 tháng triển khai thực hiện, bước đầu cho thấy hiệu quả của mô hình đệm lót sinh học. Với hộ ông Trịnh Kế Hữu, thôn Khóa Nhu 2 - người tham gia mô hình cho biết: “Tôi tham gia diện tích nuôi 300m2 với số lượng 1000 con gà thịt, 500 con gà hậu bị giống lai Đông Tảo. Trước đây, nuôi bằng cách truyền thống thì gà luôn bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, nhất là mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường mà ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh.
Nhưng khi thực hiện mô hình đệm lót sinh học thì hiệu quả cải thiện đáng kể, đặc biệt là không còn biểu hiện của các bệnh về đường hô hấp, gà tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao. Vấn đề môi trường cũng được giải quyết một cách cơ bản. 6 tháng nay, kể từ khi tôi dùng chế phẩm độn lót sinh học, chưa một lần thay đệm lót chuồng nhưng không hề có mùi hôi thối…”. Hiện toàn xã đã có trên 70 hộ áp dụng mô hình này.
Từ mô hình triển khai thành công tại xã Yên Hòa khẳng định việc áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mô hình chăn nuôi này cần được nhân rộng ra nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao