Tin thủy sản Sử dụng trí nhớ cá vàng để nuôi cá ít tốn kém hơn

Sử dụng trí nhớ cá vàng để nuôi cá ít tốn kém hơn

Author Quốc Hùng KHPT (theo Telegraph), publish date Thursday. December 26th, 2019

Cá vàng có khả năng hình thành các phản xạ có điều kiện giống như nhiều loài động vật bậc cao khác, và trí nhớ của chúng có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Quan niệm trí nhớ của cá vàng chỉ tồn tại trong vài giây là không chính xác. Ảnh: onlinebdshopping

Huyền thoại về trí nhớ của cá vàng

“Não cá vàng” là thuật ngữ hay được dùng để gọi những người đãng trí, hay quên, nói trước quên sau. Điều này xuất phát từ một niềm tin phổ biến cho rằng, trí nhớ của cá vàng chỉ tồn tại trong 3 giây và mỗi vòng nó bơi quanh bể giống như nhìn thấy thế giới lần đầu tiên. Tuy nhiên, đây chỉ là một nhận định sai lầm.

Không ai biết huyền thoại về trí nhớ của cá vàng bắt nguồn từ đâu. “Nó dường như đến từ một quảng cáo nhiều năm trước, nhưng đến giờ không còn ai nhớ rõ”, Ashley Ward, nhà sinh vật học tại Đại học Sydney, Australia, cho biết.

Ngoài cá vàng, nhiều người cho rằng các loài cá khác cũng có trí nhớ kém và hay quên. Nguyên nhân có thể là do ảnh hưởng của một số bộ phim hoạt hình cho trẻ em như “Đi tìm Nemo” của hãng Disney, với nhân vật chính là chú cá đãng trí Dory.

Cá vàng có tên khoa học là Carassius auratus, thuộc họ cá chép (Cyprinidae). Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, cá vàng có khả năng ghi nhớ và học tập, chúng thậm chí còn thông minh hơn cá hồi. Mức độ thông minh của cá không hề thua kém chim và nhiều động vật có vú khác. Những loài thuộc họ cá chép ít nhất cũng thông minh ngang bằng chuột. Một số loài như cá tuế, cá gai và cá bảy màu có thể học cách thoát khỏi mê cung, nhận ra những con cá khác và ghi nhớ đối thủ cạnh tranh.

Trí nhớ dài hạn của cá vàng

Tính đến nay đã có ít nhất ba nghiên cứu độc lập về cá vàng cho thấy khả năng ghi nhớ của chúng lớn hơn 3 giây.

Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học tại Đại học Plymouth (Anh) dạy cá vàng gạt một công tắc trong bể nước để lấy thức ăn. Để tăng độ khó, các nhà khoa học thiết lập công tắc để nó chỉ hoạt động một giờ mỗi ngày trong thời gian 3 tháng. Cá vàng thay vì bơi đi bơi lại mà không nhận được thức ăn, chúng bắt đầu thích nghi và đẩy công tắc ít thường xuyên hơn trong những thời điểm không có thức ăn. Thậm chí cá vàng còn gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học khi chúng gạt công tắc đúng vào thời điểm thức ăn sắp xuất hiện. Điều này cho thấy, cá vàng nhớ chính xác thời điểm có thức ăn.

Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học tại Đại học Queen›s Belfast đã chứng minh trí nhớ vượt trội của cá vàng. Cá vàng sẽ tránh xa một khu vực đặc biệt của bể nuôi, nơi chúng bị điện giật nhẹ trong 24 giờ trước đó. Kết quả này chỉ ra rằng, cá vàng nhớ được vị trí gây nguy hiểm, khiến chúng phải chịu cảm giác đau đớn.

“Cá vàng có thể học cách tránh kẻ thù sau khi bị tấn công một lần và chúng lưu giữ những ký ức này trong nhiều tháng”, Kevin Warburton,nhà nghiên cứu tại Đại học Charles Sturt, Australia, nhận định.

Nghiên cứu thứ ba là của Rory Stokes, một học sinh tại Trường Khoa học và Toán học Australia. Rory đặt một đèn tín hiệu vào trong bể cá vàng vào thời điểm cho cá ăn mỗi ngày, đồng thời đo khoảng thời gian cá bơi đến ngọn đèn để lấy thức ăn. Khoảng thời gian này giảm đáng kể trong 3 tuần, từ một phút đến vài giây, sau đó Rory loại bỏ đèn tín hiệu. Sáu ngày sau đó, Rory đặt ngọn đèn lại vào trong nước. Mặc dù không nhìn thấy ngọn đèn trong một tuần, con cá bơi đến ngọn đèn trong 4,4 giây. Điều này cho thấy, cá vàng nhớ được mối liên kết giữa ngọn đèn và thức ăn trong ít nhất 6 ngày.

“Nhiều người cho rằng, trí nhớ của cá vàng chỉ tồn tại trong 3 giây và mỗi vòng nó bơi quanh bể giống như nhìn thế giới lần đầu tiên. Tôi tin rằng đây chỉ là một huyền thoại, nhằm làm cho chúng ta cảm thấy ít tội lỗi về việc nuôi cá trong các bể nhỏ”, Rory nói.

Kỹ thuật nuôi cá ít tốn kém

Cá thường được nuôi trong lồng bè gần bờ biển. Đây là kỹ thuật nuôi cá rất phổ biến nhưng đòi hỏi phải đầu tư nhiều vào lồng, bè và nhân lực để giám sát, nuôi dưỡng, đánh bắt. Biện pháp nuôi này cũng gây ra nhiều tranh cãi, khi phân cá làm ô nhiễm nước và môi trường ven biển.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu về trí nhớ dài hạn của cá vàng nói riêng và các loài cá khác nói chung, ba nhà nghiên cứu Boaz Zion, Ilan Karplus và Assaf Baraki tại Viện công nghệ Technion, Israel, đã cố gắng tìm ra công nghệ mới để nuôi cá ngoài biển khơi, không gây hại cho môi trường nhưng vẫn mang lại lợi nhuận.

Giống như cách mà nhà sinh lý học Ivan Pavlov người Nga thiết lập phản xạ có điều kiện cho những con chó, khiến chúng tiết nước bọt trong miệng khi nghe tiếng chuông mỗi khi đến giờ ăn, các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Technion dạy cho những con cá liên kết tiếng chuông dưới nước với thức ăn. Sau một tháng thiết lập phản xạ có điều kiện, những con cá này được thả ra biển trong 5 tháng để tự phát triển. Khi cá đủ lớn để bán ra thị trường, nhóm nghiên cứu gọi chúng lại bằng tiếng chuông và bắt bằng lưới đánh cá.

Các nhà nghiên cứu nói rằng, đây là công nghệ nuôi cá mới ít tốn kém hơn. Ngoài ra, nó còn mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như làm giảm tác động xấu tới môi trường do cá phát triển trong điều kiện tự nhiên thay vì phải sống trong một cái lồng chật chội.

“Phương pháp mới có nhiều lợi thế. Cá phát triển ngoài tự nhiên, không sử dụng lồng nuôi và không gây ô nhiễm môi trường. Việc cho cá ăn sẽ rẻ hơn nhiều vì những con cá tự nuôi sống bản thân”, các nhà khoa học nhận định. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong một hội thảo về Đất đai, Môi trường và Nông nghiệp do Hiệp hội khoa học đất Israel và Hiệp hội Kỹ thuật Nông nghiệp Israel đồng tổ chức.


Related news

tom-chua-lanh-ca-bi-thuong Tôm chữa lành cá bị… su-ket-hop-moi-tang-cuong-suc-de-khang-cua-ca Sự kết hợp mới tăng…