Tin nông nghiệp Syngenta song hành cùng tái cơ cấu nông nghiệp

Syngenta song hành cùng tái cơ cấu nông nghiệp

Author Linh Tú, publish date Thursday. April 21st, 2016

Thưa ông, được biết ông mới được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc lâm thời của Tập đoàn Syngenta từ tháng 11.2015. Ông có thể cho biết, lý do ông tới thăm Việt Nam trong dịp này?

- Syngenta đã có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 1990. Đến nay, Syngenta có 2 văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội, nhà máy tại Biên Hòa, trung tâm nghiên cứu đặt tại Nam Định và Tiền Giang. Mỗi năm, đội ngũ nhân viên 550 con người của Syngenta đã và đang mang những sản phẩm chất lượng cao đến hàng triệu nông dân Việt Nam trên mọi tỉnh thành. Năm 2015, Syngenta là công ty đầu tiên tiên phong mang công nghệ ngô chuyển gen đến Việt Nam.

Với vị thế đó, Việt Nam là thị trường trọng điểm và giữ vai trò quan trọng cho hoạt động và sự phát triển của Syngenta tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những ảnh hưởng to lớn của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế quốc gia nói chung, cũng như vấn đề về an toàn thực phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng. Tôi muốn nhân chuyến thăm này tìm hiểu sâu hơn về những khó khăn, thách thức để từ đó Syngenta có thể xây dựng những chiến lược ngắn và dài hạn nhằm mang đến những sản phẩm và giải pháp góp phần giải quyết những khó khăn thách thức này.

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung vào việc giải quyết các vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp, cá nhân ông và Tập đoàn Syngenta đánh giá như thế nào về các vấn đề này?

- Syngenta ý thức vai trò của mình đối với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó, chú trọng vào 4 vấn đề sau đây: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững và giá trị gia tăng; hợp tác công - tư (PPP) – mối tương quan hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp; vai trò của công nghệ trong phát triển nông nghiệp giúp tăng năng suất và thu nhập cho nông dân; việc lạm dụng thuốc trừ sâu và vấn đề về an toàn thực phẩm, nguy cơ về môi trường, sức khỏe người nông dân.

Nói về tái cơ cấu nông nghiệp, hiện Việt Nam đang có những bước khởi động và triển khai chương trình khá bài bản. Quan điểm của Syngenta về chương trình này như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để hỗ trợ các sáng kiến giúp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Trọng tâm của Syngenta toàn cầu chính là việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả với quy mô thích hợp thông qua các giải pháp tích hợp của chúng tôi bao gồm các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ quản lý nông trại tiên tiến cùng với quan hệ đối tác và hợp tác. Việt Nam là một trong những thị trường chính tại khu vực APAC sẽ được hưởng lợi từ “Giải pháp cây trồng tích hợp” của Syngenta bất kể áp dụng theo quy mô lớn hay nhỏ.

Ông John Ramsay được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc lâm thời Tập đoàn Syngenta từ tháng 11.2015. Trước đó, ông từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng khác tại Syngenta và Zeneca, ICI (2 công ty tiền thân của Syngenta) như phụ trách giám sát tài chính Tập đoàn (2000 – 2007), Giám đốc Tài chính ngành nông dược Zeneca khu vực châu Á – Thái Bình Dương (1994 – 1999), giám sát tài chính ngành thuốc bảo vệ thực vật ICI khu vực châu Mỹ - La Tinh (1987 – 1990)...

Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng vào việc hỗ trợ định hướng của Bộ NNPTNT về việc tái cơ cấu cây trồng. Ví dụ, chúng tôi góp phần chuyển đổi ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô có năng suất cao, giúp giảm lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam và phát triển sản xuất trong nước thông qua các giải pháp cây trồng tích hợp, hạt giống ngô chất lượng cao và các giống chuyển gen.

Với lợi thế phạm vi hoạt động toàn cầu, Syngenta có khả năng nghiên cứu ra những bộ sản phẩm đa dạng phù hợp với từng quốc gia. Mỗi năm, Syngenta đầu tư hàng tỷ USD vào công tác nghiên cứu giống và phát triển sản phẩm. Đơn cử, chúng tôi đã nghiên cứu được các giống ngô lai có khả năng chịu hạn và hiện tại các giống này đang được trồng ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển thêm nhiều giống khác nữa để giúp người dân chống chọi với biến đổi khí hậu.

Còn quan điểm về hợp tác công - tư (PPP) – mối tương quan hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp của Syngenta thế nào, thưa ông?

- Syngenta hay bất cứ tổ chức nào khác không thể có mọi lời giải cho thách thức về an ninh lương thực toàn cầu, tuy nhiên, cùng nhau chúng ta có thể tìm ra giải pháp. Chúng tôi cũng giữ vai trò quan trọng trong Dự án WEF tại VN như: cà phê, ngô, qua đó minh chứng rằng tư nhân cũng có thể chủ động cộng tác với các đối tác khác để đưa công nghệ mới đến với nông dân Việt. Trong năm 2014 và năm 2015 chúng tôi đã hợp tác với Trung tâm Phát triển công nghệ và khuyến nông thuộc VAAS để thực hiện dự án hỗ trợ chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho nông nghiệp bằng cách phát triển trồng ngô trong vụ đông tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Dự án đã xây dựng 30ha mô hình thí điểm và tập huấn cho hơn 3.000 nông hộ nhỏ về cách thức giải pháp Syngenta trên ngô có thể giúp tăng ít hất 20% thu nhập của họ. Syngenta sẽ tiếp tục nỗ lực để mở rộng quy mô dự án và phấn đấu tiếp cận 5.000 nông hộ nhỏ trong năm 2016.

Xin cảm ơn ông!


Related news

100-000-ho-chan-nuoi-noi-khong-voi-chat-cam 100.000 hộ chăn nuôi nói… ga-my-ne-sieu-thi-do-vao-khu-cong-nghiep Gà Mỹ né siêu thị,…