Mô hình kinh tế Tái cơ cấu cây ăn trái

Tái cơ cấu cây ăn trái

Publish date Friday. August 21st, 2015

Đặc biệt, đối với cây xoài thì 2 năm qua các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang và thành phố Cần Thơ đã hình thành được chuỗi liên kết trong việc tổ chức sản xuất rải vụ theo hướng an toàn. Theo đó, Hậu Giang là tỉnh có diện tích xoài sản xuất rải vụ nhiều nhất trong khu vực ĐBSCL với 1.600ha và được phân 3 kỳ thu hoạch: tháng 1-2, tháng 7-9 và thàng 10-12; Cần Thơ thu hoạch từ tháng 1-2, Vĩnh Long tháng 8-12; Tiền Giang tháng 10-2 năm sau; Còn Đồng Tháp là tỉnh có diện tích xoài nhiều nhất đồng bằng với 9.300ha, sản lượng trên 87.380 tấn/năm thì 2 năm qua tỉnh này đã bắt tay tái cơ cấu ngành hàng bằng cách xây dựng các mô hình canh tác xoài an toàn, mô hình sản xuất xoài rải vụ trên 50ha. Kết quả đã tiết kiệm 6-7 lần phun xịt thuốc BVTV, góp phần tăng lợi nhuận cho nhà vườn khoảng 5,6 triệu đồng/ha. Cục Trồng trọt cho biết, quá trình tái cơ cấu ngành hàng xoài của các tỉnh ở ĐBSCL bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Năng suất xoài đạt mức từ 100-129 tấn/ha, thị trường tiêu thụ trái xoài dần đi vào ổn định và rộng đường xuất khẩu, nhất là xoài cát Hòa Lộc.

Đối với cây sầu riêng, bình quân 1ha trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép từ 4 năm tuổi trở lên, nhà vườn giỏi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa rải vụ sẽ thu lãi từ 400 triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng/ha/vụ/năm. Ông Lê Văn Sáu, ấp Tân Thành (xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) là nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của tỉnh và được bà con gần xa đặt cho ông biệt danh vua sầu riêng. Với 700 cây sầu riêng trồng trên diện tích 3,5ha, mỗi năm ông thu lãi hơn 1 tỉ đồng. Ông Sáu cho biết: “Cuộc đời tôi gắn bó với cây sầu riêng hơn 27 năm và cây sầu riêng là cây cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng mía. Đây là cây trồng có triển vọng, giúp nhà vườn thoát nghèo bền vững được”.

Ông Nguyễn Văn Nhủ, ở ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình (Cai Lậy, Tiền Giang), cho biết: Năm 2014 vừa qua, với 2.000m2 trồng sầu riêng thu hoạch trừ chi phí còn lãi trên 330 triệu đồng. Để đạt được giá trị kinh tế cao, bước đầu tiên là nhà vườn mạnh dạn chuyển đổi giống, tiếp theo là ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác. Tất cả công sức và vốn đầu tư của nhà vườn sẽ được cây trả lại một giá trị kinh tế rất cao sau khi thu hoạch.

Cục Trồng trọt cho biết, đến thời điểm này, nhà vườn ở ĐBSCL đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng được khoảng 12.500ha, trong đó diện tích đang cho trái là trên 10.500ha. Tiền Giang là tỉnh trồng nhiều nhất với trên 7.340ha, Vĩnh Long đã phát triển được 1.740ha, Bến Tre đứng thứ 3 với 1.452ha… Tổng sản lượng trái chín năm 2014 đạt trên 200.000 tấn. Thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu đi Trung Quốc với khoảng 60% sản lượng, còn lại tiêu thụ nội địa. Chợ đầu mối Vĩnh Kim, chợ trái cây Mỹ Tho cộng với một doanh nghiệp và hơn 20 cơ sở thu mua tại vùng trồng sầu riêng chuyên canh ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) khoảng 500 tấn trái/ngày đã cơ bản giải quyết được điệp khúc trúng mùa rớt giá.

Đối với cây chôm chôm thì ở khu vực ĐBSCL hiện có 3 tỉnh là Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long được nhà vườn chọn trồng và đã phát triển thành vùng chuyên canh với tổng diện tích trên 7.730ha. Đến nay đã có 6.750ha đang cho trái, sản lượng trái chín cung ứng cho thị trường hàng năm khoảng 122.000 tấn. Các giống được trồng phổ biến là chôm chôm Java, chôm chôm đường và chôm chôm Rongriêng. Qua 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngày càng có nhiều nhà vườn ứng dụng kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa rải vụ thu về giá trị kinh tế khá cao. Giá chôm chôm sản xuất rải vụ có mức từ 18.000-35.000 đồng/kg tùy theo chủng loại giống. Với mức giá trên, sau khi trừ chi phí nhà vườn vẫn còn lãi khoảng 70% so với giá bán. Thị trường tiêu thụ nội địa chiếm 80%, còn lại thì xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ,…

Đối với cây nhãn, sau thời gian dịch bệnh chổi rồng hoành hành trên giống nhãn tiêu da bò thì nhà vườn ở khu vực ĐBSCL đã mạnh dạn chuyển sang giống nhãn Edor, xuồng cơm vàng,… kết quả đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, giải pháp xử lý cho cây ra trái rải vụ và việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã mở rộng được thị trường xuất khẩu. Ông Trương Văn Nghiệp, ở ấp Tân Thái, xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) và cùng với nhiều nhà vườn trong xã đã nhanh tay chuyển vườn nhãn tiêu Huế bị bệnh chổi rồng sang trồng nhãn xuồng cơm vàng đang thu lãi gần 200 triệu đồng/ha/năm. Ông Nghiệp cho biết: “Nhãn xuồng cơm vàng trồng được trên nhiều loại đất; không bị nhiễm bệnh chổi rồng; cho trái to khoảng 25 trái/kg. Bình quân 1ha trồng khoảng 200 cây, năng suất khoảng 15 tấn trái/ha/vụ, giá bán từ 20.000-30.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng/ha. Đầu ra của trái nhãn xuồng cơm vàng đang rất rộng mở thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Đối với cây thanh long đã được 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang tái cơ cấu rất mạnh và phát triển trên 34.200ha. Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với 24.062ha nhưng năng suất chỉ đạt 300 tấn/ha/năm. Tiền Giang là tỉnh có diện tích đứng thứ 3 với khoảng 4.200ha nhưng năng suất cao nhất với mức bình quân 600 tấn/ha/năm; Long An gần 6.000ha và năng suất khoảng 443 tấn/ha/năm. Trong vòng 2 năm trở lại đây, nhà vườn trồng thanh long ở các tỉnh đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cho thanh long ra trái rải vụ chiếm 50% sản lượng năm. Nhờ vậy đã giảm áp lực điệp khúc vào mùa rớt giá.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Qua 2 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, khu vực ĐBSCL đã có 12/13 tỉnh xây dựng đề án hoặc kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, việc tái cơ cấu ngành hàng trái cây bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Thị trường và kim ngạch xuất khẩu có xu hướng gia tăng về số lượng và chủng loại, một số thị trường khó tính đang mở cửa cho trái thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài,… Nông dân có nhiều kinh nghiệp, cần cù và nhạy bén trong tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của trái cây ngon Việt Nam.      


Related news

phat-trien-vu-dong-nhu-mot-vu-chinh Phát triển vụ đông như… tat-ca-lo-thit-ga-nhap-khau-tu-my-deu-co-nguon-goc-ro-rang Tất cả lô thịt gà…