Mô hình kinh tế Tái cơ cấu chăn nuôi miền núi phía Bắc lợi thế & thách thức

Tái cơ cấu chăn nuôi miền núi phía Bắc lợi thế & thách thức

Publish date Saturday. May 2nd, 2015

Tái cơ cấu chăn nuôi miền núi phía Bắc: Lợi thế thách thứcNuôi trâu thịt, lợi thế ở miền núi phía Bắc

Theo đó, ngành chăn nuôi sẽ tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cùng với 4 vấn đề cốt lõi để tái cơ cấu gồm loại vật nuôi, vùng chăn nuôi, phương thức chăn nuôi, chuỗi giá trị - ngành hàng thì nhiều tỉnh trong cả nước đã xây dựng đề án tái cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, phát triển chăn nuôi đang đứng trước những lợi thế cần nắm bắt và thách thức phải tìm lời giải khả thi.

Những lợi thế

- Về không gian: Đa số các tỉnh có diện tích đất đai rộng, nhiều đồi rừng, mật độ dân cư còn thấp, nhiều cây rừng, có lợi thế về nuôi đại gia súc. Đề án tái cơ cấu chăn nuôi đã được phê duyệt với định hướng chuyển dịch chăn nuôi đến các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Do vậy, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ cần thiết ban đầu về SX con giống, thức ăn và công nghệ chăn nuôi. Đây là bước đệm và "cú hích" để khai thông chăn nuôi cho vùng này.

Như vậy, các tỉnh cần phải xây dựng các chương trình, dự án phù hợp với định hướng tái cơ cấu để tận dụng cơ hội đầu tư và chính sách hỗ trợ.

- Về nuôi trâu thịt và các vật nuôi đặc sản: Vùng miền núi phía Bắc là khu vực có sản lượng thịt trâu cao nhất, chiếm tới 40,6% so với cả nước. Các giống trâu thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi và thổ nhưỡng nên phát triển tốt.

Thị trường trâu thịt nước ta hiện tại cũng như tương lai là rất tiềm năng. Đây là cơ hội phát triển loại vật nuôi này.

Ngoài ra, trong vùng cũng có nhiều giống vật nuôi bản địa có nguồn gen quý hiếm như lợn Bản, lợn Mông, lợn Hung, gà H’Mông, gà Ri, gà Tủa Chùa... Các giống bản địa này khi được nuôi với phương thức chăn nuôi hữu cơ thì chất lượng thịt thơm ngon, thị trường tiêu thụ rộng mở và có tiềm năng.

Sử dụng các lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có, các hộ chăn nuôi cần đi theo hướng SX sản phẩm hữu cơ, sinh thái và kết hợp với du lịch.

- Không chịu nhiều áp lực về môi trường và dịch bệnh: Với địa hình rộng và bị chia cắt bởi các dãy núi hiểm trở, mật độ chăn nuôi thấp, vùng miền núi phía Bắc không bị áp lực bởi vấn đề ô nhiễm môi trường như vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ.

Ngoài ra, do địa thế khá biệt lập và giao thương còn thấp nên dịch bệnh ít xảy ra hoặc nếu xảy ra thì có thể khống chế và kiểm soát trong thời gian ngắn.

Những thách thức

- Về thị trường: Cân đối cung cầu là thách thức hàng đầu cho việc SX chăn nuôi của các tỉnh miền núi phía Bắc. Do dân cư thưa thớt và mức sống còn thấp nên cầu thực phẩm tại nội vùng là khá thấp, trừ trung tâm tỉnh lỵ và một số điểm du lịch.

Ngoài ra, điều kiện địa hình hiểm trở, giao thông chưa thuận tiện là những yếu tố quan trọng đẩy giá thành sản phẩm lên cao khi đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại các tỉnh mới sơ khai và thiếu kết nối, thiếu ổn định, chưa có tính cạnh tranh và chuyên nghiệp.

- Về tiếp cận công nghệ chăn nuôi và thông tin: Trong sân chơi kinh tế thì công nghệ luôn là một công cụ để cạnh tranh vì nó tạo ra sự tối ưu về năng suất, chất lượng, giá thành và tính đặc biệt của sản phẩm.

Vùng miền núi phía Bắc là nơi thiếu hụt nghiêm trọng các cơ sở nghiên cứu về chăn nuôi, các cơ sở cung ứng con giống và nhà máy SX thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Đây cũng là vùng có mặt bằng dân trí khá thấp, như hiệu quả của hoạt động khuyến nông chưa cao, thông tin thị trường còn chưa kịp thời. Do vậy, việc tiếp cận và nắm bắt các công nghệ chăn nuôi hiện đại là thách thức không nhỏ cho việc nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi.

- Về vốn đầu tư: Khu vực miền núi phía Bắc là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông không thuận tiện, sức mua thấp, giá thành SX nông nghiệp cao hơn các vùng khác, do đó sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực SX con giống, trang trại, thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, khi đời sống dân cư còn gặp nhiều khó khăn thì tích lũy để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng hạn chế.

- Trong đổi mới tư duy về kinh tế và hội nhập: Nhiều tỉnh còn nặng tư duy “có khả năng gì thì SX ra sản phẩm đó” chứ không phải là “SX ra sản phẩm thị trường cần”.

Cốt lõi của vấn đề tái cơ cấu theo chuỗi giá trị - ngành hàng là các địa phương phải tổ chức lại SX theo chuỗi giá trị, tăng mạnh tính liên kết giữa các tác nhân tham gia của chuỗi sản phẩm, đưa chất lượng lên hàng đầu. Ngoài ra, cần kết nối với các tỉnh khác trong việc cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.


Related news

thua-thien-hue-xu-phat-thuong-lai-ban-giong-ga-dong-tao-gia Thừa Thiên Huế xử phạt… tim-lai-huong-que-tra-my Tìm lại hương quế Trà…