Tin thủy sản Tại sao thay thế dầu cá lại cấp bách hơn bột cá?

Tại sao thay thế dầu cá lại cấp bách hơn bột cá?

Author Hà Tử, publish date Thursday. August 6th, 2020

Bạn có biết lượng cá cần để sản xuất một tấn dầu cá cao hơn rất nhiều so với khi sản xuất một tấn bột cá không?

Một nghiên cứu vừa mới được công bố kết quả, đó kết quả của 10 năm lên kế hoạch và hiện thực hóa ý tưởng của một nhóm chuyên gia đầu ngành. Và sau cùng những chuyên gia này đưa ra kết luận: Những lựa chọn thay thế dầu cá là cần thiết hơn nhiều so với việc tìm nguồn thay thế bột cá trong thức ăn. Như chúng ta đã biết việc chuyển đổi bột cá làm từ các loài cá tạp như cá trích, cá mòi hay cá cơm sang các thành phần khác như bột côn trùng, tảo và nấm men sẽ làm giảm đáng kể áp lực lên nguồn cá đánh bắt từ tự nhiên. Tuy nhiên, thay vì bột cá, thì việc thay đổi dầu cá trong nuôi cá hồi và tôm lại thúc đẩy cả ngành thủy sản đạt được sự bền vững hơn về lâu dài.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng những đổi mới trong thành phần thức ăn có thể không khả thi với đối với các nhà sản xuất. Trong khi vốn đã có rất nhiều thách thức về quy định kinh tế và môi trường đi kèm với việc chuyển đổi thành phần này, nhất là đối với các nhà sản xuất nhỏ. Các chuyên gia cũng đề nghị chỉ nên tìm kiếm các nguồn thay thế có chi phí thấp và có nguồn cung rộng rãi, cho cả những loài có giá trị kinh tế thấp và ở những nước nuôi với quy mô nhỏ. Điều này sẽ cho phép ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi vẫn đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Một sự thật không thể bàn cãi là dầu cá và bột cá đều có nồng độ dinh dưỡng rất cao, nhưng kể từ năm 1980 thì nguồn cá tạp ngày càng khan hiếm và những nguồn dự trữ cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Để không làm gián đoạn việc phát triển của ngành, nhiều nghiên cứu thay thế cho bột cá và dầu cá đã được tiến hành, trong đó có bột ngô, bột đậu nành. Tuy nhiên các nguồn từ thực vật lại gây tác dụng phụ đến tăng trưởng và sức khỏe, vật nuôi lại còn ăn nhiều thức ăn hơn, dẫn đến chi phí cao và làm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) kém.Một số nguồn thay thế dầu cá và bột cá sáng tạo hơn cũng đã được thử nghiệm. Đó là các dạng bột côn trùng, protein đơn bào như vi tảo, vi khuẩn, nấm men. Tuy nhiên kết quả của nghiên cứu này lại bị trộn lẫn, không thể hiểu rõ sự hoạt động và khả năng thay thế của từng thành phần.

Dự án 10 năm để theo dõi tác động của việc thay thế bột cá và dầu cá đã được triển khai. Các chuyên gia đã thu thập rất nhiều dữ liệu trên những loài khác nhau bao gồm: hiệu quả sử dụng thức ăn, thành phần trong chế độ ăn và cho ăn thực tế để dự đoán nhu cầu bột cá và dầu cá cần thiết đến năm 2030. Sau đó tiến hành các nghiệm thức thay thế, rồi phân tích từng nhu cầu khác nhau của từng loài nuôi khác nhau.

Kết quả không quá bất ngờ khi nguồn cung bột cá và dầu cá chắc chắn sẽ quá tải vào năm 2030. Tuy nhiên theo phân tích, nếu giảm 20% lượng đánh bắt ngay bây giờ thì hệ sinh thái sẽ được cải thiện và giảm áp lực đáng kể đối với môi trường. Các nguồn thay thế này hoàn toàn là có thể, tuy nhiên nếu bắt đầu ngay từ bây giờ thì ngoài tầm với của các nhà sản xuất nhỏ. Sinh khối cần để tạo ra một tấn dầu cá cao hơn để tạo ra một tấn bột cá. Do đó phải chú trọng thay thế dầu cá trước tiên.

Nhóm chính trong nghiên cứu bao gồm: cá nước ngọt, cá hồi, tôm, cá biển. Những loài này chiếm đến 90% lượng thức ăn của toàn ngành. Và việc thay thế bột cá bằng bột đậu nành chiếm khoảng 53% thử nghiệm, trong khi đó, vi tảo và bột côn trùng chiếm 18,7 và 16,9% kết quả nghiên cứu. Mặc dù những nỗ lực nghiên cứu đối với việc thay thế bằng bột côn trùng có giá trị ước tính thấp nhất nhưng hứa hẹn mang lại hiệu quả tốt nhất cho tất cả các loài. Có thể thay thế với tỷ lệ 1:1 mà không làm giảm sức khỏe và thay đổi tỷ lệ chuyển đổi thức ăn. Tuy nhiên cần nuôi côn trùng trên những môi trường thật sự chất lượng.

Vi tảo cũng có tiềm năng lớn để thay thế cho dầu cá mà không ảnh hưởng đến hàm lượng omega3, trong khi bột đậu nành chỉ có thể thay thế 30% trong thức ăn của cá biển. Đối với tôm và cá hồi thì còn thấp hơn nữa, chỉ khoảng được 10-25% nhu cầu dầu cá thực tế. Thay thế dầu cá bằng vi tảo nghe có vẻ rất dễ dàng trên lý thuyết. Nhưng thực tế thì lại rất phức tạp do việc sản xuất dầu từ vi tảo đòi hỏi phải tiếp cận với các công nghệ và phải có khả năng chuyên môn rất cao.

Những phân tích trên cũng có rất nhiều hạn chế. Đó là loài nuôi, hệ thống sản xuất, chế độ cho ăn và cách thức bổ sung có thể tác động với nhau theo những cách riêng biệt làm cho những phân tích trở nên phức tạp hơn. Việc sản xuất một phần lớn vi tảo và bột côn trùng với một lượng lớn trong giai đoạn này là rất khó khăn. Do đó gánh nặng về môi trường là rất lớn, đòi hỏi phải có một cái nhìn toàn diện hơn về sự bền vững.

Mặc dù hạn chế là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên nếu được thay thế thì trong tương lai sự bền vững sẽ đến với ngành thủy sản. Ước tính nhu cầu cá nuôi trên toàn thế giới sẽ tăng lên 80 triệu tấn vào năm 2030. Do đó cần ưu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp thức ăn thủy sản này để đảm bảo đủ nhu cầu cho tất cả vật nuôi thủy sản.


Related news

luu-y-trong-nuoi-ba-ba Lưu ý trong nuôi ba… nuoi-ca-long-gan-voi-bao-ve-moi-truong-sinh-thai Nuôi cá lồng gắn với…