Tận dụng rơm rạ, mang lợi ích kép
Lượng rơm rạ sau thu hoạch ở nước ta rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Nguồn rơm rạ này có thể tận dụng, cho giá trị kinh tế cao, bảo vệ môi trường.
Tận dụng rơm rạ làm nấm, mang lại thu nhập khá tốt cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Xử lí rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Trichoderma
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), lượng chất thải từ lúa chiếm tới 50% chất khô. Nghĩa là cứ 1 tấn lúa, lượng phụ phẩm từ lúa cũng tương đương 1 tấn, khoảng 10 -12 tấn phụ phẩm/ha. Do vậy, hằng năm tạo ra một khối lượng rơm rạ khổng lồ trong quá trình sản xuất.
Khối lượng rơm rạ lớn mà không được sử dụng hết là nỗi lo về các bãi chứa, đe dọa ô nhiễm môi trường, sản xuất lúa vụ tiếp theo, đặc biệt với những địa phương có tỷ lệ về sản xuất nông nghiệp lớn.
Những năm trước, nông dân ở ĐBSCL làm lúa xong, lượng rơm rạ dư thừa được nông dân xử lý bằng biện pháp đốt ngay trên đồng ruộng, vừa làm ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, được sự vận động của ngành nông nghiệp địa phương và các nhà khoa học khuyến cáo, nông dân đã có nhiều hình thức tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa làm thức ăn cho gia súc, tận dụng rơm rạ để chất nấm rơm giúp tăng thêm thu nhập.
Đặc biệt, sử dụng nấm Trichoderma và chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại đồng ruộng giúp tăng cường nguồn phân hữu cơ cho đất. Tận dụng nguồn rơm rạ để tạo các sản phẩm có giá trị cao hơn như trồng nấm, ủ phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng giúp giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Bành Đức Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang cho biết: Diện tích lúa hàng năm của tỉnh Hậu Giang trên 200.000 ha và được canh tác 3 vụ chính: đông xuân, hè thu và thu đông. Vì vậy, Hậu Giang là một trong những tỉnh đi đầu ở ĐBSCL về việc sử dụng nấm Trichoderma và chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ tại đồng ruộng để hạn chế ô nhiễm môi trường và đã đem lại hiệu quả cao nhiều năm qua cho nông dân tại địa phương. Hiện nay, mô hình được triển khai rộng khắp tỉnh, từ đó giúp nông dân giảm lượng phân bón và tăng thêm lợi nhuận từ 5-10%.
Theo ông Tín, để có thể xử lý rơm rạ trả về cho đất, chế phẩm sinh học Trichoderma là chế phẩm được sử dụng chủ yếu trong quá trình làm đất (lúa). Trichoderma được phun trực tiếp vào bề mặt rơm rạ, giúp xử lý nhanh rơm rạ, vừa rẻ tiền vừa hiệu quả. Đây là chế phẩm có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Trần Văn Nông, canh tác 3 ha lúa ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết: Trước đây, thông thường làm lúa xong là tiến hành đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Bởi theo quan niệm của bà con thì đốt rạ trên đồng không tốn công, không tốn chi phí, xử lý rơm rạ nhanh chóng… nhưng sang vụ tiếp theo thường tốn nhiều chi phí hơn như phân bón và thuốc BVTV, thậm chí sâu bệnh xuất hiện nhiều trên đồng ruộng.
Gần 5 năm qua, ông đã được được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo không đốt rơm rạ ngoài đồng nữa, mà xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Trichoderma, giúp đất cải tạo dinh dưỡng, lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi, đất không bị chai cứng, khô cằn, tái sinh côn trùng có ích trong đất, lấy lại cân bằng sinh thái ruộng lúa… Vì vậy nhiều vụ lúa vừa qua, năng suất lúa ông Nông đều ở mức cao hơn từ 150-200kg/ha so với ruộng nông dân áp dụng đốt rơm rạ trên đồng.
Phụ phẩm thành nguồn thu nhập
Tại Đồng Tháp, hoạt động sản xuất lúa gạo không chỉ tác động đến môi trường do sử dụng tài nguyên đất, nước, sử dụng phân bón, thuốc hóa học, mà các sản phẩm phụ như rơm rạ, vỏ trấu nếu không được thu gom sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Ủ rơm rạ thành phân bón cho cây trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường hoạt động tập huấn giúp nông dân sử dụng sản phẩm phụ từ sản xuất lúa gạo, như thu gom rơm trên trồng ruộng mang về chất nấm rơm. Bên cạnh đó còn tận dụng rơm rạ để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vỏ trấu cũng được đưa vào phục vụ sản xuất nông sản sạch như sản xuất trấu viên để xuất khẩu, từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường thay vì trước đây phải bỏ đi.
Nhiều HTX ở Đồng Tháp hiện đang tổ chức tập huấn cho các xã viên sử dụng sản phụ từ sản xuất lúa gạo, chủ yếu là thu gom rơm trồng nấm. Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả, tạo ra việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập. Đặc biệt là giảm được ô nhiễm môi trường, tránh gây ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa tiếp theo. Điển hình như HTX nông nghiệp Phước Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Ông Trần Vũ Hiến, kiểm soát viên HTX nông nghiệp Phước Tiền cho biết: HTX có tổng diện tích 2.600 ha, trong đó có 1.800 ha canh tác lúa 3 vụ/năm. Nhiều năm qua, nông dân trong HTX rất phấn khởi và tự tin hơn nhờ hệ thống tưới tiêu khá tốt của HTX đầu tư, lúa trồng trong đê bao nên nông dân rất yên tâm, không sợ mưa lũ bị ngập úng.
Bên cạnh đó HTX còn khuyến khích nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa, thay vì bán hoặc đốt bỏ rơm rạ thì đem về nhà trồng nấm rơm để tăng thu nhập cho gia đình. Khi trồng nấm rơm xong, tận dụng rơm mục có sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để ủ hoai thành phân hữu cơ bón cho rau màu và cây ăn trái của gia đình.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao