Tôm sú Tần suất cho ăn tối ưu nhất đối với tôm sú bố mẹ

Tần suất cho ăn tối ưu nhất đối với tôm sú bố mẹ

Author Thư Mai, publish date Monday. March 14th, 2022

Tôm sú (Penaeus monodon) là loài quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Đến nay, công nghệ chọn giống nhân tạo tôm sú đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất. Tuy nhiên, làm thế nào để có tôm giống khỏe mạnh một cách hiệu quả là vấn đề quan trọng.

Dinh dưỡng trong thức ăn và chiến lược cho ăn là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định hiệu quả sản xuất tôm giống. Ảnh newatlas

Việc xác định thức ăn và phương pháp cho ăn thích hợp không chỉ giúp cải thiện tỷ lệ cho ăn, tỷ lệ sử dụng thức ăn và chất lượng con giống mà còn tránh lãng phí thức ăn, tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường ương. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong quá trình phát triển tuyến sinh dục và sinh sản, tôm bố mẹ cần tiêu hao nhiều năng lượng, cần tổng hợp và tích lũy nhiều nguyên liệu noãn hoàng để phát triển phôi. Vì vậy, cần cung cấp thức ăn hợp lý để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng cho quá trình sinh sản bình thường của tôm bố mẹ. Tần suất cho ăn là một trong những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến sự phát triển và sinh sản bình thường của tôm bố mẹ. Nếu tần suất cho ăn quá thấp có thể không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của tôm bố mẹ trong thời kỳ sinh sản, sự thành thục của tuyến sinh dục và các hoạt động sinh sản bình thường sẽ bị cản trở nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm chất lượng ấu trùng và gây khó khăn cho việc sản xuất con giống. Nếu tần suất cho ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tăng hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR), tăng chi phí nuôi và suy giảm môi trường nuôi.

Hiện nay, có nhiều báo cáo về tần suất cho ăn, nhưng chủ yếu tập trung vào giai đoạn nuôi thương phẩm của tôm và cá. Ảnh hưởng của tần suất cho ăn đối với giai đoạn sinh sản của tôm bố mẹ chưa được báo cáo chi tiết. Do đó, nghiên cứu này nhằm so sánh và phân tích ảnh hưởng của các tần suất cho ăn khác nhau đến khả năng ăn, tăng trưởng, năng suất sinh sản, thành phần cơ thể và hoạt tính enzym tiêu hóa của tôm sú, cung cấp cơ sở lý thuyết và hỗ trợ kỹ thuật để xác định tần suất cho ăn tốt nhất cho tôm sú bố mẹ trong sản xuất con giống.

Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của các tần suất cho ăn khác nhau (TA: 2 lần/ngày, TB: 3 lần/ngày, TC: 4 lần/ngày) đến khả năng ăn, tăng trưởng, năng suất sinh sản, thành phần cơ thể và hoạt động men tiêu hóa của gan tụy của tôm sú bố mẹ được so sánh. Rươi Nereis succinea sống được sử dụng để nuôi tôm sú bố mẹ trong 8 tuần nhằm xác định tần suất cho ăn thích hợp nhất trong thời kỳ sinh sản.

Tôm cái được chọn có trọng lượng ban đầu là 115.65 ± 1.21 g với buồng trứng chưa trưởng thành. Tôm đực có trọng lượng cơ thể ban đầu từ 90 - 110 g. 

Tôm bố mẹ được chia ngẫu nhiên vào ba bể xi măng hình tròn (bán kính 2.5 m, độ sâu 60 cm). Tổng cộng 60 con tôm được bố trí trong mỗi bể. Tần suất cho ăn của ba bể xi măng lần lượt là 2 lần/ngày (nhóm TA), 3 lần/ngày (nhóm TB) và 4 lần/ngày (nhóm TC). Mồi ăn là rươi Nereis succinea sống (rửa sạch trước khi cho ăn, ngâm trong thuốc tím 5 phút, ngâm nước ngọt nửa giờ rồi vớt ra để ráo). Sau khi ăn 2 giờ, số mồi còn lại được thu thập và tính toán lượng ăn hàng ngày. Vào cuối thí nghiệm, chiều dài và trọng lượng của tôm bố mẹ được đo.

8 con tôm bố mẹ trong mỗi nhóm được chọn ngẫu nhiên để phân tích thành phần cơ thể. Bóc bỏ khối gan tụy của 10 con tôm bố mẹ trong mỗi nhóm và bảo quản trong tủ lạnh ở -20℃ để xác định hoạt tính của enzym tiêu hóa.

Trong quá trình thí nghiệm, tôm bố mẹ được nuôi ở nhiệt độ nước 27.0±1.5°C, độ mặn 30–32ppt và pH 8.0–8.3. Sục khí liên tục để duy trì hàm lượng oxy hòa tan cao hơn 6.0 mg/L và hàm lượng amoniac-nitơ không cao hơn 1.8 mg/L. Nước biển dùng trong thí nghiệm được lọc qua bình lọc cát và khử trùng bằng tia cực tím. Một nửa lượng nước được thay vào lúc 14h00 hàng ngày.

Kết quả cho thấy lượng thức ăn hàng ngày của tôm sú bố mẹ tăng lên khi tần suất cho ăn tăng lên và lượng thức ăn hàng ngày của nhóm TA thấp hơn đáng kể so với nhóm TB và TC. Tỷ lệ tăng trọng cao nhất là nhóm TB (12.54%), tiếp theo là nhóm TC và thấp nhất là nhóm TA (lần lượt là 11.20% và 11.12%).

Khả năng sinh sản tương đối của tôm bố mẹ nhóm TA thấp hơn đáng kể so với nhóm TB và TC. Chỉ số tuyến sinh dục của tôm bố mẹ ở mỗi nhóm đều tăng khi tần suất cho ăn tăng lên. Các chỉ số tuyến sinh dục của nhóm TA, TB và TC lần lượt là 8.54%, 8.91% và 9.06%. Thời gian sinh sản được rút ngắn khi tần suất cho ăn tăng lên. Thời gian sinh sản ngắn nhất của nhóm TC là 128.54 giờ, tiếp theo là nhóm TB và lâu nhất là ở nhóm TA.  Tỷ lệ nở của nauplius I ở nhóm TB là cao nhất (75.83%), cao hơn nhóm TC (75.24%) và nhóm TA (74.38%),

Hàm lượng độ ẩm, protein thô, chất béo thô trong tôm sú không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng tần suất cho ăn. Hoạt động của trypsin và lipase ở nhóm TA thấp hơn đáng kể so với nhóm TB và TC, trong khi hoạt tính của pepsin và amylase ở các nhóm nghiệm thức không khác nhau có ý nghĩa thống kê. 

Các chất dinh dưỡng cần được tích lũy trước khi sinh sản để đáp ứng nhu cầu phát triển tuyến sinh dục, sinh sản, đẻ trứng, phát triển bình thường và biến thái của ấu trùng. Trong sản xuất con giống, để đảm bảo tôm bố mẹ sinh sản bình thường, người ta thường tiến hành tăng cường dinh dưỡng. Chiều dài cơ thể hoặc khối lượng cơ thể của tôm bố mẹ sẽ tăng lên do các chức năng của cơ thể được tăng cường như bắt mồi, tiêu hóa, hấp thu và tích lũy đầy đủ các chất dinh dưỡng. 

Trong giai đoạn tăng cường dinh dưỡng, có hai phương pháp cho ăn. Một là phương pháp cho ăn hàng ngày theo tỷ lệ cố định, hai là phương pháp cho ăn thỏa mãn. Khi sử dụng phương pháp cho ăn thỏa mãn, việc tăng tần suất cho ăn hợp lý có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng của động vật thủy sản. Tần suất cho ăn quá nhiều sẽ khiến tôm bố mẹ bận rộn với việc thu nhận và tiêu hóa thức ăn, làm tiêu hao năng lượng trong cơ thể quá nhanh dẫn đến tốc độ tăng trưởng giảm.

Năng suất sinh sản của tôm bố mẹ có liên quan chặt chẽ đến việc tích lũy chất dinh dưỡng trong cơ thể và cung cấp thức ăn liên tục. Khi số lượng và chất lượng thức ăn không đáp ứng được sự phát triển tuyến sinh dục của tôm bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số lượng trứng, phát triển phôi và tỷ lệ sống của ấu trùng. 

Các nghiên cứu cho thấy, nếu tôm bố mẹ được cho ăn đầy đủ thì tuyến sinh dục phát triển nhanh hơn, nếu thiếu thức ăn thì tuyến sinh dục sẽ chậm phát triển hơn, thậm chí dẫn đến giảm sinh sản. Trong nghiên cứu này, số lượng nauplii, tỷ lệ nở của nauplii, tỷ lệ biến thái của nauplii, chỉ số tuyến sinh dục và thời gian sinh sản đầu tiên của tôm bố mẹ gần như giống nhau giữa các nhóm, nhưng khả năng sinh sản tương đối và khoảng thời gian sinh sản của TB và TC tốt hơn đáng kể so với TA. Điều này cho thấy rằng cho ăn nhiều hơn ba lần một ngày có thể đáp ứng nhu cầu sinh sản của tôm sú bố mẹ ở mức độ cao nhất.

Theo kết quả nghiên cứu và tình hình sản xuất, tần suất cho ăn phù hợp của giai đoạn tăng cường dinh dưỡng trong quá trình sinh sản của tôm sú bố mẹ là 3 lần/ngày trong điều kiện cho ăn thỏa mãn.

Nguồn: Jiang, S., Zhou, F. L., Yang, Q. B., Huang, J. H., Yang, L. S., & Jiang, S. G. (2020). The effect of feeding frequency on the growth, reproduction performance, body composition and digestive enzyme activity of Penaeus monodon broodstock. Aquaculture Research, 51(11), 4623-4630.


Related news

cham-soc-va-quan-ly-tom-su-nuoi-quang-canh-cai-tien-ket-hop Chăm sóc và quản lý… phong-benh-tren-tom-su Phòng bệnh trên tôm sú