Mô hình kinh tế Tăng Cường Quản Lý Các Vùng Nuôi Thủy Sản

Tăng Cường Quản Lý Các Vùng Nuôi Thủy Sản

Publish date Friday. August 2nd, 2013

Hiện nay, môi trường nước nhiều vùng nuôi thủy sản trong tỉnh Phú Yên không ổn định, có vùng gây bất ổn cho thủy sản nuôi. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý môi trường, quản lý con giống cũng như tình hình dịch bệnh…

Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), hiện các vùng nuôi tôm hùm, cua xanh, tôm thẻ chân trắng ở TX Sông Cầu các chỉ số vi sinh tuy nằm trong ngưỡng cho phép nhưng có biến động theo chiều hướng thấp. Riêng chỉ tiêu vibrio tại điểm thu mẫu Phú Dương (xã Xuân Thịnh) ở mức cao và vượt ngưỡng cho phép 2,38 lần.

Các vùng nuôi ở huyện Tuy An, qua phân tích vi sinh cho thấy hầu hết các điểm nuôi tôm thẻ chân trắng có mật độ vi khuẩn vibrio thấp, riêng chỉ tiêu vibrio tại điểm thu mẫu Diêm Hội (xã An Hòa) vẫn còn cao và vượt ngưỡng cho phép 1,42 lần, chỉ số PO4 vượt ngưỡng cho phép 8,5 lần và chỉ số DO rất thấp 2,4mg/l (ngưỡng cho phép 5mg/l).

Như vậy trầm tích trong khu vực đầm Ô Loan ngày càng nhiều được thể hiện qua chỉ tiêu PO4 tăng dần theo các tháng dẫn đến chỉ tiêu DO tại xã An Hòa rất thấp. Các vùng nuôi ở Đông Hòa, chỉ tiêu PO4 tại điểm thu mẫu cầu Xác Cháy (xã Hòa Xuân Đông) vượt ngưỡng cho phép 3,2 lần và chỉ tiêu DO thấp (3,8mg/l). Nhìn chung các chỉ số vibrio và tổng số vi khuẩn hiếu khí nằm trong ngưỡng cho phép.

Hiện nay, tại vùng nuôi Phú Dương, xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) tôm hùm vẫn chết rải rác, các triệu chứng tôm chết như trắng sữa, long đầu, đen mang, tôm lột vỏ không được rồi chết. Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Sông Cầu và Đông Hòa đã thu hoạch, nhìn chung tình hình bệnh trên tôm nuôi có giảm. Riêng tại các vùng nuôi ở Tuy An, tình hình bệnh trên tôm thẻ chân trắng diễn biến phức tạp tại các xã An Ninh Đông và An Ninh Tây.

Đa số tôm bị bệnh ở giai đoạn 15-30 ngày tuổi, biểu hiện của bệnh là suy gan tụy cấp. Thời tiết hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, bệnh tôm đang xảy ra hầu hết các vùng nuôi trong tỉnh, nguyên nhân chính gây bệnh trên tôm nuôi là do vi khuẩn vibrio parahaemolytics. Vi khuẩn này đã bị nhiễm bởi một loại thể thực khuẩn (phage) sinh ra độc tố cực mạnh gây nên hội chứng hoại tử gan tụy cho tôm nuôi.

Ông Lê Quang Hiệp, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), khuyến cáo: Bà con nuôi tôm hùm ở Sông Cầu nên giãn mật độ lồng nuôi từ 60-80 lồng/ha mặt nước, mỗi lồng chỉ nuôi khoảng 50 con ở thời kỳ trưởng thành nhằm hạn chế dịch bệnh. Việc sử dụng các loại thuốc bổ và thuốc phòng trị bệnh tại các hộ nuôi tôm hùm cần phải tham khảo quy trình điều trị đã được công bố.

Khu vực nuôi xung quanh đầm Ô Loan (Tuy An) có biểu hiện của ô nhiễm hữu cơ vì rong câu phát triển nhiều. Các điểm quanh đầm Ô Loan nuôi theo dạng hồ hở cần phải nghiên cứu chuyển đổi đối tượng nuôi cho năm tiếp theo như cua xanh, hàu… các vùng nuôi còn lại như An Ninh Đông, An Ninh Tây không tiếp tục thả nuôi khu vực này vì hiện nay tôm nuôi đang dịch bệnh.

Vùng nuôi An Hòa cần thường xuyên kiểm tra chỉ tiêu DO trong quá trình nuôi nhằm hạn chế thiếu ôxy cục bộ vào ban đêm và sáng sớm. Một số vùng nuôi có tôm đang bị bệnh cần phải báo ngay chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành để dập dịch, tiêu độc sát trùng và ngưng không thả tôm khu vực tôm bị bệnh.

Các hộ nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) cần chú ý kiểm tra DO thường xuyên nhằm hạn chế tôm thiếu ôxy nổi đầu lúc sáng sớm. Bà con nên sử dụng vi sinh, hóa chất xử lý nước nhằm làm giảm mật độ vibrio, giảm mật độ tảo trong ao nuôi, các ao hồ đã thu hoạch không nên tiếp tục thả nuôi vì sắp đến thời tiết diễn biến phức tạp…


Related news

ket-qua-du-an-phat-trien-chan-nuoi-lon-rung-thai-lan-lai Kết Quả Dự Án Phát… du-an-nuoi-oc-huong-ket-hop-voi-tu-hai-dat-ket-qua-tot Dự Án Nuôi Ốc Hương…