Tin thủy sản Tăng cường quản lý dịch bệnh

Tăng cường quản lý dịch bệnh

Author Bảo Bình, publish date Saturday. August 5th, 2017

6 tháng đầu năm, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng trên diện rộng đã tác động không nhỏ đến tình hình nuôi tôm tại các địa phương trong cả nước. Theo đó, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra ở nhiều vùng, miền, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

6 tháng, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trên 21.000 ha     Ảnh: Thanh Nhã 

Tôm chết trên diện rộng

Báo cáo của Cục Thú y, trong 6 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 21.667,70 ha (giảm 55% so cùng kỳ năm 2016), chiếm 3,49% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Trong đó: Diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại 8.160,33 ha (chiếm 37,66%), quảng canh, quảng canh cải tiến 10.711 ha (49,43%), còn lại là tôm lúa và các hình thức nuôi khác 2.796,38 ha (12,91%). Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là 7.034,25 ha (tăng 21% so cùng kỳ); không xác định nguyên nhân 5.649,24 ha, còn lại là do biến đổi môi trường, thời tiết 8.996,81 ha.

Từ đầu tháng 6 trở lại đây, hàng trăm ha ao tôm của người dân vùng bãi ngang Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) gần đến ngày thu hoạch bỗng nhiên chết hàng loạt. Như tại xã Kim Hải, với trên 289 ha nuôi tôm thì có đến trên 90% diện tích bị thiệt hại, khiến 247 hộ nuôi bị thua lỗ nặng. Nguyên nhân ban đầu có thể do thời tiết nắng nóng và nước trong ao nuôi bị xâm nhập mặn quá mức. Theo Phòng NN&PTNT huyện Kim Sơn, năm nay, hiện tượng tôm chết với các dấu hiệu khác thường. Tôm chết rất nhanh, chỉ sau 3 - 4 ngày là chết hàng loạt và đặc biệt không có lượng tôm hồi. Qua kết quả xét nghiệm, tôm đã bị nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND).

Thời tiết nắng nóng cũng khiến cho 1.636.654 con tôm chết/693 hộ tại các vùng nuôi tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Nguyên nhân được các ngành chức năng kết luận là do môi trường vùng nuôi đã bị ô nhiễm, tích tụ lượng lớn các chất hữu cơ. Thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, tại khu vực này thời tiết diễn biến rất bất thường (nắng nóng kéo dài chuyển mưa lớn đột ngột, nhiệt độ nước cao) tạo điều kiện cho sự phân hủy chất hữu cơ, sự phát triển mạnh của các loài vi tảo, các hoạt động này đều cần tiêu thụ một lượng lớn ôxy trong nước...

Không chỉ yếu tố thời tiết mà chất lượng con giống cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả nuôi tôm của các địa phương. Ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn xã có khoảng 10 ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, hầu hết tôm chết đều được xác định nguyên nhân bị gan tụy cấp, bên cạnh đó còn do chất lượng tôm giống thấp, sức kháng bệnh kém, dễ nhiễm bệnh.

Chủ động ứng phó

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 8, lượng mưa ở các khu vực thuộc Trung Bộ phổ biến ở mức trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ và trong tháng 9 - 10 thấp hơn TBNN từ 15 - 30%. Trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2017, khả năng hạn hán thiếu nước sẽ xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Dự báo, mùa mưa năm nay ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ kết thúc sớm. 

Để ứng phó kịp thời nắng nóng và các hiện tượng bất thường của thời tiết, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với sản xuất thủy sản, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nuôi, chỉ thả giống khi điều kiện thời tiết thích hợp. Cùng đó, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi; quan trắc cảnh báo môi trường và bệnh; cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến vùng nuôi và người nuôi. Tổ chức nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân bơm nước cho nuôi tôm.

Theo nhận định của Cục Thú y, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tích lũy sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi diện tích thả nuôi tăng, trong khi các điều kiện bất lợi của thời tiết, cũng như nguy cơ dịch bệnh  không giảm. Nhiệt độ, độ mặn tăng cao có thể làm tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển; môi trường ô nhiễm không được xử lý triệt để sẽ tạo điều kiện cho một số loại mầm bệnh phát triển, gây thành dịch. Chính vì vậy, khuyến cáo người nuôi cần duy trì mực nước ao cao hơn 1 m để chống nóng cho tôm vào những ngày nhiệt độ cao; với các ao có độ sâu lớn cần tăng cường sục khí để tránh hiện tượng nước trong ao bị phân tầng. Mặt khác, người nuôi cần quản lý chặt chẽ việc cho ăn, tránh dư thừa thức ăn vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm môi trường ao nuôi; Cùng đó, sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy bùn đáy ao nuôi, kết hợp bón thêm zeolite để hấp thu khí độc; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Những ngày có mưa giông phải tăng cường kiểm tra môi trường nước và có biện pháp xử lý; như: tăng cường sục khí sau mưa, thay bớt nước mặt, trước và sau khi mưa, bón vôi để nâng cao và ổn định pH, độ kiềm cho ao nuôi.

>> Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo, đối với các ao lót bạt, người nuôi phải khử trùng phơi khô ít nhất là 10 ngày, ao đất phải 30 ngày; sau đó mới tiến hành thả nuôi tiếp theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật ở địa phương. Để tránh thiệt hại không đáng có, bà con nên chọn mua giống tôm ở những địa chỉ kinh doanh giống uy tín mới đảm bảo được chất lượng tôm tốt và tránh được dịch bệnh nguy hiểm.


Related news

muc-bach-tuoc-thi-truong-xuat-thu-hep-gia-tri-van-tang Mực, bạch tuộc: thị trường… muc-bach-tuoc-thi-truong-xuat-thu-hep-gia-tri-van-tang Mực, bạch tuộc: thị trường…