Mô hình kinh tế Tăng sơ chế gắn với xây dựng thương hiệu

Tăng sơ chế gắn với xây dựng thương hiệu

Publish date Wednesday. October 28th, 2015

Tuy nhiên, việc khai thác còn nhiều hạn chế chưa mang lại hiệu quả cao xứng với tiềm năng của vùng... Đó là ý kiến đánh giá chung tại Diễn đàn Khuyến Nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức.

Diễn đàn thu hút nhiều đại biểu lãnh đạo thuộc các ban ngành cùng hơn 200  nông dân tham gia.

Tiềm năng lớn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Khởi- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh:

Diễn đàn là cơ hội để tìm kiếm cách tháo gỡ những vướng mắc, tìm ra các biện pháp tốt nhất cũng như lâu dài về phát triển cây  lâm sản ngoài gỗ.

Diễn đàn cũng sẽ là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân cùng trao đổi, tìm giải pháp để nâng cao kỹ năng sản xuất, tìm kiếm thị trường, liên kết thông tin giữa các bên, chung tay đẩy mạnh công cuộc bảo tồn, khai thác  lâm sản ngoài gỗ có hiệu quả nhất.

Ban cố vấn chương trình gồm những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp đang giải đáp thắc mắc của nông dân.

Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, cần đẩy mạnh bảo tồn và phát triển  lâm sản ngoài gỗ để  nâng cao đời sống cho người dân miền núi.

Nhà nước nên  có các chính sách hỗ trợ, ưu tiên về vốn, điều tra cơ bàn và quy hoạch tài nguyên để làm cơ sở theo dõi, quản lý, gây trồng và phát triển  lâm sản ngoài gỗ, biến  lâm sản ngoài gỗ trở thành nguồn thu nhập hỗ trợ, đảm bảo sinh kế cho người dân làm nghề rừng, đồng thời phát huy tính đa dạng sinh học của rừng trong thời gian tới.

Là một trong những tỉnh nằm trong khu vực miền núi phía bắc, Hòa Bình có nguồn tài nguyên rừng, đặc biệt là lâm sản ngoài gỗ dồi dào với tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Việc phát triển, khai thác  lâm sản ngoài gỗ có vai trò rất quan trọng đối với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng.  Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình- ông Trần Văn Tiệp cho biết: Trong những năm qua, Sở đã chỉ đạo các ban ngành tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng, thâm canh, chế biến một số loại  lâm sản ngoài gỗ chủ lực, phục hồi rừng bị thoái hóa, song đến nay vẫn còn chưa tương xứng với địa phương.

“Để phát triển lâm sản ngoài gỗ ngày càng tốt hơn, chúng tôi tiếp tục quan tâm toàn diện từ kiểm tra, rà soát, bổ sung quy hoạch trồng, chăm sóc, bảo tồn cũng như tăng cường quản lý, khai thác sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Mục tiêu là tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất ngày càng nhiều hơn” – ông Tiệp nói.

Phát huy hiệu quả lợi thế sẵn có

Theo ông Trần Văn Khởi,  lâm sản ngoài gỗ gắn liền với cuộc sống của gần 24 triệu đồng bào miền núi và gần rừng, có nơi, nguồn thu từ  lâm sản ngoài gỗ chiếm 10-20% thu nhập kinh tế của một hộ gia đình.

Việc gây trồng hoặc khai thác, chế biến  lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên thu hút hàng vạn lao động trong khu vực.

Từ đó, góp phần phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống sử dụng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến lâm sản và xuất khẩu.

Cùng với mở rộng quy mô, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để các doanh nghiệp, hộ gia đình, làng nghề sản xuất, kinh doanh  lâm sản ngoài gỗ phát triển.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu  lâm sản ngoài gỗ sang gần 90 nước và vùng lãnh thổ.

Thực tiễn ở một số địa phương cho thấy, phát triển lâm sản ngoài gỗ đã góp phần khôi phục, nâng cao độ che phủ và bảo tồn đa dạng sinh học rừng; gây trồng  lâm sản ngoài gỗ trong những khu rừng không thích hợp cho sản xuất gỗ đã giúp nâng cao giá trị của những khu rừng này, là một phương thức bảo vệ về mặt kinh tế hạn chế việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng khác.

Theo nhiều đại biểu  tại diễn đàn, để tận dụng lợi thế của vùng, phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, cần có sự thống nhất công tác khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở.

Đẩy mạnh cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật về bảo tồn, gây trồng và phát triển cây  lâm sản ngoài gỗ, đề xuất triển khai các mô hình khuyến nông về cây  lâm sản ngoài gỗ theo hướng xây dựng thành các vùng sản xuất hàng hóa hoặc có giá trị kinh tế cao, tạo thương hiệu sản phẩm, gắn với sơ chế để tăng giá trị hàng hóa.

Tăng cường các lớp tập huấn khuyến lâm đối với  lâm sản ngoài gỗ tại các vùng sản xuất truyền thống, vùng có tiềm năng phát triển để nâng cao kỹ năng sản xuất, chế biến, quảng bá sản phẩm của địa phương…

Tại diễn đàn, Ban cố vấn gồm những chuyên gia hàng đầu về lâm nghiệp đã giải đáp các thắc mắc của bà con nông dân dân về trồng cây  lâm sản ngoài gỗ, kỹ thuật nhân giống, trồng và phòng chống sâu bệnh cũng như các giải pháp tăng cường liên kết nhà nông – nhà doanh nghiệp trong phát triển thị trường lâm sản ngoài gỗ. 


Related news

ve-thong-tin-nhap-68-tan-chat-cam-trong-chan-nuoi-de-nghi-bo-y-te-kiem-soat-chat-hon Về thông tin nhập 68… 1-000-ty-dong-xay-resort-cho-tom-o-mien-tay 1.000 tỷ đồng xây resort…