Mô hình kinh tế Tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp

Tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp

Publish date Thursday. May 21st, 2015

Việt Nam hiện đã tham gia đàm phán 7 hiệp định thương mại tự do với các đối tác đa phương, khu vực và song phương về lĩnh vực nông nghiệp. Theo các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã, đang và chuẩn bị ký kết thì việc đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa đối với mặt hàng nông sản, về cơ bản phần lớn các hiệp định này đưa thuế suất về 0%.

Ông Trần Kim Long- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN & PTNT) cho biết, theo cam kết cắt giảm thuế mở cửa thị trường của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN với các đối tác, năm 2015, trong tổng số 1.539 dòng thuế nông, thủy sản, đã có 1.434 dòng thuế về 0%, còn lại 123 dòng ở mức thuế 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm.

Đến năm 2018, chỉ còn 55 dòng thuế giữ mức thuế 5%, vì cà phê arabica, đường củ cải phải giảm thuế xuống 0%, và tiếp tục duy trì 34 dòng thuế chưa cam kết cắt giảm đối với thuốc lá. Lâm sản và đồ gỗ, gồm 149 dòng thuế, phần lớn đã giảm thuế xuống mức 0%, chỉ còn 9 dòng sản phẩm đồ gỗ và nội thất là duy trì ở mức 5% năm 2015, nhưng toàn bộ sẽ về 0% vào năm 2018…

Trong khi đó, theo cam kết Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, năm 2015, có 21 dòng sản phẩm duy trì mức thuế cao 20%, 80 dòng ở mức thuế 5%, 46 dòng chưa cam kết cắt giảm. Đến năm 2018, chỉ còn 67 dòng sản phẩm còn duy trì thuế…

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong xu hướng đàm phán hội nhập chúng ta sẽ tiến đến thực hiện theo thông lệ, quy định, tiêu chuẩn quốc tế. Cơ hội thì rất nhiều, nhưng muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải thúc đẩy xuất khẩu và chúng ta cần các nước mở cửa cho nông sản của Việt Nam. Ngược lại khi thị trường trong nước phải mở cửa thì ngành nông nghiệp, mà nhất là lĩnh vực chăn nuôi, sẽ phải đối diện với thách thức rất lớn.

Đặc biệt, việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có nhiều đối tác có khả năng xuất khẩu nông sản khá mạnh như Úc, New Zealand với sản phẩm thịt bò, hoa quả, hay Mỹ có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Việt Nam như thịt gà, thịt lợn, hoa quả… Điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Trong xu thế hội nhập, thị trường nông nghiệp rộng mở nên sự cạnh tranh các mặt hàng nông sản sẽ rất cao. Với ngành nông nghiệp hiện chiếm khoảng 17% trong cơ cấu kinh tế của địa phương nhưng tác động trực tiếp tới đời sống của gần 70% dân số như Quảng Ngãi thì tác động của hội nhập đối với nông nghiệp và nông dân sẽ càng rõ nét.

Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015-2020, nhằm phát huy tối đa lợi thế, xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, có tính cạnh tranh cao.

Theo ông Dương Văn Tô-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, đến năm 2020, Quảng Ngãi phấn đấu giữ tốc độ tăng trưởng bình quân ngành hằng năm trên 4%. Giá trị bình quân đất canh tác đạt 65 triệu đồng/ha, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 40%.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển nhóm cây có lợi thế cạnh tranh. Chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả để đạt được các mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Vừa qua, hai nhà đầu tư Nhật Bản gồm Tập đoàn Micware và Công ty Thủy sản Casali tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án nuôi trồng và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ngãi. Và cuối năm 2014, Công ty TNHH Thái Việt SWINE LINE (Thái Lan), một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng đang có định hướng đầu tư tại Quảng Ngãi dự án trại chăn nuôi heo nái sinh sản siêu nạc. Đây là tín hiệu đáng mừng song phải thừa nhận, việc thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp vẫn còn khá yếu.

Để tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp, ngoài việc quản lý tốt các quy hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi cần định hướng phát triển chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP, GMP…) nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa cụ thể; tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản.


Related news

ngu-dan-quang-ngai-phan-khoi-duoc-nhan-tau-vo-thep-hien-dai Ngư dân Quảng Ngãi phấn… suc-ep-cho-nganh-trong-trot Sức ép cho ngành trồng…